Trở về từ vùng lũ

19:26 29/10/2020

Từ ngày 23 đến ngày 27-10-2020, Hội Đồng hương Quảng Trị tại Hải Phòng có chuyến đi cứu trợ đồng bào tỉnh nhà bị ảnh hưởng nặng nề bởi cơn lũ lịch sử vừa qua.

Đoàn chúng tôi lên đường trong sự lo lắng của gia đình và bạn bè, bởi bão số 8 đã tiến vào và cơn bão số 9 cũng đang hoành hành trên Biển Đông, hướng sự tàn phá về Miền Trung! Nhưng, quê hương chìm trong lũ đang kêu gọi, bao hội viên và người dân thành phố Cảng đã đóng góp tiền bạc, gửi gắm niềm tin vào chúng tôi như mệnh lệnh thúc giục! Theo dõi tin tức trên VTV và gọi điện đi khắp nơi, biết Quốc lộ 1A đã có thể đi được, chúng tôi lập tức lên đường, không thể chậm trễ hơn nữa!

Tác giả (đứng giữa) cùng đoàn cứu trợ trao quà tặng bào con Vân Kiều

Dọc đường đi, gặp rất nhiều đoàn xe, phần lớn là những xe tải lớn, xe ca, căng băng rôn “Vì Miền Trung ruột thịt”, “Tất cả vì đồng bào Miền Trung”, hay đơn giản “Đoàn cứu trợ Miền Trung, “Đoàn thiện nguyện”… đã hoàn thành việc cứu trợ trở về mà thấy ấm lòng. Cũng bởi chúng tôi đi nhanh nên ít thấy đoàn vào, chỉ khi dừng nghỉ ăn trưa mới thấy họ chạy qua, khí thế hừng hực!

Càng vào gần Quảng Trị, mật độ xe tham gia cứu trợ càng mau. Đủ các tỉnh, từ phía bắc xa xôi như Lào Cai, Tuyên Quang, đến Tây Nguyên hùng vĩ như Đắc Lắc, Đắc Nông, hay cực nam tít tắp như Thành phố Hồ Chí Minh, Long An… Trong đó Hải Phòng là một trong những địa phương góp mặt nhiều đoàn xe nhất. Thật vô cùng cảm động!

Bắt đầu từ thành phố Hà Tĩnh, đã thấy dấu vết của lũ lụt: dân đem phơi la liệt nào là đệm, chăn, màn, quần áo, sách vở… Vào sâu hơn, còn thấy bà con đang phơi thóc trên quốc lộ. Thóc đã khô, nay bị ngâm nước đem phơi lại thì nát lắm, chỉ có thể dùng để chăn nuôi. Nhưng vẫn còn may, vì ở các rốn lũ Lệ Thuỷ (Quảng Bình), hay Hải Lăng (Quảng Trị), thóc mọc mầm dài, bà con còn đùa: để làm giống vụ tới!

Rạng sáng thứ Bảy, 24-10, chúng tôi có cuộc làm việc rất ngắn với Thường trực Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Trị. Ông Lê Hồng Sơn, Phó Chủ tịch, cho biết: Trận lũ lịch sử này thật khủng khiếp, chưa có trận nào lớn như vậy. Lượng mưa trong 10 ngày lên tới 3.200mm. Xưa nay chỉ nghe nói lở núi đâu đó ở các tỉnh phía bắc, chứ Quảng Trị không có khái niệm này. Nhưng bây giờ, bỗng chốc cả quả núi đổ ập, ngôi nhà Đoàn 337 Bộ Quốc phòng nằm cách chân núi đến 1,6km mà còn bị vùi lấp, thật quá sức tưởng tượng!

Toàn tỉnh có 50 người chết, 4 người bị mất tích, 19 người bị thương nặng phải cấp cứu ở bệnh viện. Gần 80.000 nhà dân bị ảnh hưởng, trong đó có trên 150 nhà bị hư hỏng nặng hoặc sập đổ hoàn toàn, đa số là của đồng bào dân tộc Vân Kiều và Pa Cô. Đã hơn nửa tháng nay, cán bộ, nhân dân, bộ đội, công an không có ngày nghỉ, thậm chí phải làm việc không kể trưa, tối, ăn uống qua quýt, vội vàng. Tất cả tập trung cứu trợ, giúp đỡ nhân dân vượt qua hoạn nạn.

Theo chỉ đạo của Thường trực UB MTTQ VN tỉnh, Đoàn chúng tôi tham gia hỗ trợ cho nhân dân ở 3 địa điểm: xã Thanh An (huyện Cam Lộ), thị trấn Lao Bảo và xã Tân Thành (huyện Hướng Hoá).

Xe chạy theo Quốc lộ số 9, nhằm thẳng lên Lao Bảo. Đến Đakrông thì thấy rõ sự tàn phá của lũ. Tuy đã thông xe, nhưng bên sườn núi vẫn còn những đoạn sạt lở, vừa mới được san gạt lại, nham nhở đất đá. Cầu treo Đakrông tạm thời không cho xe qua. Nhưng khủng khiếp nhất là những đoạn bị sạt lở ta luy âm: mặt đường nứt toác, sụt một phần xuống lòng sông sâu. Theo các công nhân cứu hộ đường, nước lũ dâng cao sát mặt đường, mấp mé đáy cầu treo Đakrông, độ cao so với bây giờ có dễ đến hơn hai mươi mét, đục ngầu, sôi sục, cuồn cuộn, quăng quật, kéo theo cây lớn, cây bé, kèm rác, rều… đủ thứ, nuốt chửng con đường số 9 vốn xinh đẹp, uốn lượn theo triền núi, mép sông, đưa ta đến những bản làng Vân Kiều, Pa Cô giữa đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ ngày nào.

Đón chúng tôi ở Lao Bảo, tại ngôi nhà văn hoá nằm cạnh những nếp nhà sàn nhỏ, xiêu vẹo vì lũ của đồng bào Vân Kiều, ông Đào Hữu Đức, Chủ tịch UBMTTQ thị trấn Lao Bảo cho biết, dân thị trấn có rất nhiều đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Cô, đời sống còn nhiều khó khăn, nhiều nhà đã bị sập hoặc hư hỏng nặng. Cũng có nhiều đoàn thiện nguyện đến giúp đỡ, đồng bào vô cùng biết ơn, nhưng khó khăn vẫn còn chồng chất.

Kết thúc việc trao quà ở những điểm đã được chỉ định, theo sự kết nối của ông Trần Quốc Bảng và bà Nguyễn Thanh Chương, Đoàn chúng tôi cùng đoàn những nhà hảo tâm xã Gia Đức, huyện Thuỷ Nguyên (Hải Phòng) vào BCHQS huyện Hướng Hoá, thăm hỏi hai trong số những gia đình đã bị sập nhà hoàn toàn do lũ. Cảm động nhất là trường hợp Trung uý Hồ Văn Nhông, nhà sập hoàn toàn, mẹ bị thương phải nằm viện, vợ chưa có công ăn việc làm, hai con còn nhỏ, nhưng đồng chí Nhông vẫn đang đi cứu trợ, giúp dân ở vùng đặc biệt khó khăn, chưa thể về được.

Những ngày còn lại ở Quảng Trị, vừa đi thăm hỏi bà con, chúng tôi vừa tìm hiểu thêm tình hình quê hương trong những ngày phải đối mặt với bao hiểm nguy vất vả vừa qua. Riêng mình là người con của vùng đất Vĩnh Linh, chỉ cần nghe mọi người miêu tả sơ bộ là tôi đã hình dung được sự khủng khiếp của trận lũ năm nay. Ba lần nước lên rồi xuống, xuống rồi lên, bà con đã cùng cực về cái sự lũ chồng lũ, nhưng đến lần thứ tư, vào khoảng ngày 19, 20-10, mới thấy hết sự nguy ngập. Tại Vĩnh Linh, nước cao hơn mức kỷ lục năm 2005 đến hơn 30cm.

Nhưng, qua thăm hỏi bà con, chúng tôi luôn luôn thấy thường trực trên môi mọi người là câu nói: dân Việt Nam mình tốt thật, đồng bào mình tốt thật! Đúng là “Có qua cơn lận đận mới hiểu tận lòng nhau!”. Chỉ riêng buổi sáng đầu tiên phải nhai mì tôm sống, sau đó, thông qua mạng xã hội, các đoàn thiện nguyện, các nhà hảo tâm đã ùn ùn, khẩn trương kéo về.

Không quen địa hình, chưa biết nông sâu, những con người xa lạ ấy vẫn không quản hiểm nguy, dấn thân vào nơi thuỷ tặc đang hoành hành để mang cơm nóng, nước uống, áo quần đến cho đồng bào đang ngâm mình trong nước lũ. Quê tôi không ai bị bỏ rơi, không ai đói, khát. Tình đồng bào dâng cao hơn bao giờ hết. Bà con bảo nhau, hãy noi gương họ, nếu sau đây có ai kêu gọi đóng góp giúp đỡ người khác thì hãy làm ngay, làm với tâm thế của tình người, chớ so bì thiệt hơn!

Trên đường trở về, theo như đã bàn, chúng tôi vào thăm nhà lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại thôn An Xá, xã Lộc Thuỷ (Lệ Thuỷ, Quảng Bình). Từ Quốc lộ 1A vào phải đi qua nhiều đoạn đường còn bị ngập nước, đồng ruộng trắng băng như đầm phá. Đến nơi càng thấy hết cảnh tượng hãi hùng của trận lụt.

Nhà thờ chi họ Võ và nhà lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Theo dấu vết còn lại, không cần hỏi ai, chúng tôi cũng biết nước ngập gần tận nóc nhà! Phía trước, nhà thờ chi họ Võ bị sập tường, cảnh tượng tan hoang. Phía sau, nhà lưu niệm Đại tướng cũng không hơn: vết nước lụt trên cột nhà cao bằng tay với. Nhiều hiện vật quý giá, đặc biệt là giấy tờ, tài liệu ghi chép… bị ngâm nước, chưa phơi lại được vì còn lất phất mưa! Các đồng chí bộ đội của Quân khu 4 cùng với cán bộ thôn đang khẩn trương dọn dẹp, đồng thời chia nhau đi giúp dân khắc phục hậu quả.

Rời Lệ Thuỷ, chúng tôi băn khoăn mãi với câu hỏi: Có giải pháp nào căn cơ hơn để bảo tồn một nơi đã chất nặng tình cảm của người dân nước Việt với vị Đại tướng văn võ song toàn? Đồng thời có giải pháp nào giúp người dân Lộc Thuỷ nói riêng và Lệ Thuỷ nói chung sống chung được được với lũ lụt mà năm nào cũng xảy ra, chưa nói gì đến nạn đại hồng thuỷ lần này?

Cũng qua lần đi đáng nhớ này, đoàn chúng tôi càng khẳng định sâu sắc hơn chân lý: con người Việt Nam mình thật giàu lòng nhân ái, nghĩa đồng bào thật lớn lao! Khổ đau càng nhân lên gấp bội tình yêu nước thương nòi. Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế đã và đang nhận được sự giúp đỡ, sẻ chia của cả nước, trong đó có Hải Phòng. Thật tình cờ, tôi vừa kết thúc việc phát quà tại thôn nhà xong, chiếc xe mang biển số Hải Phòng của tôi đang rời sân thì thấy ngay 2 chiếc xe khác cũng mang biển số Hải Phòng (1 xe tải với 1 xe ca), đang đi vào để phát quà đợt tiếp theo cho bà con. Chúng tôi vội vã chào nhau, để rồi mỗi đoàn lại tiếp tục công việc thiện nguyện của mình.

Trở về Hải Phòng sau chuyến đi tham gia cứu trợ nhân dân vùng bị lũ lụt của Quảng Trị, chúng tôi chưa hết trong mình nỗi vấn vương vì vẫn còn những nơi, những người cần được giúp đỡ mà mình chưa đến được nhưng tất cả đều ấm lòng trước sức mạnh cực kỳ to lớn và tình nhân ái bao la của cộng đồng, sẵn sàng giúp nhau trong cơn hoạn nạn, không toan tính thiệt hơn. Đặc biệt nữa là sự vào cuộc quyết liệt, khẩn trương của các cấp chính quyền và đoàn thể, chung tay cùng cả nước vượt qua khó khăn, “không để ai bị đói, không ai bị bỏ lại phía sau” như chỉ thị của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Trần Quốc Việt

Trưởng Ban liên lạc Hội đồng hương Quảng Trị tại Hải Phòng

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông

Liên kết hữu ích