Từ nghị quyết 30 của Bộ Chính trị: Liên kết vùng là tư duy chủ đạo, xu thế tất yếu của các địa phương vùng đồng bằng sông Hồng (Bài 2)

17:51 02/01/2023

Bài 2: Rõ định hướng, rõ mục tiêu phát triển Trên cơ sở tổng kết nghị quyết 54 và yêu cầu phát triển mạnh mẽ của Vùng đồng bằng sông Hồng cũng như của cả nước trong giai đoạn tới, Bộ Chính trị đã ban hành nghị quyết 30 ngày 23-11-2022 về phát triển kinh tế- xã hội và bảo đảm quốc phòng- an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nghị quyết 30 có ý tưởng mới, tinh thần mới, nội dung mới, thể hiện rõ khát vọng phát triển nhanh, bứt phá của cả vùng, được các địa phương đón nhận với tinh thần hào hứng, phấn khởi, tràn đầy niềm tin và hy vọng.

                                                           Rõ quan điểm chỉ đạo và định hướng phát triển

          Theo đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, nghị quyết số 30 là sản phẩm kết tinh từ trí tuệ tập thể, là kết quả tổng hợp từ các Báo cáo tổng kết thực hiện Nghị quyết 54-NQ/TW của 11 địa phương trong vùng và 20 bộ, ngành nên rất toàn diện, rõ định hướng phát triển vùng thời gian tới.  Nếu như Nghị quyết số 54 của Bộ Chính trị (khóa 9) chỉ nêu 3 quan điểm chỉ đạo, rất ngắn gọn (18 dòng) thì nghị quyết 30 (khóa 13) đã kế thừa, bổ sung, phát triển thành 5 quan điểm chỉ đạo quan trọng và mới mẻ, sát hợp với tình hình mới.

          Cụ thể, nghị quyết  tiếp tục xác định: Vùng đồng bằng sông Hồng là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước. Phát triển nhanh, bền vững Vùng đồng bằng sông Hồng là trách nhiệm của các địa phương trong Vùng và toàn hệ thống chính trị. Cần phải bám sát các chủ trương, đường lối của Đảng, khai thác, sử dụng có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế vượt trội của Vùng; phát huy thật tốt vai trò là vùng động lực phát triển hàng đầu để định hướng, dẫn dắt quá trình cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

           Cùng với đó, nghị quyết đặt ra yêu cầu về sự phát triển của vùng trong tổng thể phát triển của quốc gia, trong đó coi trọng liên kết, phát triển vùng. Theo đó, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách thúc đẩy liên kết và phát triển vùng đủ mạnh, thiết thực, hiệu quả; thí điểm một số mô hình, cơ chế, chính sách mới; tăng cường liên kết nội vùng, liên vùng; phát huy vai trò và khai thác hiệu quả các hành lang, vành đai kinh tế, cực tăng trưởng, trung tâm kinh tế, hệ thống đô thị để tạo đột phá phát triển vùng.

Tuyến cao tốc Vân Đồn- Móng Cái được đưa vào hoạt động năm 2022 mở ra nhiều cơ hội kết nối, hợp tác giữa các địa phương trong vùng

           Nhóm quan điểm thứ ba là tập trung nhấn mạnh các tiềm năng, lợi thế, nguồn lực cần phát huy; khắc phục những hạn chế của vùng trong bối cảnh mới và định hướng phát triển các ngành kinh tế của vùng.  Nghị quyết định hướng: khai thác và phát huy các thế mạnh của vùng về địa chính trị, địa kinh tế, điều kiện tự nhiên, các giá trị văn hoá, lịch sử; huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, nhất là đất đai, nhân lực chất lượng cao; phát triển nhanh mạng lưới đô thị với kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; đi đầu trong ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế số, xã hội số; cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, thu hút nguồn lực đầu tư từ các thành phần kinh tế để tập trung phát triển các ngành sản xuất công nghiệp, dịch vụ hiện đại và nông nghiệp công nghệ cao, hữu cơ, xanh, tuần hoàn, bảo đảm đồng bằng sông Hồng trở thành vùng phát triển hiện đại, văn minh, sinh thái dẫn đầu cả nước.

          Nhóm quan điểm thứ tư đặt ra yêu cầu về phát triển toàn diện vùng cả về kinh tế, xã hội, văn hóa và không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân trong vùng. Cụ thể, phát triển kinh tế hài hoà với phát triển văn hoá, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; bảo đảm bình đẳng trong tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản. Giữ gìn, phát huy bản sắc văn hoá, giá trị lịch sử, nhất là văn hoá đồng bằng Bắc bộ. Phát triển hệ thống y tế, giáo dục - đào tạo chất lượng cao, hiện đại, tương đương với các quốc gia phát triển trong khu vực. Nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và hạnh phúc của nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội, thu hẹp khoảng cách phát triển giữa nông thôn và thành thị. Chú trọng bảo vệ môi trường, chủ động phòng, chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu.

          Nhóm quán điểm thứ năm đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị gắn với kiểm soát quyền lực; bảo đảm quốc phòng an ninh.

                                                                   Mục tiêu thể hiện rõ khát vọng phát triển

          Đồng chí Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, có thể coi mục tiêu phát triển Vùng đồng bằng sông Hồng là nội dung hoàn toàn mới trong nghị quyết 30.

      Nghị quyết 30 đã xác định rất rõ mục tiêu tổng quát và một số chỉ tiêu cụ thể đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Phấn đấu đến năm 2030: "Vùng đồng bằng sông Hồng phát triển nhanh, bền vững, có cơ cấu kinh tế hiện đại, mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc; tập trung phát triển công nghiệp, dịch vụ hiện đại và nông nghiệp công nghệ cao, hữu cơ, tuần hoàn; trở thành trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của cả nước; đi đầu về phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, kinh tế số, xã hội số; có hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại và hệ thống đô thị thông minh, kết nối. Hệ thống chính trị vững mạnh, hiệu lực, hiệu quả; quốc phòng, an ninh được giữ vững; quan hệ đối ngoại mở rộng, hội nhập quốc tế hiệu quả. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng cao, dẫn đầu cả nước. Thủ đô Hà Nội là Thành phố "Văn hiến-Văn minh-Hiện đại"; là trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng và cả nước, phấn đấu ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực".   

                                                                    Đô thị Hải Phòng ngày càng rộng dài, rực sáng

         Đến năm 2045: "Đồng bằng sông Hồng là vùng phát triển hiện đại, văn minh, sinh thái; là trung tâm hàng đầu của cả nước về giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, chăm sóc sức khoẻ nhân dân; có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại, thông minh và một số trung tâm kinh tế, tài chính lớn mang tầm khu vực và thế giới. Hệ thống đô thị liên kết thành mạng lưới, thông minh, xanh, bền vững. Người dân có thu nhập cao, đời sống hạnh phúc và thịnh vượng. Quốc phòng, an ninh được bảo đảm vững chắc. Hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; khối đại đoàn kết toàn dân tộc được tăng cường. Thủ đô Hà Nội trở thành thành phố kết nối toàn cầu, phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển ở khu vực và thế giới".

          Một số mục tiêu cụ thể được xác định như: giai đoạn 2021 - 2030 tăng trưởng GRDP đạt bình quân khoảng 9%/năm. Đến năm 2030, GRDP vùng tăng khoảng 3 lần so với năm 2020 (giá hiện hành). Trong đó nông, lâm và thuỷ sản chiếm khoảng 3,5%; công nghiệp - xây dựng chiếm khoảng 47%; dịch vụ chiếm khoảng 41%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp chiếm khoảng 8,5%. GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 274 triệu đồng/người/năm. Tốc độ tăng năng suất lao đông bình quân đạt trên 7%. Đóng góp bình quân của năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng giai đoạn 2021 - 2030 đạt 55%. Kinh tế số đạt khoảng 35% GRDP. Tỷ lệ đô thị hoá đạt trên 35%; có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có ít nhất 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 20% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu…

Thủ đô Hà Nội được nghị quyết 30 xác định là thành phố "Văn hiến-Văn minh-Hiện đại"; là trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng và cả nước

          Đồng thời, nghị quyết cũng  đề ra đầy đủ, đồng bộ các giải pháp, đáp ứng yêu cầu của giai đoạn phát triển mới. Đồng chí Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu các Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương  phải nhận thức thật đầy đủ và sâu sắc mục đích, ý nghĩa, yêu cầu, nội dung của nghị quyết, nắm vững những quan điểm, tư tưởng chỉ đạo, những công việc phải làm.

      Trên cơ sở đó, có sự thống nhất cao về ý chí, quyết tâm của cả nước, của toàn vùng, của từng địa phương trong vùng, các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương, xác định rõ đây là trách nhiệm của toàn hệ thống chính trị, chứ không phải chỉ là nhiệm vụ riêng của vùng và các địa phương trong vùng. Đồng thời, phải nhận thức thật đúng và giải quyết thật tốt mối quan hệ giữa phát triển vùng và phát triển chung của cả nước: “Cả nước vì Vùng và Vùng vì cả nước”. Từ đó, tạo sự thống nhất cao trong nhận thức ở tất cả các cấp, các ngành về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của vùng và liên kết vùng.

Thủ đô Hà Nội được nghị quyết 30 xác định là thành phố "Văn hiến-Văn minh-Hiện đại"; là trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng và cả nước

      Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, liên kết vùng phải trở thành tư duy chủ đạo dẫn dắt sự phát triển toàn vùng và từng địa phương trong vùng. Tập trung ưu tiên hoàn thiện thể chế, chính sách cho phát triển vùng và liên kết vùng về tổ chức, bộ máy, nguồn lực và cơ chế triển khai; tham gia có hiệu quả vào các hoạt động hợp tác với Trung Quốc, các nước ASEAN, Đông Bắc Á. Đồng thời, khơi dậy và phát huy mạnh mẽ hơn nữa truyền thống văn hiến, cách mạng, tinh thần yêu nước; tính chủ động, sáng tạo; ý chí vươn lên, tự lực, tự cường của cán bộ, đảng viên và nhân dân các địa phương trong Vùng; quyết vượt lên chính mình, khắc phục tư tưởng tự mãn, bằng lòng với những gì đã làm; trái lại, phải có ý chí và quyết tâm cao hơn nữa, quyết vươn lên làm cho bản thân, gia đình và quê hương, đất nước giàu mạnh và tốt đẹp hơn, dẫn đầu cả nước./.

(Còn tiếp)

                                                                                                                                Hồng Thanh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông