Từ tác động thị trường đến an sinh xã hội cuối năm

18:04 11/12/2022

Theo số liệu thống kê, tính đến hết kỳ báo cáo năm 2022, chỉ số giá tiêu dùng CPI bình quân tăng gần 4% so với cùng kỳ năm trước. Về cơ bản, nếu so sánh với lãi suất bình quân hai chiều của ngân hàng thời gian gần đây, thì mức tăng này không đáng kể, nhưng một bộ phận không nhỏ người dân vẫn không khỏi băn khoăn, nhất là những người yếu thế trong xã hội, khi tết Nguyên đán truyền thống đang đến rất gần.
Nguồn cung và giá xăng dầu ổn định là yếu tố quan trọng bậc nhất cho công tác bình ổn thị trường hàng hóa cuối năm.

        Đánh giá chi tiết về chỉ số CPI trong thời gian gần đây, báo cáo thống kê của thành phố cho thấy trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính, có 7 nhóm có chỉ số giá tăng so với tháng trước.

        Trong đó, những nhóm hàng có tính tác động chi phối khiến chỉ số CPI tăng có thể kể giá xăng dầu trong nước có 31 đợt điều chỉnh tăng với 21 lần tăng, tổng mức tăng bình quân là 30,15%, được xem là yếu tố tác động mạnh mẽ nhất. Bên cạnh đó nhóm dịch vụ ăn uống ngoài gia đình tăng 6,78%; nhóm gas tăng 12,77%; nhóm vật liệu xây dựng tăng 7,67%...

       Nhìn về bình diện chung, có thể nói số liệu tăng gần 4% của CPI là những tín hiệu tích cực cho thị trường Hải Phòng nói riêng và cả nước nói chung, trước những biến động mạnh mẽ của thị trường thế giới.

       Nhưng nỗi lo ở chỗ, trong hơn hai năm hoành hành của dịch bệnh Covid-19, bước sang năm 2022 vừa qua nền kinh tế Việt Nam cũng như thế giới đã không còn “lành lặn”, trong khi đó một bộ phận không nhỏ người yếu thế trong xã hội đang rất khó khăn trong việc hồi phục nghề cũng như thu nhập. Vì vậy, biến động chỉ số giá tiêu dùng dù không quá lớn, nhưng lại có tác động tiêu cực nhiều hơn.

         Ở một diễn biến khác, báo cáo thống kê cho thấy, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 11 đạt khoảng 12.577,7 tỷ đồng, tăng 14%. Tính chung từ đầu năm,  con số này là 129.761,2  tỷ đồng, tăng 12,9% so với cùng kỳ năm 2021. 

          Nhìn vào các số liệu bình quân, thì đến thời điểm này cơ bản cho thấy tình hình thị trường khá ổn định. Nhưng tính riêng từng thời điểm khác nhau thì rõ ràng nhiều bất ổn hơn so với những năm trước, mà như đã nói, nguyên nhân chính bởi ảnh hưởng biến động thị trường xăng dầu, tiền tệ và các vấn đề xung đột thương mại quốc tế mang đến.

         Một vấn đề đáng quan tâm nữa là, càng về cuối năm thị trường hàng hóa càng diễn biến sôi động, tiêu thụ gia tăng đã góp phần cải thiện tốt yêu cầu vận động tích của của thương mại nội địa. Như trên đã đề cập, dù có tới 7 nhóm hàng hóa thiết yếu tăng chỉ số CPI, nhưng cũng có 3 nhóm giảm đáng kể.

          Điều này cho thấy, trong bối cảnh tiêu thụ hàng hóa gia tăng, nhưng chỉ số tiêu dung CPI tăng chậm hoặc giảm ở một số phân khúc, đã đem lại sự yên tâm cho người tiêu dùng. Đây là yếu tố hết sức quan trọng trong mục tiêu bình ổn thị trường, đảm bảo an sinh xã hội trong dịp tết truyền thống.

         Liên quan của tác động thị trường đến an sinh xã hội, ông Bùi Văn Lượng – chủ một cơ sở phân phối hàng tiêu dùng ở đường Nguyễn Bỉnh Khiêm chia sẻ. Chỉ tính ảnh hưởng của giá xăng dầu, việc mặt hàng này đang từng bước được kiểm soát tốt và ổn định cả nguồn cung lẫn giá, sẽ mang lại nhiều cơ hội.

       “Nếu đơn giản trong sinh hoạt, người dân hưởng thụ mức giảm của xăng dầu, gas… chỉ  vài chục nghìn đồng/tháng cũng bình thường. Nhưng đối với các nhà phân phối hàng hóa như chúng tôi thì có tác động rất lớn: - Ông Lượng nói.

        Theo lý giải của ông Lượng, vì đây là những mặt hàng có ảnh hưởng mạnh mẽ tới thị trường, là chi phí đầu vào của cả hệ thống từ sản xuất, lưu thông đến phân phối bán lẻ hàng hóa.

           Ông Lượng cũng bày tỏ hy vọng, rằng từ nay đến tết Nguyên đán Quý Mão 2023 các nhóm hàng hóa thiết yếu được giữ vững ở tầm vĩ mô, bởi đây là thời điểm hết sức nhạy cảm, chỉ một động thái khó kiểm soát về giá sẽ gây tác động khôn lường tới thị trường.

          Chưa hết, cũng theo ông Lượng, thời gian qua thị trường ngoại tệ cũng biến động mạnh, trong khi đó nhu cầu nhập khẩu hàng hóa cuối năm rất lớn, mà ngoại tệ tác động trực tiếp đến hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam. Giá nhập khẩu tăng đương nhiên giá bán cũng tăng, đây sẽ là nỗi lo cho dịp tết sắp tới.

          Ngược lại, về lý thuyết, việc thu gom sẽ tạo ra sự khan hiếm ngoại tệ, thay vào đó sẽ có một lượng tiền Việt lớn được lưu thông cũng sẽ ảnh hưởng không nhỏ vào giá cả thị trường.  

          Nhìn vào thực tế, sự tác động trực tiếp đến cuộc sống người dân lại ở góc nhìn đơn giản và thiết thực hơn. Chị Lan, một kế toán làm việc ở KCN VSIP cho biết, lương của chị được trả 600 USD/tháng tương đương 14 triệu đồng. Chồng chị cũng làm ở một doanh nghiệp liên doanh, tổng cộng hai vợ chồng thu nhập khoảng 25 triệu đồng/tháng.

          Một khoản như vậy xem ra khá cao so với mặt bằng chung của xã hội, nhưng chị Lan vẫn phàn nàn: “Thu nhập cao nhưng chi phí sinh hoạt phát sinh rất lớn, toàn là những vấn đề không thể đừng được như tiền ăn uống, điện nước, phương tiện đi lại, chi phí học hành của con cái, chưa kể các chi phí liên quan đến các mối quan hệ xã hội khác”.

 “Nhà giàu” đã vậy, còn vợ chồng chị Ngân ở quận Lê Chân, có nghề nghiệp hẳn hoi nhưng cuộc sống có thể nói là bi đát. Chị Ngân kể, chị làm việc ở một trường mầm non trong nội thành, mức lương hợp đồng được hơn ba triệu đồng/tháng, nhưng trong hai năm dịch bệnh Covid-19 vừa qua cũng rất bấp bênh, trong khi chồng chị là cán bộ phường, thu nhập mỗi tháng chỉ ở mức tương tự. Chị Ngân than: “Đang mùa cưới, bọn em tuần chay nào cũng có nước mắt, lương hai vợ chồng không đủ đi mừng cho người ta”.

          Đấy là chuyện của những người có nghề nghiệp, ít nhiều sẽ được thụ hưởng từ chế độ điều chỉnh về lương, tuy nhiên hiện còn số đông những người làm nghề tự do, thu nhập rất bấp bênh, hoặc nhiều người không còn khả năng lao động khác. Rõ ràng, trong bối cảnh cuộc sống của người dân còn quá nhiều vấn đề xã hội chi phối, thì mọi tác động tiêu cực đến từ thị trường sẽ ngay lập tức ảnh hưởng xấu.         

Đặc biệt, trước thềm tết Nguyên đán Quý Mão 2023, thị trường luôn tiềm ẩn nhiều vấn đề, đòi hỏi vai trò, trách nhiệm rất lớn từ các nhà hoạch định chính sách và quản lý, nhất là việc kiểm soát những yếu tố tác động nhằm bình ổn thị trường, từ đó mới có thể bảo đảm được an sinh xã hội.

          Lê Minh Thắng

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông