Tục thờ thần Tài qua minh triết dân gian

18:37 19/12/2015

 

Bàn thờ Thần tài và Thổ địa
Bàn thờ Thần tài và Thổ địa

Từ xưa, thần Tài, thần Thổ Địa đã trở thành vị thần quen thuộc với mọi người dân Việt Nam, đặc biệt là những người kinh doanh buôn bán. Phong tục thờ cúng thần Tài thường diễn ra vào ngày mùng 10 tháng Giêng âm lịch hoặc mùng 10 âm lịch hàng tháng. Tuy thế, nguồn gốc và ý nghĩa của 2 vị thần này thì không phải người dân nào cũng biết.       

THẦN THỔ ĐỊA BỊ BIẾN THÀNH THẦN TÀI

Tục thờ thần Tài có xuất xứ từ Trung Quốc, còn ở nước ta tục này xuất hiện khá muộn, phổ biến vào khoảng cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Người Trung Quốc xưa cho rằng: Tài Bạch Tinh quân là vị thần chủ quản lý tiền bạc cho Thượng đế. Tài Bạch Tinh quân gồm 5 vị: Long Hổ Chính Nhất Huyền Đàn Chân quân; Chân Bửu Thiền tôn; Nạp Chân Thiền tồn; Chiêu Tài Đồng Tử và Lợi Thị Tiên quan. Nhìn danh hiệu, chúng ta thấy 4 vị thần Tài: Chân Bửu, Nạp Trân, Chiêu Tài và Lợi Thị chỉ là biểu tượng chúc tụng. Riêng vị Huyền Đàn Chân quân đã được đồng nhất với Triệu Công Minh. Theo truyền thuyết xưa, có một người lái buôn Trung Hoa tên là Âu Minh khi đi qua hồ Thanh Thảo tình cờ gặp Thủy thần, được Thủy thần cho một người gia nhân tên là Như Nguyện. Âu Minh đem Như Nguyện về nuôi ở trong nhà, từ đó công việc làm ăn của Âu Minh mỗi ngày một phát đạt.

Trong một ngày Tết, vì một lý do gì đó, Âu Minh đánh Như Nguyện. Như Nguyện quá sợ hãi bèn chui vào đống rác và biến mất. Từ đó Âu Minh làm ăn thua lỗ, chẳng mấy chốc nghèo xác nghèo xơ. Dân gian coi Như Nguyện là thần Tài và lập bàn thờ Như Nguyện, cũng chính vì thế mà bàn thờ thần Tài thường nằm ở một góc khuất trong nhà. Theo điển tích này, trong 3 ngày Tết có tục kiêng quét nhà, hốt rác vì sợ làm mất thần Tài ẩn trong đống rác.

Tục đóng giả thần Tài trên tay cầm xâu vàng thỏi vào từng nhà múa chúc tài lộc đầu năm
Tục đóng giả thần Tài trên tay cầm xâu vàng thỏi vào từng nhà múa chúc tài lộc đầu năm

Cũng có quan niệm cho rằng Thần Tài là một dạng thổ thần kiểu thần Đất (thần Thổ Địa), vị thần hộ mệnh của xóm làng, cai quản đất đai, phù hộ con người và gia súc trong xóm làng. Khi những người dân Việt đi khai hoang, bước đầu họ gặp nhiều khó khăn và ý niệm về các vị thần hình thành từ đó làm chỗ dựa tâm linh của họ trên con đường mưu sinh. Thần Đất là vị thần bảo hộ cây trái, hoa màu, thể hiện tính nông nghiệp và là vị thần trông coi tiền tài, vàng bạc. Đây cũng là dấu ấn của thời kỳ kinh tế thương nghiệp.

Một điển tích khác lại cho rằng thần Tài nguyên là Bố Đại La Hán, còn gọi là Nhân Yết Đà Tôn Giả ở Ấn Độ (là một trong thập bát La Hán). Ông là người chuyên bắt rắn, ông mang túi vải to trên lưng vào rừng bắt rắn độc, nhổ bỏ răng độc rồi thả rắn đi. Người Trung Quốc cho là Bố Đại đầu thai tại nước Lương tên là Phó Đại Sĩ, tính tình vui vẻ, ăn mặc xốc xếch, vai mang cái túi vải to, ai cho gì cũng dồn vào túi rồi đem phân phát cho trẻ em. Do đó có tượng thần Tài đứng, mang túi to, hai tay đưa thẳng lên trời cười thoải mái, tượng trưng cho sự may mắn, thành công.

Mặc dù thần Tài được xem là một hình tượng khác của thần Đất nhưng cả 2 vẫn mang yếu tố tâm linh giúp con người làm ăn phát đạt, cho nên người ta không thờ thần Tài một mình mà thường thờ chung với Thổ Địa (vị thần cai quản đất đai nhà cửa). Trong những gia đình làm ăn buôn bán, người ta thờ cúng thần Tài quanh năm, sáng sớm khi mở cửa bán hàng họ thường thắp hương cầu xin “mua may bán đắt”. Lễ ký (của Nho giáo) quy định mỗi ngôi nhà phải thờ 5 vị thần (gọi là thần Ngũ tự): Thần Cửa, thần Nhà, thần Giếng, thần Bếp và thần Trung Lưu. Thần Trung Lưu là thần kiêm chức năng thần Tài của tầng lớp giàu có, quý tộc.

Theo một sự tích khác, ngày mồng 10 tháng Giêng âm lịch là ngày thần Tài bay về trời báo cáo việc làm ăn của gia chủ ở thế gian nên có tục cúng vía thần Tài và thần Thổ Địa. Chuyện kể rằng dưới trần gian vốn không có Thần Tài, chỉ có Thần Tài trên trời chuyên cai quản tiền bạc, tài lộc của Thiên đình. Trong một lần đi chơi uống rượu, thần Tài say mèm nên rơi xuống trần gian, đầu va vào đá nằm mê mệt không biết gì, sáng ra mọi người thấy một người ăn mặc giống như diễn tuồng, cải lương bèn lột sạch hết quần áo, mũ nón đem bán.

Thần Tài tỉnh dậy không có quần áo trên người và không nhớ mình là ai nữa, đi lang thang xin ăn khắp nơi. Có một cửa hàng buôn bán gà, vịt, heo quay ế ẩm, thấy thần Tài đến ăn xin nên mời vào cho ăn. Kỳ lạ thay, từ lúc thần Tài vào ăn thì khách khứa kéo đến ăn nườm nượp. Thấy vậy, người bán hàng ngày nào cũng mời thần Tài vào ăn. Khách hàng ở quán đối diện trước nay rất đông khách bỗng dưng cũng chuyển hết qua quán bên này ăn.

Được một thời gian, người bán hàng thấy thần Tài chẳng làm gì mà suốt ngày được ăn uống ngon, lại toàn dùng tay ăn bốc, người thì bốc mùi. Nghĩ thần Tài sẽ làm khách sợ không dám đến ăn và hao phí đồ ăn cho người ăn mày nên bèn đuổi thần Tài đi. Chủ quán đối diện liền mời thần Tài vào ăn. Từ đó, mọi người lại kéo hết sang quán bên này ăn uống vui vẻ. Mọi người đua nhau giành mời cho bằng được thần Tài đến ăn hàng quán của mình. Thấy thần Tài không có quần áo mặc nên một số bà con đã dẫn đi mua quần áo, sau khi mặc quần áo, mũ nón tươm tất vào thì thần Tài bỗng nhớ lại mọi chuyện và bay về trời. Từ đó, tất cả mọi nhà buôn bán, cửa hàng, cửa hiệu… đều lập bàn thờ thần Tài,  sắm lễ vật cúng vía thần Tài, cầu xin một năm mới làm ăn được thịnh vượng, phát tài phát lộc. Ngày vía của thần Tài, người ta thường mua: 1 bình bông, 1 con tôm, 1 con cá quả nướng, 1 con cua, 1 miếng thịt lợn quay, 1 đinh tiền vàng mã, 1 đĩa ngũ quả, chum rượu, cúng lấy vía thần Tài, cầu mua may bán đắt, làm ăn phát đạt.

Bàn thờ thần Tài không được đặt ở trên cao như bàn thờ gia tiên, thường dán giấy đỏ, để ở góc hay xó nhà. Có thể đặt bài vị nhỏ, hai bên bài vị có câu đối: Thổ năng sinh bạch ngọc (Đất sinh ngọc trắng)/Địa khả xuất hoàng kim (Đất có khả năng sinh vàng ròng); trên đỉnh bàn thờ, lắp hai ngọn đèn (được thắp sáng khi thắp hương). Hai bên, phía bên trái (từ ngoài nhìn vào) là ông thần tài, phía bên phải là thần Thổ Địa. Ở giữa hai ông là một hũ gạo, một hũ muối và một hũ nước lã đầy. Ba hũ này chỉ đến cuối năm mới thay. Giữa bàn thờ là một bát nhang, bát nhang này khi bốc phải theo một số thủ tục nhất định.

Để tránh động bát nhang khi lau chùi bàn thờ, người ta dán bát nhang xuống bàn thờ bằng keo, băng dính. Người ta thường đặt lọ hoa bên tay phải, đĩa trái cây bên tay trái bàn thờ và cắm hoa hồng, hoa cúc hoặc hoa đồng tiền thờ thần Tài. Đĩa ngũ quả trên ban thờ thần Tài có đủ 5 loại trái cây, mùa nào thức nấy. Ngày thường, lễ cúng đơn giản, chỉ có trầu nước và trái cây, còn các dịp giỗ tết, ngày sóc vọng, người ta thường bày lễ mặn, rượu.

MUÔN MẶT THẦN TÀI

Văn Xương, tức sao Khuê hay sao Khôi, là ngôi sao sáng được người xưa dùng làm biểu tượng văn chương, chữ nghĩa. Dân gian thường mượn hình tượng Văn Xương Tinh quân (một vị đại thần mặc áo đại triều, đầu đội mũ cao, tay cầm hốt…, gọi là “ông Lộc”) để làm hình tượng thần Tài. Vị thần chủ quản việc học hành, thi cử bỗng dưng bị “thần Tài hóa” là do câu “Văn Xương cung… lục viết lộc” (Lễ ký). Có lẽ người xưa quan niệm học hành đỗ đạt là bước đầu để vinh thân phì gia.

Tương tự, sao Trường Canh tức sao Thái Bạch hay sao Kim cũng bị biến thành sao chủ tiền bạc, lợi lộc do ý nghĩa của chữ “Kim”. Người ta hình dung Thái Bạch Kim Tinh là một vị lão tiên, râu tóc bạc phơ, mặc áo trắng (màu trắng là biểu tượng của kim loại). Thái Bạch Kim Tinh được Thượng đế cử làm sứ giả xuống Hoa Qủa sơn thu phục Tôn Ngộ Không. Thái Bạch Kim Tinh là thần Tài của các nhà kinh doanh ngũ kim.

Ngũ Lộ Tài thần - vị thần Tài của mọi nhà. Ngũ Lộ thần Tài là 5 vị thần tài chịu trách nhiệm 5 hướng, nói nôm na là khắp nơi. Ngũ Lộ thần Tài được hình tượng là 5 vị tiên đồng đẩy một xe vàng bạc, châu báu giữa có Tụ bảo bồn.

Huệ Quang Đại đế - vị thần Tài của nghề gốm sứ. Huệ Quang gốc là thần Lửa của đạo Bà La Môn theo dòng tín ngưỡng Phật giáo truyền vào nước ta. Theo truyện Đông Du, Huệ Quang là một ngọn đèn trên bàn thờ Phật ở Tây Phương. Nhờ thọ khí âm dương nhiều năm nên ngọn đèn này thành quỷ trốn xuống trần phá hoại chúng sinh, bị Phật tổ Như Lai thu phục, nguyện tu hành trở thành chính quả.

Thần tài phương Tây là một cô gái trẻ đẹp, lãng mạn, hai mắt bị bịt kín bởi một chiếc khăn lụa, chân đứng trên bánh xe lăn. Thần Tài Nhật Bản là một chú hề lùn vui tính. Hình tượng vị thần Tài ở xứ Mặt trời mọc là một chú hề lùn, một tay cầm chiếc trống bỏi lắc lung tung, một tay nắm túi tiền vác trên vai, chân đứng trên chiếc phao nổi lềnh bềnh trên mặt nước.       

Trần Phương


Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông

Liên kết hữu ích