18:01 23/09/2024
1. Đúng 14 giờ ngày 2/9/1945. Tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, trong nắng thu vàng cùng rừng cờ đỏ sao vàng rực rỡ tung bay, Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu thay mặt Chính phủ lâm thời đã trịnh trọng đọc Bản Tuyên ngôn độc lập do chính Người soạn thảo, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mở ra một kỷ nguyên mới cho dân tộc - kỷ nguyên của độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội.
79 năm trôi qua, đã có rất nhiều những công trình nghiên cứu hết sức công phu, khoa học về tầm vóc vĩ đại của áng “Thiên cổ hùng văn” đó song dường như càng tìm hiểu, càng ngẫm, người đọc càng phát hiện thêm những điều mới lạ, sâu xa ẩn chứa và giá trị trường tồn, sống mãi với thời gian của Tuyên ngôn độc lập. Theo các tư liệu lịch sử lưu trữ, ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, Hà Nội vinh dự được Trung ương Đảng chọn thay mặt các địa phương cả nước tổ chức Lễ độc lập để Chính phủ ra mắt đồng bào, đồng thời là dịp để nước Việt Nam chính thức công bố với toàn thế giới với tư cách là một quốc gia độc lập và thiết lập thể chế dân chủ cộng hòa.
Với trọng trách trước lịch sử toàn dân tộc, ngày 28/8/1945, trên chiếc bàn ăn nhỏ, đơn sơ trên gác hai, nhà số 48 phố Hàng Ngang (nhà của ông Trịnh Văn Bô, một tư sản yêu nước sau trở thành Đảng viên Cộng sản), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tập trung toàn bộ trí lực và tình cảm khởi thảo Bản Tuyên ngôn độc lập để kịp đọc trước quốc dân vào ngày 2/9 năm đó. Áp lực vô cùng nặng nề khi ban ngày phải tập trung lo toan hàng loạt công việc bộn bề, vậy nhưng chỉ sau hai đêm, Người đã hoàn thành “áng văn lập quốc” vĩ đại và sau đó đã được Ban Thường vụ Trung ương Đảng thống nhất cao.
Cuốn “Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch” - tác giả Trần Dân Tiên ghi lại: “Chủ tịch Hồ Chí Minh trào dâng niềm xúc động vì trong suốt quá trình hoạt động Cách mạng dù đã viết rất nhiều nhưng đến bây giờ mới viết được một bản Tuyên ngôn như vậy”. Tổng hợp lại mới thấy kể từ những ngày đầu của Cách mạng Tháng Tám, tất cả chỉ có đúng 1 tuần để Bác Hồ vừa giải quyết các công việc trọng đại, cấp bách để ổn định tình hình đất nước, xúc tiến thành lập bộ máy Chính phủ trước sự chống phá điên cuồng của kẻ thù và các thành phần đối lập vừa lo chuẩn bị cho Lễ tuyên bố độc lập ngày 2/9…, song vẫn có thể hoàn thành một kiệt tác Tuyên ngôn độc lập rung động hàng chục triệu trái tim đất Việt cùng biết bao người yêu chuộng hòa bình, công lý trên toàn thế giới. Lý giải cho điều kỳ diệu đó chỉ có thể là thiên tài cộng với lòng yêu nước, thương nòi bao la vô bờ bến của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
2. Đã có những nghiên cứu đánh giá Tuyên ngôn độc lập do Bác soạn thảo được ví ngang với những “Nam quốc sơn hà” của Lý Thường Kiệt và “Đại cáo bình Ngô” của Nguyễn Trãi. So sánh đó hoàn toàn đúng bởi ý chí, khát vọng độc lập cho Tổ quốc đều được toát lên ở mỗi áng văn còn vang vọng mãi đến hôm nay.
Tuy nhiên, điều khác biệt lớn nhất giữa ba kiệt tác này lại chính ở bối cảnh cụ thể ra đời của mỗi tác phẩm. Nếu ở “Nam quốc sơn hà”, thời khắc Thái úy Lý Thường Kiệt cất bút hào sảng: “Sông núi nước Nam, vua Nam ở” là lúc đại quân ta đang thừa thắng dồn sức vào một mục tiêu duy nhất đẩy quân thù ra ngoài bờ cõi, còn “Đại cáo bình Ngô” là khúc khải hoàn ca chiến thắng trước giặc Minh thì Tuyên ngôn độc lập lại thực hiện trong một hoàn cảnh đặc biệt ngặt nghèo.
Đó là vận mệnh của cả dân tộc dù chính quyền đã về tay nhưng đang trong cảnh “ngàn cân treo sợi tóc”. Hậu quả bi thảm của nạn đói Ất Dậu còn nguyên đó trong khi giặc ngoại xâm núp dưới bóng Đồng minh (Anh, Tàu Tưởng…) đang tràn vào, mượn tiếng giải giáp phát-xít Nhật song mưu đồ chính là lật đổ chính quyền Cách mạng, chưa kể Việt Nam khi ấy vẫn còn là một “tiểu nhược quốc” chưa được thế giới biết đến.
Cũng chính vì lẽ đó, Tổ quốc hơn lúc nào hết rất cần một bản Tuyên ngôn độc lập không chỉ đạt được yêu cầu tối thượng là khẳng định trước toàn nhân loại việc ra đời của một nước Việt Nam độc lập, tự do mà còn phải bao hàm hàng loạt yếu tố hết sức nhạy cảm, phức tạp khác kèm theo: Tính hùng biện, thuyết phục trong lập luận, dẫn dắt vấn đề; sự khôn khéo khi viện dẫn các lý lẽ đồng thời thể hiện cho được ý chí bất khuất, tự lực, tự cường, quyết tâm bảo vệ bằng được nền độc lập, tự do đã giành được bằng một tầm nhìn chiến lược xuyên thấu kẻ thù và đi trước thời đại.
Có một chi tiết cần nhớ đó là, việc hợp thức hóa thành quả toàn dân ta giành chính quyền từ chính tay phát xít Nhật để kịp thời công bố trước toàn thế giới là một yêu cầu cực kỳ quan trọng. Tuyên ngôn độc lập đã hoàn thành xuất sắc trọng trách đó khi khẳng định rõ trước công luận Chính phủ lâm thời do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu có đủ vị thế của những người làm chủ đất nước; có đủ tư cách pháp lý để đón tiếp (thực chất là đối phó) với quân Đồng minh vào Việt Nam. Nếu để chậm một vài ngày, cơ hội này sẽ không bao giờ trở lại.
Xin nhắc lại, có rất nhiều công trình nghiên cứu hôm nay đã đi sâu phân tích và rút ra được nhiều điểm đặc biệt từ Tuyên ngôn độc lập. Đó là:
- Thứ nhất, Tuyên ngôn được hoàn tất với một chất lượng nội dung cực kỳ hoàn hảo chỉ trong một thời gian cực ngắn (hai ngày 28 - 29/8) cho thấy một tư duy lỗi lạc của người viết.
- Thứ hai, Tuyên ngôn dự thảo xong đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa ra tham khảo ngay trong tập thể Ban Thường vụ Trung ương Đảng để cùng đóng góp ý kiến, bổ sung hoàn thiện lần cuối. Đây được xem là mẫu mực của phong cách làm việc khoa học, dân chủ, cẩn trọng tới từng chi tiết nhỏ của bậc lãnh tụ vĩ đại của Đảng, của dân tộc…
- Thứ ba, Tuyên ngôn độc lập thực chất là một “văn bản pháp lý” hiện đại mang giá trị đặc biệt song được viết một cách không thể súc tích, ngắn gọn hơn. Hoàn toàn không phải ngẫu nhiên mà ngay trong phần mở đầu, để luận về cơ sở đạo lý, pháp lý về quyền con người, quyền của một dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trích dẫn luôn hai bản: Tuyên ngôn độc lập - 1776 của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ và Tuyên ngôn nhân quyền và dân chủ của Pháp - 1791. Để rồi, từ “những lẽ phải không ai chối cãi được” này, Người chốt lại: Dân tộc Việt Nam, người dân Việt Nam cũng đều có những quyền thiêng liêng ấy. Hiện thực của 2 cuộc kháng chiến đầy hy sinh, gian khổ liền sau đó của cả dân tộc càng minh chứng cho một nhãn quan sáng suốt, nhạy bén đến kỳ lạ của Bác Hồ. Điều nên nhớ nữa là những ý tứ vô cùng sâu trong Tuyên ngôn độc lập Bác viết khi Người chỉ đích danh nước Mỹ (khi đó đứng đầu phe tư bản) và Pháp đang lăm le áp đặt ách thống trị trở lại Việt Nam.
- Thứ tư, khẳng định rõ vai trò quyết định của Việt Minh đã dành lại độc lập, tự do từ tay phát xít Nhật và nhấn mạnh dân tộc Việt Nam đã đứng về phe Đồng minh chống Nhật, Chủ tịch Hồ Chí Minh qua Tuyên ngôn độc lập đã thực sự lường hết mọi diễn biến sau đó âm mưu đen tối của thực dân Pháp và hóa giải tài tình bài toán hóc búa sau đó với tuyên bố đanh thép: “Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của thực dân Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe Đồng minh chống phát xít Nhật mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do. Dân tộc đó phải được độc lập”.
- Thứ năm, toàn bộ phần cuối của bản Tuyên ngôn là sự đúc kết, cô đọng khát vọng, cùng quyết tâm sắt đá của cả dân tộc trước mưu đồ quay trở lại của thực dân Pháp bằng lời thề: “Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy…”.
- Thứ sáu, Tuyên ngôn độc lập của Việt Nam mang giá trị quốc tế sâu sắc. Lịch sử đã chứng minh bản Tuyên ngôn có ảnh hưởng tích cực và là sự động viên lớn đối với các cuộc cách mạng khác trên thế giới, đặc biệt là các quốc gia Châu Phi. Bản hùng ca ấy không chỉ mở ra một thời kỳ mới cho lịch sử dân tộc Việt Nam mà còn báo hiệu cho một thời đại mới - thời đại các dân tộc bị áp bức, bóc lột cùng đứng lên đấu tranh giành lại độc lập, tự do trên phạm vi toàn thế giới
3. Trong Bản tuyên ngôn độc lập, các quyền cơ bản của con người, của dân tộc đã được Người nâng tầm giá trị vượt qua cả không gian và thời gian, các giá trị đó hiện vẫn còn hiện hữu đến tận ngày nay. Việc này không chỉ được các Nhà nghiên cứu trong nước mà còn được cộng đồng nghiên cứu quốc tế ghi nhận.
Điều cần nói thêm nữa là ngày nay, đọc lại Tuyên ngôn độc lập, nhiều sử gia, nhà nghiên cứu quốc tế cũng đã phải trầm trồ thán phục, cùng thống nhất đánh giá những sáng tạo lớn nổi bật, mang giá trị toàn nhân loại trong kiệt tác đó của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Lady Borton - nhà văn người Mỹ phát hiện: “Tuyên ngôn độc lập của Mỹ viết: Tất cả đàn ông đều sinh ra bình đẳng, trong khi đó lãnh tụ Hồ Chí Minh viết: Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Đây không phải đơn thuần là sự thay đổi câu chữ mà là sự tiến bộ vượt bậc trong nhận thức về quyền con người, một nhận thức vượt qua thời đại nên có giá trị nhân văn rất cao cả”.
Còn giáo sư người Nhật Bản Singo Shibata cho rằng: “Cống hiến nổi tiếng của Hồ Chí Minh (trong Tuyên ngôn độc lập) là ở chỗ đã phát triển quyền con người thành quyền dân tộc”…
Tuy vậy mỗi năm đến dịp 2/9, các thế lực thù địch, phản động đều điên cuồng chống phá, sử dụng luận điệu xuyên tạc cho rằng Bản tuyên ngôn độc lập “không mang giá trị nhân văn”, chỉ là sự “sao chép”, “khuôn theo” Tuyên ngôn độc lập năm 1776 của Mỹ và Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của Cách mạng Pháp năm 1791. Đây thực sự là luận điệu xuyên tạc, bóp méo sự thật lịch sử, mang góc nhìn phiến diện, lệch lạc về thành quả cách mạng, đi ngược lại niềm tự hào và tinh hoa trí tuệ của toàn dân tộc. Các giá trị của Bản tuyên ngôn độc lập đã được các Nhà nghiên cứu rút ra chính là minh chứng rõ ràng nhất phản bác lại các luận điệu của các thế lực thù địch.
Kỷ niệm 79 năm Quốc khánh 2/9, cũng là 79 năm ra đời Tuyên ngôn độc lập bất hủ, mỗi người dân Việt Nam càng tỏ lòng tôn kính, biết ơn vô hạn Chủ tịch Hồ Chí Minh - lãnh tụ thiên tài của dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới, người chiến sĩ lỗi lạc của phong trào Cộng sản và công nhân quốc tế đã lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân ta làm nên Cách mạng Tháng Tám vĩ đại, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới. Thời gian qua đi nhưng những âm hưởng hào hùng của bản Tuyên ngôn độc lập mãi còn vang vọng, nhắc nhở, thúc giục cả dân tộc đoàn kết một lòng bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam XHCN.
ANHP
14:30 23/11/2024
10:16 23/11/2024