Vai trò của Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong chuyển đổi số quốc gia

10:03 10/08/2022

Dữ liệu công dân là dữ liệu nền tảng cho các hoạt động quản lý nhà nước, xuất hiện trong tất cả các hoạt động giao dịch của người dân. Nhận thức được tầm quan trọng của dữ liệu công dân và sự cần thiết xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (CSDLQG về DC), tại Luật căn cước công dân đã xác định CSDLQG về DC là tập hợp thông tin cơ bản của tất cả công dân Việt nam được chuẩn hóa, số hóa, lưu trữ, quản lý bằng cơ sở hạ tầng thông tin để phục vụ quản lý nhà nước và giao dịch của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Dữ liệu thông tin dân cư luôn được Công an các đơn vị, địa phương chú trọng rà soát, cập nhật, chỉnh sửa bảo đảm “đúng, đủ, sạch, sống”

4 nhóm nhiệm vụ, mục tiêu cốt lõi…

Dữ liệu dân cư là tài nguyên quan trọng, được quản lý tập trung, thống nhất và chia sẻ trong toàn bộ hệ thống chính trị, phục vụ người dân, doanh nghiệp theo quy định của pháp luật. Dữ liệu dân cư có ý nghĩa rất quan trọng để xác thực, kết nối các dữ liệu, khai thác phục vụ có hiệu quả các nhiệm vụ KT-XH, hướng tới mục tiêu người dân chỉ khai báo thông tin một lần với cơ quan nhà nước trong thực hiện các thủ tục hành chính. Thực hiện tốt điều này sẽ mang lại lợi ích rất lớn cho đất nước, góp phần tiết kiệm, chống lãng phí, tạo thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp.

Vậy CSDLQG về DC được ứng dụng vào quá trình chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025 tầm nhìn đến năm 2030 sẽ phục vụ những nhiệm vụ, mục tiêu gì, mang lại lợi ích ra sao!?

Trước hết, CSDLQG về DC sẽ được ứng dụng vào quá trình chuyển đổi số quốc gia phục vụ 4 nhóm nhiệm vụ, mục tiêu cốt lõi sau:

Một là: Phục vụ kết nối, chia sẻ và xác thực thông tin dân cư với các bộ, ngành chuyên ngành.

Cơ sở dữ liệu dân cư được xây dựng với mục tiêu kết nối, chia sẻ thông tin về dân cư với các cơ sở dữ liệu chuyên ngành của các ngành, lĩnh vực trên toàn quốc nhằm hướng đến các mục tiêu sau: Tăng khả năng khai thác, cập nhật thông tin về dân cư, hạn chế tối đa sự trùng lặp thông tin; giảm chi phí ngân sách nhà nước trong xây dựng cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin của các cơ sở dữ liệu chuyên ngành; để lưu trữ, quản lý các dữ liệu liên quan đến công dân trong trường hợp chưa có cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành.

Hai là: Phục vụ công dân thực hiện các thủ tục hành chính

Ứng dụng CSDLQG về DC trong thực hiện các thủ tục hành chính sẽ giúp khắc phục tình trạng một người dân phải sử dụng quá nhiều giấy tờ cá nhân, đồng thời giúp công dân thay thế cho việc phải xuất trình hoặc nộp bản sao có chứng thực các giấy tờ công dân khi thực hiện thủ tục hành chính. Đồng thời phục vụ xác thực, chia sẻ thông tin công dân khi thực hiện thủ tục hành chính theo nguyên tắc không yêu cầu khai báo lại các thông tin đã có trong CSDLQG về DC. Từ đó, góp phần rút ngắn thời gian xử lý, giảm chi phí và thời gian đi lại của nhân dân, nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân.

Ba là: Phục vụ công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Thông tin về dân cư được thu thập, cập nhật thường xuyên sẽ góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý dân cư, quản lý chắc biến động dân cư. Đồng thời quản lý chặt các loại đối tượng, hỗ trợ công tác tra cứu, xác minh về nhân thân của công dân. Từ đó, góp phần quan trọng vào công tác đảm bảo ANTT, đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Bốn là: Phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành

Hệ thống CSDLQG về DC sẽ giúp cho công tác thống kê, phân tích dân số theo yêu cầu của Tổng Cục thống kê đảm bảo được nhanh chóng, chính xác, tiết kiệm chi phí nhà nước. Đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai Trung tâm giám sát, điều hành thông minh (IOC) trên nền tảng bản đồ số, phục vụ hoạch định chính sách phát triển KT-XH, QP-AN và các chính sách khác.

Cán bộ Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH – CATP rà soát, cập nhật, chỉnh sửa dữ liệu thông tin dân cư bảo đảm “đúng, đủ, sạch, sống”

Lợi ích của CSDLQG về DC…

Dữ liệu dân cư là dữ liệu gốc, các cơ sở dữ liệu khác liên quan đến công dân đã, đang, sẽ xây dựng phải căn cứ vào dữ liệu gốc và phải có sự kết nối chia sẻ bảo đảm tiết kiệm, tránh lãng phí, tạo ra các giá trị mới. Việc kết nối CSDLQG về DCđối với quá trình phát triển chính phủ điện tử hướng tới chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số sẽ mang lại rất nhiều giá trị, lợi ích. Trước hết cần phải kể đến một loạt những giá trị, lợi ích cốt lõi sau:

Việc kết nối CSDLQG về DCđối với quá trình phát triển chính phủ điện tử sẽ thiết lập lên một hệ thống danh tính số thống nhất cho người dân với đầy đủ tính pháp lý, bảo đảm an toàn thông qua chìa khóa là số định danh cá nhân; thông tin mang tính chính xác cao và được ghi nhận về tính pháp lý; tạo nền tảng dữ liệu chuẩn cho việc xác thực thông tin công dân, sẵn sàng cho việc tạo ra hệ thống danh tính số.

Đồng thời, hỗ trợ chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước, các tổ chức cung ứng dịch vụ công; hỗ trợ cho người dân trong quá trình thực hiện các giao dịch hành chính, giúp kiểm tra xác thực thông tin công dân, hỗ trợ điền tự động các thông tin đã có vào các biểu mẫu mẫu đơn, tờ khai và cung cấp các tiện ích khác trên cơ sở các dữ liệu đã có. Đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm yêu cầu cấp, lưu hành có giấy tờ của công dân ở dạng giấy, đẩy mạnh việc quản lý dưới dạng điện tử; thúc đẩy quá trình giao dịch điện tử với cơ quan nhà nước, người dân, doanh nghiệp không cần xác minh nhiều lần khi thực hiện giao dịch.

Từ đó giảm bớt các yêu cầu về xuất trình, đi lại, giao tiếp trực tiếp, giúp giảm bớt các chi phí xã hội có liên quan; giảm bớt gánh nặng hành chính cho cả người dân, doanh nghiệp và cơ quan nhà nước; cung cấp thông tin phục vụ chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về KT-XH, QP-AN…

Khánh Chi

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông

Liên kết hữu ích