Vào vụ cấy, “mồ hôi” thấm đẫm ruộng đồng

10:29 21/07/2018

Vì chỉ làm việc nhà nông nên “chợ lao động” chốn quê cũng hoạt động theo mùa, từ đây gặp nhau nhiều người thành bạn, người gần giúp người xa, họ rủ nhau về nhà mình ở chung cho đến hết vụ, đến hẹn lại lên năm sau cứ tiếp tục như vậy. Dù là kết quả tất yếu của nền kinh tế thị trường, nhưng về miền quê xem “bán mồ hôi”, mới thấy văn hoá chân chất của nông dân mình đáng yêu nhiều lắm.

                                                                         

Tiến hóa theo công nghệ

          Từng nghe nhiều về các chợ lao động ở vùng quê, nhưng lâu nay tôi ngỡ rằng câu chuyện này không còn nữa. Bởi lẽ mấy năm gần đây khu vực ngoại thành tăng trưởng mạnh, quá trình xây dựng nông thôn mới đã giải thoát nhiều cho sức lao động người dân, làm gì còn cảnh “cày thuê, cuốc mướn”. Vả lại, Hải Phòng nhà mình đã bứt lên tốp đầu cả nước về thu hút đầu tư, các khu công nghiệp mọc lên nhan nhản khắp thành phố, còn ai thiếu việc mà phải tham gia vào mấy thứ như chợ “lao động” nữa?

          Số là cách đây hơn chục năm, khi địa giới quận Dương Kinh hiện nay còn thuộc huyện Kiến Thụy (cũ), thì khu vực này nổi tiếng với những “chợ lao động”, nhất là khu vực chợ Hương (phường Hưng Đạo ngày nay). Lúc đó tôi đã từng thâm nhập để viết một phóng sự về đề tài này. Vào mỗi sáng sớm, khi mặt trời còn đang say giấc, thì ở các địa điểm quy ước tự nhiên đã đông nghịt người, đàn ông có, đàn bà có, họ tụ tập chờ có người đến thuê đi làm. Gọi là chợ rất đúng nghĩa, bởi cũng có cảnh ra giá, mặc cả, cũng tranh giành, chọn lựa, khen chê đủ điều, chỉ khác là hàng hóa duy nhất có một thứ, đó là sức lao động. Tình cảnh này nhìn qua cũng giống như những khu vực người bốc vác tụ tập ở các bên xe trong nội thành, khác là ở đây không có những người đàn ông lưng trần bặm trợn xăm trổ đầy mình, vồ vập tranh chỗ cướp khách, mà chợ “lao động” chỉ chiếm một phần rất thầm lặng trong tổng thể hoạt động ở những vùng quê…

          Ngỡ câu chuyện trên đã là quá khứ, nhưng mới đây tình cờ về công tác ở ngoại thành, tôi gặp lại người quen cũ tên là Dung, được chị khoe rằng vừa đi làm ở cơ quan, vừa tranh thủ đi “chợ lao động”. Mới đầu tôi hơi ngạc nhiên, nhưng hỏi ra mới biết chợ vẫn sôi động như xưa, có điều thời buổi công nghệ phát triển không mấy ai phải ra đứng đường chờ việc nữa, mà khi cần người mua chỉ “a lô” là có người bán “o kê”.

          Phân ngành kinh tế mùa vụ

Giải thích với tôi, chị Dung cho biết người ở quê càng đi làm công nhân nhiều, việc nhà nông càng bỏ ngỏ, nên chợ “lao động” cũng vì thế mà phát triển. Điều này thì quá rõ, nhờ các khu, cụm công nghiệp mà mấy năm nay lao động nông thôn đã được “công nhân hóa”. Có thể đưa ra vài ví dụ như Thủy Nguyên tập trung vào KCN VSIP, hai huyện An Dương và An Lão thì vào KCN Tràng Duệ hay Nomura, hai huyện Tiên Lãng và Vĩnh Bảo thì vào KCN Tân Liên, người Kiến Thụy thì tập trung ra KCN Đồ Sơn hay cụm công nghiệp Dương Kinh…

Hàng chục vạn nông dân vào các nhà máy, đồng nghĩa với việc hàng nghìn ha ruộng không có người làm. Chưa kể, khi xã hội phát triển, các nhu cầu về sinh hoạt khác cũng phát sinh, riêng các chợ toàn thành phố cũng “ngốn” hết hàng vạn lao động nông thôn cho các việc buôn thúng, bán mẹt. Từ đây việc “bán mồ hôi” ở nông thôn thêm phần nhộn nhịp, có thể nói đã thực sự hình thành một phân ngành kinh tế. Khảo sát tại các huyện ngoại thành cho thấy, hiện người bán công chủ yếu từ 40 tuổi trở lên, vì độ tuổi này khó chịu được sức ép tại các nhà máy công nghiệp. Theo tính toán của chị Dung, mỗi sào lúa bình quân được 1,7 tạ thóc/vụ, quy ra tiền bằng khoảng 1,5 triệu đồng, thu nhập bình quân của công nhân 6 triệu đồng/tháng, tương ứng với 4 tạ thóc, nên họ giữ ruộng thuê người làm tính ra thuận hơn. Việc gặt hay làm đất giờ có máy móc hỗ trợ, nhưng những việc như nhổ mạ, cấy, làm cỏ, phun thuốc sâu, bón phân hóa học… đều phải thuê nhân công.

 Cũng theo tính toán của chị Dung,  nếu hạch toán thì việc thuê người làm ruộng trăm phần trăm là lỗ, vì ngoài tiền thuê còn phải cộng tiền giống má, thuốc sâu, phân bón... Ấy vậy nhưng tâm lý chung là ai cũng muốn có hạt gạo của nhà mình, vả lại làm công ăn lương ở các nhà máy cũng bấp bênh, đến độ sức khỏe suy giảm đều phải nghỉ, nên phần lớn mọi người đều giữ lại ruộng làm vốn cơ bản về sau. Còn riêng chị Dung, hiện đang là viên chức của một đơn vị sự nghiệp, công việc phụ thuộc vào các chương trình đề án, nên cũng nhiều thời điểm từ “quan đến quân” hàng ngày chỉ đến cơ quan để... điểm danh. Trong khi thu nhập của viên chức quá thấp, không đủ lo cho sinh hoạt thường ngày, chưa kể chuyện đám xá, ngoại giao… “Bởi vậy các sếp cũng linh động tạo điều kiện cho chị em đi kiếm thêm…” - chị Dung ngậm ngùi tâm sự.

Âu cũng vì cuộc sống

Chị Dung chia sẻ, vốn xuất thân là nhà nông nên thường thì chị tranh thủ hai ngày nghỉ mỗi tuần đi làm thêm, ở quê cũng nhiều việc nhưng ngại gặp bạn, nên từ trước đến nay chẳng mấy khi chị ra chợ kiếm việc, mà trước đó làm thuê cho ai thì để số điện thoại ở chỗ ấy, khi người ta có nhu cầu họ lại gọi. Vì chủ yếu làm việc nhà nông nên “chợ lao động” hoạt động theo mùa, như thời điểm này đang vào vụ cấy, công khoán 250.000 đồng/sào lúa, công nhật 300.000 đồng/ngày. Chị Dung vui vẻ cười: “Được cái mình cấy nhanh, làm công khoán cũng kiếm được ít nhất 400.000 đồng/ngày…”. Nghĩa là chỉ một tuần đi cấy, chị đã kiếm được hơn cả tháng lương ở cơ quan, thảo nào?

          Trong lúc trò chuyện với chị Dung, tôi được biết hiện ở nhà chị còn có một chị quê ở Thanh Hà (Hải Dương) ở nhờ, vốn dĩ là bạn quen trong khi đi làm thuê, hợp nhau nên rủ về ở trọ nhưng không lấy tiền thuê nhà. Chị này tên là Nhẫn, trước kia cũng từng làm công nhân, nhưng thấy làm thuê cho nhà nông thu nhập tốt nên bỏ việc ra ngoài làm. Chị Nhẫn tâm sự, thằng con lớn của chị đang học Đại học hàng hải, trước chị ở cùng cậu con trai ở nhà trọ bên cầu Rào, nhưng gặp được chị Dung tốt bụng, hai chị em về ở cùng nhau cho tiện đi làm. Thi thoảng được nghỉ học, cậu con trai chị Nhẫn cũng phóng xe về đi làm cùng mẹ, hai mẹ con ngoài tiền đóng học và sinh hoạt, mỗi tháng cũng tiết kiệm được bình quân 5 triệu đồng.

Chia tay các chị Dung và Nhẫn, trên đường về nội thành, nhìn dòng người đổ như thác cuốn từ các ngả đường quê ra phố làm việc, tôi hiểu rõ hơn lý do vì sao hình thành các chợ lao động thời hiện đại. âu cũng chỉ vì cuộc sống.

Gia Lê

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông

Liên kết hữu ích