Về đơn kiến nghị của một số hộ dân thôn Văn Tiến, xã Đại Bản, huyện An Dương

20:30 23/10/2017

Vừa qua, trên đường dây nóng và tại trụ sở Báo An Ninh Hải Phòng nhận được đơn của hơn 20 hộ dân xóm1,2 thuộc thôn Văn Tiến, xã Đại Bản, huyện An Dương, kiến nghị về chi phí làm đường bê tông trong thôn, xóm phát sinh so với dự kiến ban đầu, từ 2.300.000 đồng/khẩu lên 3.030.000 đồng/khẩu.

Bên cạnh đó, các hộ dân trên cũng cho rằng một số khoản chi chưa hợp lý, cần được giải thích rõ ràng, gồm: Chi phí phát sinh hai tuyến đường trục chính của thôn, chi phí di chuyển cột điện, tỷ lệ thất thoát và danh sách những người ủng hộ, những khẩu được miễn giảm.

Cũng từ nguồn tin của các hộ dân, chiều 16-10, phóng viên Báo An Ninh Hải Phòng đã có mặt tại nhà văn hoá thôn, trực tiếp nghe giải trình của lãnh đạo thôn Văn Tiến với các hộ dân có kiến nghị và ông Mai Văn Tình-Trưởng thôn trực tiếp chủ trì cuộc họp. Cùng dự có ông Nguyễn Văn Mạnh-Phó Chủ tịch UBND xã Đại Bản, đại diện Hội đồng nhân dân, MTTQ VN xã. Tuy nhiên, theo giấy mời họp là 25 hộ, song chỉ có 9/25 hộ có mặt tại cuộc họp.

Trở lại sự việc, thực hiện Nghị quyết và Biên bản họp thôn Văn Tiến ngày 17-9-2015, tất cả các hộ dân có mặt tại cuộc họp đều nhất trí để Ban xây dựng làm đường thôn đứng ra triển khai bê tông hoá 3 tuyến đường trục chính của xóm 1,2. Trong giấy cam kết với các hộ dân cũng ghi rõ: Thành phố chỉ hỗ trợ xi măng để trải bề rộng mặt đường là 3,5m, cao 0,18m. Nếu đoạn nào trải rộng hơn thì các hộ dân tại khu vực đó phải tự đóng góp thêm tiền. Dự toán, mỗi khẩu đóng 2,3 triệu đồng, nếu vượt quá số tiền trên thì Ban Xây dựng thôn sẽ họp dân xin ý kiến bổ sung. Tiếp đến, Ban Xây dựng cũng thành lập ra 10 Tổ quản lý tương ứng với 10 ngõ, xóm để vận động hiến đất, thu tiền, giám sát khi thi công, quyết toán chi tiêu…

Sau hơn hai tháng xây dựng, đến tháng 12-2015 thì 3.371m đường bê tông xóm 1,2 thôn Văn Tiến hoàn thành. Tuy nhiên, dự kiến ban đầu bề mặt đường chỉ rộng từ 2,55 đến 4,5 m, chiều cao từ 0,14 đến 0,18m, song khi thực tế triển khai bề mặt đường lại làm rộng hơn từ 2,75 đến 5,65m, chiều cao từ 0,17 đến 0,20m nên chi phí làm đường phát sinh và theo tính toán mỗi khẩu sẽ thu thêm 730.000 đồng.

Căn cứ vào bản cam kết của các hộ dân với nội dung: “Hạn đóng góp tiền là 30-6-2016, nếu hộ ông bà…không chấp hành thì ban Xây dựng thôn Văn Tiến có quyền đề nghị UBND xã Đại Bản dùng biện pháp xử lý hành chính, kể cả biện pháp đề nghị dừng cung cấp điện”. Cũng từ đây, một số hộ dân có kiến nghị.

Tại cuộc họp chiều 16-10, ông Mai Văn Tình-Trưởng thôn và các Tổ trưởng các Tổ quản lý đã giải trình các kiến nghị của bà Vũ Thị Đàn, Nguyễn Đình Hiệp, Nguyễn Thị Hưởng (là trường hợp không có tên trong đơn kiến nghị)… các nội dung liên quan đến chi phí liên hoan sau khi đường hoàn thành; di chuyển 23 cột điện cũ và lắp mới 4 cột; 477 m3 bê tông phát sinh do mở rộng bề mặt đường, các đoạn đường kéo dài; danh sách các cá nhân hộ ủng hộ, danh sách các trường hợp được miễn giảm do bệnh tật, già cả, neo đơn, nạn nhân chất độc da cam…

Cũng tại cuộc họp, ông Mai Văn Tình-Trưởng thôn cũng thừa nhận: Do không có chuyên môn về xây dựng nên đã không tiên lượng được các phát sinh từ việc mở rộng, kéo dài một số đoạn so với dự kiến ban đầu. Và tại thời điểm đó, các hộ dân cũng không có kiến nghị gì, thậm chí có hộ còn khẩn khoản được xin làm đường kéo dài hơn qua cửa nhà mình hoặc mở rộng đường hơn 3,5m để phơi thóc, rơm rạ… Chi phí phát sinh cũng đã được thông báo tới các cuộc họp, đọc trên loa phát thanh của thôn.

Chị Nguyễn Thị Phương có mặt tại cuộc họp cũng không giấu diếm: Đoạn đường qua cửa nhà em trước chỉ có hơn 1m, mấp mô, lụt lội, sau khi làm đường thì đã rộng 4m, sạch đẹp. Nhà có 4 khẩu, khoản tiền đóng góp là hơn 12 triệu đồng, không phải là nhỏ nhưng nếu để tự gia đình thì không thể làm được đường rộng, đẹp như vậy.

Theo thống kê thì hiện trong tổng số 310 hộ dọc hai bên các trục tuyến đường thì đã có 80% hộ đã đóng tiền, hiện công trình còn nợ các nhà thầu hơn 300 triệu đồng.

Trao đổi với chúng tôi, ông Mai Văn Thư-Chủ tịch UBND xã Đại Bản cho biết: Trên địa bàn xã, hiện đã có 95% các đường thôn, ngõ xóm được các hộ dân tự nguyện đóng góp xây, mở rộng đường.

Tại thôn Văn Tiến, năm 2015 khi thành phố có cơ chế hỗ trợ xi măng để làm đường nông thôn, lãnh đạo xã đã động viên thôn và Ban Xây dựng thôn đã đại diện cho nhân dân đảm nhận trách nhiệm này.

Từ chủ trương đến triển khai thực thi đều đã được công khai, dân chủ tại các cuộc họp. Tuy nhiên, do bề mặt đường mở rộng hơn nhiều so với dự kiến, lại thêm nhiều đoạn kéo dài nên dẫn đến phát sinh chi phí. Đối với một số hộ dân chưa hiểu, chưa chấp hành, xã chỉ đạo thôn tiếp tục giải thích, phân tích.

Là một xã còn nhiều khó khăn của huyện An Dương, song sự đóng góp của nhân dân trong các công trình đường ngõ thôn xóm là rất đáng ghi nhận.

Từ những kiến nghị của một số hộ dân thôn Văn Tiến cho thấy, dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra thôi chưa đủ. Vẫn rất cần có sự định hướng, có tư vấn về chuyên môn để công trình không quá sức, là gánh nặng đối với người dân.

Kim Oanh 

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông

Liên kết hữu ích