20:05 25/04/2017
Kể từ ngày 1-1-2018 trở đi, cách tính tỷ lệ % hưởng lương hưu có thay đổi so với nghỉ hưu trước năm 2018. Nhiều người lo ngại rằng, về hưu sau thời điểm trên sẽ bị thiệt thòi nên tìm cách lách luật để có thể nghỉ hưu sớm. Nhưng theo những người làm chính sách thì lương hưu phụ thuộc nhiều yếu tố nên không phải ai nghỉ trước năm 2018 đều có lợi hơn người nghỉ sau thời điểm đó…
Tuổi nghỉ hưu tính theo cách mới
Nắm được thông tin, Luật Bảo hiểm Xã hội (BHXH) năm 2014 quy định, kể từ ngày 1-1-2018 trở đi, cách tính tỷ lệ % hưởng lương hưu thay đổi so với nghỉ hưu trước năm 2018 nên ông Nguyễn Văn Quý, 53 tuổi, ở Kiến An, đang làm việc cho một công ty vận tải có phần đắn đo. Đến cuối năm 2017, ông Quý đã đóng bảo hiểm được 26 năm. Theo quy định thì còn 7 năm nữa ông mới đến tuổi hưu trí. Điều mà ông thắc mắc là chưa rõ nghỉ sớm có lợi hay nghỉ hưu đúng tuổi có lợi hơn.
Trao đổi với chúng tôi, Phó Giám đốc BHXH thành phố - bà Nguyễn Thị Lộc cho biết, trước tiên phải khẳng định không phải ai nghỉ hưu sớm trước năm 2018 cũng có lợi hơn và không phải cứ nghỉ hưu sau năm 2018 là thiệt hơn. Vấn đề là phải tùy theo điều kiện thực tiễn của từng người lao động để từ đó có sự lựa chọn.
Theo quy định của Luật BHXH năm 2014 thì những người lao động nghỉ việc hưởng lương hưu từ ngày 1-1-2018 trở đi sẽ có sự thay đổi trong cách tính tỷ lệ hưởng lương hưu theo hướng có lộ trình tăng dần thời gian đóng BHXH để đạt được tỷ lệ hưởng tối đa 75% từ 30 năm lên 35 năm đối với nam và từ 25 năm lên 30 năm đối với nữ.
Cụ thể, đối với lao động nam nghỉ hưu trong năm 2018 thì 16 năm đóng BHXH tương ứng với tỷ lệ hưởng bằng 45%; tỷ lệ này với năm 2019 là 17 năm, năm 2020 là 18 năm, năm 2021 là 19 năm. Từ năm 2022 trở đi là 20 năm, sau đó cứ mỗi năm đóng BHXH được tính thêm 2%, mức tối đa bằng 75%.
Còn đối với lao động nữ nghỉ hưu từ năm 2018 trở đi thì 15 năm đóng BHXH tương ứng với tỷ lệ hưởng bằng 45%, sau đó cứ mỗi năm đóng BHXH được tính thêm 2%, mức tối đa bằng 75%.
Với cách tính như trên, lao động nữ có thời gian đóng BHXH trên 30 năm sẽ không có sự khác nhau về tỉ lệ hưởng lương hưu của người nghỉ hưu năm 2017 hay 2018 và đều được hưởng tối đa 75%. Có chăng, chỉ khác nhau về mức trợ cấp một lần khi nghỉ hưu (mỗi năm đóng BHXH cao hơn số năm tương ứng với tỉ lệ hưởng lương hưu 75% được trợ cấp một lần bằng 0,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH).
Đối với người có dưới 30 năm đóng BHXH, nghỉ hưu trước năm 2018 thì tỉ lệ hưởng lương hưu được tính cao hơn so với nghỉ hưu từ năm 2018 nếu có cùng thời gian đóng nhưng mức lương hưu thực tế không chắc đã cao hơn. Vì nếu người lao động không nghỉ hưu sớm mà tiếp tục đóng BHXH thì khi nghỉ hưu sẽ có thời gian đóng BHXH dài hơn (tương ứng với tỉ lệ hưởng lương hưu cao hơn).
Cùng với việc điều chỉnh tăng mức lương tối thiểu vùng (mức lương cơ sở đối với khu vực nhà nước) và quy định tiền lương tháng đóng BHXH từ năm 2018 bao gồm cả mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác thì tiền lương tháng đóng BHXH của người lao động sẽ cao hơn. Tỉ lệ hưởng lương hưu cao hơn, tiền lương tháng đóng BHXH cao hơn thì chắc chắn mức lương hưu của người lao động cũng sẽ cao hơn.
Cần cân nhắc thấu đáo
Theo Giám đốc BHXH thành phố Nguyễn Ngọc Toan, người lao động cần cân nhắc kỹ việc quyết định nghỉ hưu trước thời điểm 1-1-2018 bởi lương hưu phụ thuộc nhiều yếu tố: tỷ lệ tiền hưởng, tiền lương đóng BHXH bình quân, thời điểm hưởng lương hưu, thời gian hưởng lương hưu nên không phải ai nghỉ hưu trước năm 2018 đều có lợi hơn người nghỉ hưu từ năm 2018 trở đi.
Cụ thể, từ ngày 1-1-2018, tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác theo quy định của pháp luật lao động. Vì tiền lương đóng BHXH cao hơn nên lương hưu sẽ cao hơn.
Ngoài ra, trong trường hợp người lao động quyết định nghỉ hưu sớm trước năm 2018 (để 15 năm đầu đóng BHXH được tính hưởng 45%) thì cần lưu ý, luật cũng có quy định là nghỉ sớm mỗi năm sẽ bị trừ tương ứng 2% (trước năm 2016, tỷ lệ trừ là 1%). Trong khi đó, nếu tiếp tục đóng BHXH thêm 1 năm thì tỷ lệ lương hưu cũng tăng tương ứng 2%.
Do đó, nếu người lao động thật sự yếu sức khỏe, không thể tiếp tục làm việc, có nguyện vọng được khám giám định mức suy giảm khả năng lao động để được hưởng chế độ hưu trước tuổi thì đây là một trong những chính sách mang tính nhân văn của nhà nước. Còn với người lao động đủ sức khỏe tiếp tục làm việc, tham gia BHXH để tích lũy thời gian đóng BHXH dài hơn, tiền lương tháng đóng BHXH cao hơn, khi đủ điều kiện về tuổi đời đương nhiên sẽ được hưởng lương hưu với mức cao hơn.
Phó Giám đốc BHXH thành phố Nguyễn Thị Lộc cho biết thêm, tính đến thời điểm kết thúc quý I/2017, sơ bộ trên địa bàn thành phố chưa có đột biến về số lượng người lao động xin nghỉ hưu trước tuổi.
Việc người lao động chạy hồ sơ nhằm hưởng lợi, nhất là các trường hợp chạy nghỉ hưu với lý do suy giảm khả năng lao động là vi phạm pháp luật. Người lao động muốn nghỉ hưu sớm, ngoài điều kiện quy định về độ tuổi, số năm đóng BHXH còn phải giám định sức khỏe. Việc ra Hội đồng giám định y khoa để kiểm tra người lao động có thật sự suy giảm khả năng lao động hay không đều phải thực hiện theo các quy trình, quy định cụ thể của Bộ Y tế. “Không phải người lao động cứ muốn là có thể về hưu sớm trước tuổi” - bà Lộc nhấn mạnh.
Bùi Hạnh
22:29 23/11/2024
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão