Về kiến nghị hoạt động khai thác đá của doanh nghiệp tại xã An Sơn (Thủy Nguyên)

15:55 04/11/2020

Báo An ninh Hải Phòng nhận được phản ánh của một số hộ dân thôn 9, 10, thuộc xã An Sơn, huyện Thủy Nguyên về hoạt động khai thác đá của Công ty TNHH Kiên Ngọc (Công ty Kiên Ngọc) tại khu B, dãy núi Trại Sơn làm ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân và một số di tích lịch sử trên địa bàn...

Theo tìm hiểu, Công ty Kiên Ngọc được UBND thành phố cấp phép khai thác khoáng sản theo Giấy phép số 246/GP-UBND ngày 29-1-2013. Theo đó, cho phép Cty được khai thác khoáng sản đá vôi làm vật liệu xây dựng thông thường tại khu vực núi phía Tây Nam khu B, núi Trại Sơn, xã An Sơn với tổng diện tích hơn 16ha, tổng trữ lượng hơn 5 triệu m3 (trong đó diện tích khu vực khai thác là 10,03ha và công trình phụ trợ 6,61ha).

Khu vực mỏ được cấp phép khai thác đá vôi của Công ty Kiên Ngọc

Thực hiện các quy định của pháp luật trong khai thác khoáng sản, Cty đã tiến hành các thủ tục về thẩm định dự án đầu tư xây dựng công trình khai thác lộ thiên mỏ đá vôi làm vật liệu xây dựng thông thường và điều chỉnh diện tích mặt bằng khu phụ trợ dự án; nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản; thiết kế mỏ được lập, thẩm định, phê duyệt theo quy định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền...

Đại diện Công ty Kiên Ngọc cho biết, từ tháng 5-2020, doanh nghiệp bắt đầu tiến hành hoạt động xây dựng cơ bản mỏ sau khi thực hiện đầy đủ các thủ tục về thuê đất, hỗ trợ người dân trong phạm vi bị ảnh hưởng; lập báo cáo đánh giá tác động môi trường theo quy định của pháp luật.

Hoạt động khai thác đảm bảo theo đúng tọa độ, diện tích, độ sâu, trữ lượng, công suất quy định tại Điều 1 của Giấy phép số 246/GP-UBND ngày 29-1-2013 của UBND thành phố.

Ông Cao Văn Chí, Chủ tịch UBND xã An Sơn xác nhận, các kiến nghị của người dân về ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng từ hoạt động nổ mìn khai thác đá đã được chính quyền địa phương phối hợp với doanh nghiệp tích cực giải quyết. Mới đây nhất, ngày 9-10-2020, UBND xã đã có cuộc làm việc với Cty Kiên Ngọc có sự tham gia của cấp ủy, chi bộ thôn 9 và thôn 10.

Tại buổi làm việc, phía Cty đã cung cấp hồ sơ gồm 22 giấy tờ, văn bản liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp. Riêng kiến nghị về ngôi mộ họ Mạc (nằm trong ranh giới khu vực được cấp phép khai thác), UBND xã đã chủ trì buổi làm việc, thống nhất 2 bên sẽ tự thỏa thuận về phương án xử lý song chưa thống nhất được mức hỗ trợ bồi thường. Do đó, cùng với việc bảo vệ mốc giới khu vực khai thác khoảng sản, hiện doanh nghiệp đã khoanh vùng và tạm dừng khai thác tại khu vực có ngôi mộ để phối hợp tìm phương án giải quyết phù hợp.

Được biết, ngày 18-9-2020, đoàn công tác liên ngành gồm Sở Tài nguyên – Môi trường, Sở Xây dựng, UBND huyện Thủy Nguyên và UBND xã An Sơn đã làm việc với Cty Kiên Ngọc về kiến nghị cho rằng hoạt động của doanh nghiệp ảnh hưởng tới một số di tích lịch sử trên địa bàn.

Theo đó, đoàn công tác thống nhất nội dung: vị trí có ngôi mộ họ Mạc nằm trên đỉnh núi về phía Bắc khu vực mỏ được cấp phép khai thác (trong ranh giới khu vực được cấp phép khai thác); vị trí hang Huyện ủy (hang Công an)- công trình di tích lịch sử, không trong ranh giới khai thác. Công ty Kiên Ngọc đã thực hiện cắm mốc giới khu vực khai thác khoáng sản, khu vực được phép nổ mìn trong ranh giới diện tích 4,75 ha, mốc giới khu vực được thuê để hoạt động khai thác khoáng sản; đã lắp đặt trạm cân, camera giám sát, hiện trạng có rãnh thoát nước dẫn về hồ lắng.

Ngoài ra, đoàn công tác cũng yêu cầu doanh nghiệp bảo vệ mốc giới khu vực khai thác khoáng sản, khu vực được thuê đất, khu vực xác định hành lang nổ mìn theo quy định; đồng thời bổ sung mốc dẫn, ký hiệu để xác định rõ ranh giới khu vực được phép nổ mìn khai thác. Công ty cũng phải chủ động giải quyết kiến nghị của hộ dân, có phương án di dời, đền bù các hộ dân, kịp thời khắc phục các sự cố gây mất an toàn trong khu vực khai trường (nếu có).

THỦY NGUYÊN

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông