09:21 23/06/2019 Trong đơn, anh Sơn phản ánh sự bức xúc về 2 vấn đề chính: Một là, 2 viên thuốc do điều dưỡng viên phát cho ông Ba uống là một trong những nguyên nhân dẫn đến cái chết của nạn nhân; Hai là, Bệnh viện thiếu khách quan khi đưa ra kết luận về cái chết của ông Ba do nhồi máu cơ tim nêu trên.
TS-BS Trần Viết Tiệp, Giám đốc Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển (người bên trái) đang trao đổi với PV.
Báo An ninh Hải Phòng vừa nhận được đơn của anh Nguyễn Ngọc Sơn, ở thôn Nội Hoàng Đông, xã Hoàng Quế, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh. Đơn của anh Sơn cho hay, chiều 20-5-2019, bố anh là ông Nguyễn Văn Ba, sinh 1960, lên cơn đau bụng và được gia đình đưa đến Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển (Uông Bí) để cấp cứu.
Sau khi làm các xét nghiệm, bệnh viện chẩn đoán ông Ba bị viêm phúc mạc ruột thừa và tiến hành mổ nội soi. Sau ca mổ 4 ngày, ông Ba hồi phục tốt. Song đến 17h ngày 24-5, được gia đình cho ăn cháo và được điều dưỡng viên cho uống 2 viên thuốc, ông Ba lên cơn nguy kịch và tử vong vào 7h ngày hôm sau.
Cơ quan pháp y tỉnh Quảng Ninh đã tiến hành khám nghiệm tử thi và trong khi cơ quan này chưa đưa ra kết quả khám nghiệm thì Bệnh viện đã khẳng định: ông Ba chết do nhồi máu cơ tim.
Gia đình anh Sơn hiện rất bức xúc về 2 vấn đề chính: Một là, 2 viên thuốc do điều dưỡng viên phát cho ông Ba uống là một trong những nguyên nhân dẫn đến cái chết của nạn nhân; Hai là, Bệnh viện thiếu khách quan khi đưa ra kết luận về cái chết của ông Ba do nhồi máu cơ tim nêu trên.
Theo báo cáo của Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển: Sau khi chẩn đoán người bệnh bị viêm phúc mạc ruột thừa, bệnh nhân đã được chỉ định phẫu thuật cấp cứu (phẫu thuật nội soi viêm phúc mạc do ruột thừa) từ 22h40’ ngày 20-5 đến 0h ngày 21-5.
Cuộc phẫu thuật diễn ra bình thường. Vào 2h15’ ngày 21-5 sau khi phẫu thuật, ông Ba được chuyển sang chăm sóc hậu phẫu và chuyển lên khoa Ngoại Tiêu hóa.
Tại đây, người bệnh có các thông số ổn định nên được truyền dịch; dùng thuốc kháng sinh: Taxibiotic, Metronidazol 0,5g, Paracetamol; siêu âm ổ bụng; xét nghiệm điện giải đồ: bình thường.
Ngày thứ tư sau ca phẫu thuật (ngày 24-5), người bệnh trong tình trạng tỉnh, tiếp xúc tốt, đã trung tiện, vết mổ khô, bụng không chướng, nắn mềm, ăn được cháo.
Đến 19h30’ cùng ngày, bệnh nhân được vợ cho ăn cháo xong và uống 2 viên Paracetamol do điều dưỡng viên phát. Sau uống thuốc khoảng 2 phút, người bệnh đột ngột xuất hiện mất ý thức, còn nhịp tự thở, mạch cảnh, mạch bẹn còn.
Nhân viên y tế đã tiến hành kiểm tra và cấp cứu tại chỗ. Ngay sau đó, người bệnh xuất hiện tim rời rạc, ngừng thở, kíp trực đã tiến hành cấp cứu bóp bóng có oxy, ép tim ngoài lồng ngực. Sau 3 phút cấp cứu, người bệnh có tim trở lại, nhịp tim 87 lần/phút, loạn nhịp, huyết áp: 140/80 mmHg, tự thở được.
Lấy máu xét nghiệm làm men tim, sinh hóa, huyết học, kết quả men tim Troponin T: 0.004 ng/ml (máu lấy ngay sau khi người bệnh có diễn biến), chụp CT sọ não không thấy hình ảnh bất thường, điện tim có: Rung nhĩ, đáp ứng thất nhanh 1331/p, Block nhánh phải không hoàn toàn. Siêu âm tim: Tim loạn nhịp hoàn toàn, hở nhẹ van 2 lá. ProBNP (NT- ProBNP):2219pg/ml, các xét nghiệm khác không có bất thường.
Trước tình trạng trên của bệnh nhân, Bác sĩ CKII Lê Đức Điệp, Phó Giám đốc Bệnh viện đã cùng các chuyên gia trong lĩnh vực tim mạch của Bệnh viện xác định đây là một biến cố tim mạch và tập trung cứu chữa người bệnh theo hướng biến cố do tim mạch gây ra.
Đến hồi 3h ngày 25-5, người bệnh sốt 41,5 độ C, sau đó huyết áp tụt, bụng chướng, dịch dạ dày nâu đen, tiên lượng tử vong. Người bệnh vẫn được điều trị, như: nâng huyết áp, thở máy, hạ sốt, chăm sóc tích cực.
Đến 6h29’ cùng ngày, người bệnh hôn mê, thở theo máy, huyết áp 60/30 mmHg, nhiệt độ 42.5 độ C, sau dó da toàn thân nhợt nhạt, xuất hiện tim rời rạc, chậm dần rồi ngừng tim, tiến hành cấp cứu ngừng tuần hoàn không kết quả. Đến 7h20’ ngày 25-5, người bệnh tử vong trước sự chứng kiến của kíp trực và những người trong gia đình.
Sau khi xảy ra sự việc, Bệnh viện đã báo cáo Bộ Y tế và chính quyền địa phương chỉ đạo lực lượng chức năng phối hợp với bệnh viện giải quyết và tiến hành giải phẫu tử thi để xác định nguyên nhân.
Kết quả: Tại bộ phận tim: diện cắt qua quai động mạch chủ có nhiều ổ xơ vữa; van 2 lá và van 3 lá có ổ xơ kích thước 1x1cm; tâm thất trái mặt ngoài có ổ màu sắc bất thường kích thước 1x1.5cm, cắt qua vị trí bất thường thấy hình ảnh xung huyết sẫm màu.
Tại bộ phận ổ bụng: ổ vùng góc hồi manh tràng ruột thừa đã cắt, khô không có giả mạc, còn chân chỉ khâu, mạc treo ruột thừa đã được cầm máu. Các quai ruột non đại tràng, trực tràng không có lỗ thủng, không có ổ áp xe tồn dư. Các bộ phận khác không có dấu hiệu bất thường.
Ngày 11-6, trao đổi với PV Báo An ninh Hải Phòng về các vấn đề bức xúc của gia đình anh Sơn, TS-BS Trần Viết Tiệp, Giám đốc Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển cho biết: 2 viên thuốc do điều dưỡng viên cho ông Ba uống là thuốc Paracetamol, thuộc “khay” thuốc điều trị cho bệnh nhân sau phẫu thuật, có các thông số ổn định nêu trên.
Đây là loại thuốc nhằm làm giảm đau, không có tác dụng phụ về bệnh tim mạch. Hội đồng chuyên môn Bệnh viện kết luận về nguyên nhân tử vong của bệnh nhân Ba là do nhồi máu cơ tim là căn cứ vào hồ sơ bệnh án, thông tin cung cấp từ bác sĩ, điều dưỡng điều trị, chăm sóc người bệnh và kết quả thu được trong quá trình là thành viên tham gia giám định pháp y.
Việc Bệnh viện thông báo công khai kết luận trên, thuộc về năng lực và trách nhiệm trong phạm vi chuyên môn của mình, nhằm xác định rõ đúng sai trong quá trình phẫu thuật, điều trị cho bệnh nhân, đồng thời tránh gây hoang mang cho các bệnh nhân khác.
Hiện, cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ninh tiếp tục điều tra về nguyên nhân tử vong của ông Nguyễn Văn Ba.
BBĐ
10:29 12/11/2024
16:00 27/09/2022
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão