Vệt lệ buồn vì đất!

19:43 24/09/2016

 

Nỗi buồn… tại đất
Nỗi buồn… tại đất

Cho đến những ngày này, dù cụ C. đã quy tiên, nhưng bà con láng giềng ở xã An Tiến (An Lão) vẫn chưa nguôi ngoai với tình cảnh của cụ: “Cả đời sống minh bạch mà chết cũng không nhắm được mắt…”.          

Ly tình vì… đất

Số là cụ C. lấy cụ bà X., sinh được 6 người con, đều đặn 3 trai 3 gái. Cũng như những gia đình nông dân khác, hai cụ chân chỉ làm ăn vượt qua những năm tháng cùng quẫn nhất, nuôi các con trưởng thành. Lần lượt 5 người con lớn lập gia đình ra ở riêng, ai cũng có gia thất tươm tất, riêng ông D. là con út khi lấy vợ ở cùng bố mẹ. Những tưởng cuộc sống lúc về già sẽ được an nhàn, nhưng ai ngờ “cái đất, cái cát nó lại bạc tình, bạc nghĩa…”.

Mọi chuyện phát sinh từ khi cụ X. mất vào đầu năm 2008 và không để lại di chúc. Cuối năm ấy, cụ C. cũng cảm thấy yếu già bèn triệu tập con cháu về, theo lẽ thường định phân chia tài sản, gồm căn nhà xây cũ trên thửa đất thổ cư khoảng 600m2. Theo ước nguyện của cụ, tài sản được chia làm 3 phần, hai người con trai lớn đã có nhà riêng được chia một lô đất chung 150m2 để lấy vốn làm ăn, một lô cụ dự định bán lấy tiền chữa bệnh, phần còn lại cụ muốn để lại cho con út, vì trên thực tế cả căn nhà và diện tích đất này vợ chồng ông D. đang sử dụng.

Tại cuộc họp gia đình, các con gái của cụ C. đều tuyên bố không nhận bất cứ tài sản thừa kế nào và tôn trọng quyết định của cụ, tuy nhiên hai người con trai lớn lại không chịu. Bất hòa sinh ra từ đây, mấy năm trời không dàn xếp được, cực chẳng đã cụ đâm đơn yêu cầu tòa án phân xử.

Tại tòa, hai người con trai lớn yêu cầu tòa buộc cụ phải tách riêng phần thổ cư là di sản của cụ X. để làm nơi... thừa tự. Còn cụ C. thì cho rằng, cụ còn sống vẫn đóng giỗ chạp cúng ở nhà thờ họ, con cái theo cụ thì cứ thế mà làm, không cần phải xây thêm nhà thờ ở trên đất nhà mình. Đồng thời cụ cũng khẳng định quyền định đoạt với phần tài sản riêng, và đề nghị Tòa chia di sản của cụ X. theo quy định của pháp luật. Bất đồng với hai ông anh lớn, các con gái cụ C. cũng tuyên bố trước tòa, xin nhận chung di sản thừa kế của mẹ và tặng cho cậu em út (tức ông D.).

Tranh chấp đất không phân biệt giàu-nghèo
Tranh chấp đất không phân biệt giàu-nghèo

Căn cứ các quy định của pháp luật, Tòa đã tuyên phân chia phần di sản của cụ X. cho 7 đồng thừa kế, chấp nhận yêu cầu của cụ C. là dành toàn bộ tài sản của mình cho con trai út. Phiên sơ thẩm khép lại, không có ai kháng cáo.

Một thời gian sau cụ C. trút hơi thở cuối cùng. Giây phút cụ lìa đời vắng mặt những người con trai lớn. Tưởng mọi việc dừng lại ở đó đã là quá đớn đau cho một gia đình, vì cảnh cha con anh em ly tình. Nhưng cụ C. mất được mấy ngày, hai ông con lớn lại đòi “triệu tập” họp, yêu cầu được chia tiếp phần di sản cụ C. để lại, dù trước đó tòa đã xử. Đến lúc này họ hàng cụ C. cũng thấy ngán trước cách hành xử này, câu chuyện trở thành đề tài đàm tiếu lan khắp làng trên xóm dưới. Không hiểu những người con trai cụ C. có lúc nào ngồi tâm tư lại, thấy nuối tiếc những điều mất mát còn hơn cả tiền bạc, và tưởng tượng rằng một ngày nào đó những đứa con mình lớn lên, chúng lai “dẫn” mình ra toà như thế!?

Những nỗi đau còn lại

Cách đây vài năm tại Kiến Thụy, TAND huyện đã đưa ra xét xử bị cáo T. ở xã Tú Sơn về tội cố ý gây thương tích, dẫn đến cái chết của ông nội mình là cụ N.. Mặc dù là vụ án hình sự nhưng mâu thuẫn cũng bắt đầu một tranh chấp dân sự từ đất. Theo nội dung cáo trạng thì năm 2003, sau khi bố của T. chết, giữa cụ N. và con dâu là bà L. (mẹ của T.) phát sinh tranh chấp di sản thừa kế.

Sau phiên tòa sơ thẩm, rồi đến phúc thẩm, tòa bác yêu cầu đòi nhà đất của cụ N. và công nhận quyền sở hữu hợp pháp của bà L. đối với diện tích đất 456,9m2 tại xã Tú Sơn mà mẹ con bà L đang sử dụng. Một ngày định mệnh, khi T. dọn dẹp mảnh đất này thì bị cụ N. ngăn cản, hai ông cháu xảy ra xung đột. Trong lúc giằng co, cụ N. bị cháu “đích tôn” đẩy ngã xuống sân, bị trọng thương rồi tử vong. Hội đồng xét xử đã tuyên phạt T. 10 năm tù giam về tội cố ý gây thương tích, bai học để lại quá chua xót.

Một vụ tranh chấp khác cũng không kém phần bi hài xảy ra ở quận Kiến An, giữa hai anh em ruột ông K. và ông O. Nguyên nhân theo trình bày của con trai ông K. thì đầu những năm 1980, gia đình ông K. có một diện tích đất tại đường Trường Chinh. Khi còn êm ấm, ông K. rủ em trai là ông O. chuyển về, nhượng lại một đám đất của hộ bên cạnh để ở gần nhau.

Thực tế hai gia đình sinh sống ổn định và đã được cấp thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và sử dụng đất từ năm 1993. Mâu thuẫn bắt đầu xảy ra khi gia đình ông K. phát hiện giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và sử dụng đất của mình, phần ngõ lại nằm trên đất của… ông O. Vụ tranh chấp này đã kéo dài khá lâu, có nhiều cuộc họp hòa giải nhưng càng hòa giải tình cảm ruột thịt càng phai nhòa, chưa bên nào chịu bên nào. Mới đây khi ông O. chuyển nhượng nhà đất cho người khác, chủ mới về xây dựng tường bao theo giấy tờ được cấp khiến gia đình ông K. không có lối ra vào, mâu thuẫn càng trở nên gay gắt…

Trở lại với huyện An Lão, gần đây nhất là gia cảnh ông Q. ở xã Trường Thành. Từ năm 2013, ông Q. kết hôn với bà H., đến lúc “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt”, bà H. bỏ về  bên ngoại ở xã Đại Bản (An Dương). Mới đây, bà H. gửi đơn ra tòa xin ly hôn và phân chia tài sản. Nhưng trớ trêu thay, trong bảng kê tài sản của bà H. lại có cả công trình phụ của mẹ đẻ ông Q. là cụ S., mà bà H. cho rằng đã bỏ số tiền 150 triệu đồng cho cụ S. xây dựng.

Trong khi đó, những người trong gia đình ông Q. đều khẳng định, toàn bộ công trình phụ của cụ S. đều do con cháu của cụ bỏ tiền tu sửa từ trước khi ông Q. kết hôn, trong đó có cả khu vực thờ tổ tiên và bố ông Q. đã quy tiên từ hàng chục năm nay. Hơn nữa giá trị tài sản bị tranh chấp này vừa được hội đồng định giá chỉ khoảng 40 triệu đồng. Khổ nỗi, cụ S. năm nay đã ngoài 80 tuổi, đang ốm bệnh trên giường vẫn phải nhận “trát” gọi ra tòa. Ông Q. chua chát nói: “Cô ấy bỏ đi, toàn bộ tài sản chung tôi vẫn đang giữ nguyên, kể cả mảnh đất 100m2 tại xã Trường Thành, sẵn sàng chia theo quy định của pháp luật…”. Rồi ông Q. ngậm ngùi: “Đến mẹ tôi mà cô ấy cũng chẳng tha, tôi chỉ còn biết trông chờ vào sự công tâm của tòa án, chứ không ngộ nhỡ mẹ tôi mất đi không nhắm được mắt thì hận lắm…”.

Còn vô số những vụ việc tương tự xảy ra, hình thức có thể khác nhau nhưng kết cục đều dẫn đến cảnh phụ tử, huynh đệ tương tàn. Đây cũng là nỗi nhức nhối của toàn xã hội, nguyên nhân một phần do bản tính cá nhân hẹp hòi, một phần do nhận thức pháp luật của người dân hạn chế.

Lê Minh Thắng


Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông