Vinh danh cây di sản Việt Nam: Lưu giữ cốt cách xưa

11:18 11/08/2018

Hình ảnh cây đa, bến nước, sân đình luôn là những ký ức khó phai trong tâm trí mỗi người dân Việt Nam khi nhắc nhớ đến quê hương, nhất là những kiều bào đang mưu sinh nơi đất người. Trong bộn bề của cuộc sống hiện đại, khi mà không ít người bị cuốn theo thế giới ảo qua những chiếc smartphone thì cũng vẫn có những người là chuyên gia trong nhiều lĩnh vực khoa học, là nhà quản lý đang lặn lội tìm tòi, thẩm định và vinh danh những cây cổ thụ, cây di sản Việt Nam để vừa bảo tồn gen của những loài cây quý hiếm, vừa lưu giữ cốt cách, hồn quê xưa cho thế hệ mai sau.

Các chuyên gia nghiên cứu, thẩm định cây Mắm Trâu

 Như một “kho tàng” thông tin về cây cổ thụ, cây di sản trên địa bàn thành phố, ông Trần Văn Đức-Giám đốc Trung tâm tư vấn và hỗ trợ kỹ thuật môi trường (ENCEN) thuộc Sở KH&CN hồ hởi cho chúng tôi biết:

Gần 7 năm qua, Hải Phòng có tổng số 133 cây thuộc 18 loài như sanh, si, thị, đa, bồ đề, muồng, đại, mít, gạo, bàng, duối… đã được công nhận và vinh danh là cây di sản Việt Nam. Trong số 14/15 quận huyện có cây di sản thì quận Đồ Sơn có nhiều nhất với 51 cây và huyện Vĩnh Bảo đứng đầu khối huyện với 15 cây di sản.

Ông Đức cũng chia sẻ: Những ngày đầu khi thực hiện chủ trương vinh danh cây di sản Việt Nam do Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam phát động, Trung tâm ENCEN nói riêng và Hội Bảo vệ Môi trường Hải Phòng gặp không ít khó khăn. Kỷ niệm lăn lộn khảo sát, nghiên cứu, thẩm định tuổi của cây đa 13 gốc tại phường Đằng Giang, quận Ngô Quyền (duy nhất tại Việt Nam) đến giờ vẫn như hằn in.

Khi ấy các bậc cao lão tại địa phương chỉ nhớ áng chừng, người thì nói cây có 500 năm tuổi, người thì bảo phải là 700 năm tuổi. Để đọc đúng tuổi của cây đa với số gốc và bóng toả bao trùm diện tích hơn 400m2, các chuyên gia thuộc Bộ Tài nguyên-Môi trường và KHCN đã vào cuộc, dùng mũi khoan hết nửa thân cây và xác định chính xác tuổi của cây vào năm 2011 là 415 tuổi.

Suốt trong thời gian qua, nơi đây đã trở thành một điểm du lịch với đông đảo du khách đến chiêm ngưỡng cây đa có một không hai ở Việt Nam tính đến thời điểm hiện tại.

Còn nữa, từ khâu lập hồ sơ đến khi được công nhận, vinh danh cây Mắm Trâu, hay tên khác là Ràng Trâu, Su Biển, các chuyên gia phải nín thở chờ… một năm, khi cây trổ hoa, đối chiếu với tài liệu nghiên cứu của Hội bảo vệ thiên nhiên thế giới, lúc ấy, chính quyền xã Tam Hưng, huyện Thuỷ Nguyên mới chính thức làm lễ vinh danh.

Theo ông Đào Văn Hiên-Trưởng làng văn hoá Do Lễ, xã Tam Hưng thì cây Mắm Trâu cao to, sừng sững, xanh tươi quanh năm bên phải cổng chùa Đông Minh. Đông Minh Tự được xây dựng vào năm 1676 và trải qua năm tháng với bão to gió lớn, song cây Mắm Trâu vẫn tồn tại đến ngày hôm nay.

Ban đầu nhìn thân cây, lá, Giáo sư Vũ Văn Dũng thuộc Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam cùng các chuyên gia hoài nghi cây thuộc họ sanh, si, song khi cây ra hoa màu trắng thì niềm vui tột độ bởi đây là cây có gen quý hiếm mới được phát hiện trong tổng số trên 2.700 cây di sản của cả nước. Buổi lễ vinh danh cây đã trở thành ngày hội của chính quyền và nhân dân địa phương.

Cũng kỳ công không kém là cây Bồ đề hơn 500 năm tuổi tại chùa Đót, xã Cấp Tiến, huyện Tiên Lãng. Chùa Đót những năm 1949-1950 là căn cứ cách mạng và nhà sư Thích Thanh Dũng, trụ trì chùa đã anh dũng hy sinh để bảo vệ cán bộ. Để xác định những thông tin về loài cây trên, các chuyên gia đã phải làm mọi thủ tục liên quan đón mời đại diện của Đại sứ quán Ấn Độ đến tận nơi để thẩm định.

Trong một dịp sang Việt Nam, một nhà sư từ Ấn Độ cũng không ngại đường sá xa xôi, đến thăm  chùa Đót. Nhìn thấy cây Bồ đề, nhà sư lập tức ngồi thiền, cung kính tụng kinh, niệm Phật.

Nhà sư cũng trò chuyện với nhân dân địa phương về sự tích cây Bồ đề-loài cây được kính trọng như vật thiêng liêng từ lâu đời và người dân Ấn Độ tin tưởng rằng, lá cây có hình trái tim, đi đâu mang theo lá bên người sẽ mang lại may mắn, mọi việc hanh thông.   

Tìm thông tin về cây cổ thụ tại các địa phương, mời các chuyên gia khảo sát, nghiên cứu, thẩm định rồi được công nhận, vinh danh cây di sản Việt Nam đã công phu, nhưng để giữ gìn cho cây xanh tươi, bảo tồn được loài gen quý hiếm còn gian nan hơn nữa.

Cũng theo ông Trần Văn Đức, hơn 130 cây di sản Việt Nam trên địa bàn thành phố nói riêng và cây cổ thụ nói chung đều đã có độ tuổi từ 200 năm trở lên đến 500-600 năm. Theo năm tháng, cây già cỗi, dễ bị sâu mọt, khi ấy các nhà khoa học lại lăn lộn chữa trị, cứu cây.

Đơn cử như cây thị cổ ở phường Ngọc Xuyên, quận Đồ Sơn, cây sanh ở Đền Tiên Nga, quận Ngô Quyền và gần đây nhất là cây muồng ràng ràng ở khu vực Tượng đài Nữ Tướng Lê Chân…, sau khi bật lớp bê tông bề mặt để cây dễ thở, cứ đến 11-12 giờ đêm, các “bác sỹ” lại phải tiêm thuốc trị sâu, bơm chất diệp lục để cây sống khoẻ, lá xanh, mang lại cảnh quan thiên nhiên trong khu vực di tích.

   Kim Oanh 

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông

Liên kết hữu ích