Vụ 7 thanh niên tử vong tại lễ hội âm nhạc: Hiểm họa mang tên ma túy

09:15 25/09/2018

Tuần vừa qua, lễ hội âm nhạc “Du hành tới mặt trăng” (Trip to the moon) được tổ chức tại công viên nước Hồ Tây (Hà Nội) với ước tính gần 5.000 người tham gia. Kết thúc chương trình, nhiều người có biểu hiện bất thường đã được đưa đi cấp cứu.

Công an Hà Nội xác định 7 người chết và 5 người hôn mê đều dương tính với ma túy. Lễ hội âm nhạc nhanh chóng biến thành cơn ác mộng kinh hoàng với những người tham gia, còn dư luận thì giật mình đặt câu hỏi: tại sao một đêm nhạc lớn được cấp phép ngay tại thủ đô lại dễ dàng phát hiện thấy những viên tinh thể màu trắng và viên nén nghi ma túy tại hiện trường, thậm chí còn có cả… “bóng cười”?

Trên thực tế, trong những năm qua, đại nhạc hội đã trở thành một xu hướng phổ biến tại rất nhiều thành phố trên toàn thế giới. Giới trẻ coi đây là cơ hội để họ thỏa sức “xõa” hết mình trong những giai điệu nhạc điện tử hiện đại, mới mẻ. Tuy nhiên, trong khi phần lớn các lễ hội thường chỉ có người ngất xỉu do quá nóng, thiếu không khí hay do quá đông thì giờ đây những đại nhạc hội lại tiềm ẩn nguy cơ lớn hơn: Ma túy. Nguyên nhân là bởi trong những cuộc hội hè đàn đúm đều có chung một tiêu chí “xõa hết mình” và để hết mình thì nhiều người tham dự thường tìm cách mang chất kích thích theo để sử dụng.

Các lễ hội âm nhạc đang tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn do người tham gia sử dụng ma túy, chất kích thích

 

Một trong số đó, loại chất kích thích mà giới trẻ yêu thích nhất hiện nay có lẽ là sử dụng “bóng cười” để tăng sự vui vẻ, hưng phấn trong các bữa tiệc. Tuy không phải là ma túy hay tiền chất nhưng nếu sử dụng “bóng cười” nhiều hoặc quá liều lượng sẽ gây ảnh hưởng đến hệ tim mạch, hệ thần kinh mà hậu quả xấu nhất là trầm cảm hoặc thiệt mạng. Ngay tại khuôn viên của lễ hội âm nhạc Hồ Tây vừa qua, qua khám nghiệm hiện trưởng, công an phát hiện có nhiều “bóng cười”. Và qua kết quả xét nghiệm tại bệnh viện E, các nạn nhân trong vụ lễ hội âm nhạc ở Hồ Tây có sử dụng chất kích thích như ma túy đá, thuốc lắc, cần sa và ma túy tổng hợp; có nạn nhân còn sử dụng các loại chất kích thích trên trộn lẫn với nhau.

Trước sự việc đau lòng trên, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đã yêu cầu UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo các lực lượng chức năng khẩn trương điều tra làm rõ nguyên nhân và trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan trong việc tuân thủ quy định pháp luật hiện hành về tổ chức lễ hội âm nhạc, đồng thời xử lý nghiêm vi phạm theo đúng quy định. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất ở đây vẫn là ý thức của người tham gia. Rõ ràng việc giới trẻ thản nhiên, công khai sử dụng chất ma túy, chất kích thích tại những nơi tụ tập đông người đang là vấn nạn đáng báo động.

Theo thống kê của Ủy ban Quốc gia phòng, chống HIV⁄AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm, tính đến ngày 15-11-2017, cả nước có hơn 222.000 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý, tăng hơn 11.000 người so với năm 2016. Ước tính số tiền người nghiện dùng để mua ma tuý khoảng 2.100 tỷ đồng/năm, thêm vào đó là hơn 1.000 tỷ đồng vận hành các Cơ sở cai nghiện, cùng những hệ luỵ về trật tự an toàn xã hội. Bên cạnh đó, đáng lo ngại nhất là số người bị loạn thần do sử dụng ma túy tổng hợp gia tăng nhanh chóng, ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của bản thân và tình hình ANTT. Bên cạnh đó, việc sử dụng ma túy tổng hợp và các chất hướng thần mới như “ma túy đá”, “cần sa tổng hợp”, “thuốc lắc”… đang có dấu hiệu lan rộng ở nhiều địa phương.

Suốt thời gian qua, mặc dù các cơ quan chức năng, nhiều kênh tuyên truyền đã tăng cường đáng kể thời lượng phổ biến về tác hại của các loại ma túy này, song dường như những cảnh báo này chưa tạo ấn tượng đủ mạnh trong giới trẻ. Những bài học trên vẫn chưa đủ cảnh tỉnh những người trẻ như con thiêu thân lao vào ma túy, bởi sau mỗi vụ việc đau lòng do hệ lụy của ma túy gây ra lại tiếp diễn những vụ việc đau lòng khác. Và có lẽ, vụ việc đáng tiếc với 7 người tử vong sau đêm nhạc "Du hành tới mặt trăng" chính là bài học đắt giá nhất hiện nay để cảnh tỉnh giới trẻ. Đó là việc bất chấp tính mạng, bất chấp pháp luật, thản nhiên sử dụng ma túy dẫn đến bản thân phải chịu trách nhiệm bằng chính mạng sống của mình.

Tại Lễ mít tinh hưởng ứng Tháng Hành động phòng, chống ma túy, Ngày Quốc tế và Ngày Toàn dân phòng, chống ma túy năm 2018 với chủ đề “Hãy bảo vệ thế hệ trẻ trước hiểm họa ma túy”, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã đề nghị các Bộ, ngành, địa phương và nhà trường cần tăng cường công tác tuyên truyền, khuyến cáo người dân, trong đó đặc biệt là các em học sinh, sinh viên; tập trung chấp hành nghiêm các quy định pháp luật về phòng, chống ma túy. Đồng thời, lực lượng Công an cùng với các cơ quan chức năng phải tham gia tuyên truyền phòng, chống ma túy trong trường học; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm hành vi sử dụng các trang mạng xã hội để quảng bá, lôi kéo sử dụng trái phép các chất ma túy; làm trong sạch địa bàn xung quanh trường học, ký túc xá, khu trọ sinh viên, không để các đối tượng tội phạm về ma túy lợi dụng mua bán, lôi kéo học sinh, sinh viên sử dụng ma túy và các sản phẩm có chứa ma túy.

Mong rằng, sau vụ việc thương tâm này, những người trẻ có ý thức hơn về cuộc sống của mình để không còn tái diễn những vụ việc tương tự do ma túy gây ra.

Lâm Phong

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông

Liên kết hữu ích