09:50 22/12/2021 Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền xã Ngũ Đoan (huyện Kiến Thụy) đã tập trung làm tốt công tác tác quản lý sản xuất, cung cấp nước sinh hoạt từ các nhà máy nước mini trên địa bàn với mục tiêu cao nhất - đem đến nguồn nước sạch cho người dân...
Chất lượng nước - yếu tố hàng đầu
Theo báo cáo của UBND xã Ngũ Đoan, hiện xã có hai đơn vị cung cấp nước sạch gồm Nhà máy Nước Tân Thanh (địa chỉ tại thôn Hòa Nhất) và Nhà máy Nước mini Đồng Rồi (thôn Đồng Rồi).
Trong đó, Nhà máy Nước mini Đồng Rồi được đầu tư và đi vào hoạt động sản xuất, cung cấp nước sạch sinh hoạt từ năm 2004.
Còn Nhà máy Nước Tân Thanh được Công ty TNHH Tân Thanh xây dựng và chính thức cung cấp nước sạch sinh hoạt đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng cho các hộ dân trên địa bàn xã từ năm 2011. Đến nay, Nhà máy này đã nâng công suất, mở rộng mạng lưới đường ống và vùng phục vụ đến các hộ trên địa bàn 6 xã thuộc huyện Kiến Thụy ( bao gồm các: Ngũ Đoan, Đại Hà, Tân Trào, Tân Phong, Tú Sơn, Đại Hợp). Hiện đơn vị đã cấp nước sạch ổn định cho 12.000 hộ dân trong vùng kinh doanh (trong đó số hộ dùng nước của xã Ngũ Đoan là 2.300 hộ) với công suất thiết kế 6.000m3/ngày đêm.
Ông Vũ Huy Ba, Chủ tịch xã Ngũ Đoan cho biết, nhằm giám sát chặt chẽ chất lượng nước của Nhà máy, theo định kỳ, Trung tâm Y tế dự phòng thành phố cử cán bộ y tế trực tiếp xuống lấy mẫu nước thành phẩm phục vụ cho việc kiểm tra, xét nghiệm các thông số chất lượng theo QCVN 01-1:2018/BYT của Bộ Y tế ban hành theo Thông tư số 41/2018/TT-BYT. Cùng với đó, mỗi quý một lần, đoàn kiểm tra của Trung tâm Y tế huyện Kiến Thụy phối hợp với chính quyền và trạm y tế xã tổ chức xuống kiểm tra, theo dõi kết quả xét nghiệm chất lượng nước cùng các hồ sơ, sổ sách theo dõi quá trình vận hành, sản xuất nước sạch.
Với sự quản lý minh bạch và khoa học nói trên, đơn vị sản xuất luôn thực hiện nghiêm túc công tác nội kiểm hàng ngày, đồng thời trang bị các máy móc và dụng cụ đạt tiêu chuẩn để lấy mẫu và xét nghiệm các thông số chất lượng của nước nguyên liệu cũng như nước thành phẩm. Mỗi lần lấy mẫu, các thông tin về số lượng mẫu lưu, vị trí lấy mẫu, thể tích mẫu, phương pháp bảo quản mẫu, thời gian lấy mẫu và tên người lấy mẫu đều được ghi chép cụ thể trong sổ sách…
Theo ông Bùi Huy Cư - Giám đốc Công ty TNHH Tân Thanh, nơi khai thác nước nguyên liệu của đơn vị là nước mặt sông Đa Độ tự chảy vào hồ lắng của Nhà máy thông qua đường ống bê - tông cốt thép. Xung quanh khu vực lấy nước nguyên liệu được cắm biển “Vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt”, đồng thời được lắp lưới chắn bèo, rác và thường xuyên được làm sạch mặt nước . Ngoài ra, Nhà máy cùng với chính quyền địa phương thưc hiện công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân không xả thải, vứt rác xuống sông để không làm ô nhiễm nguồn nước, ảnh hưởng đến chất lượng nước nguyên liệu đầu vào . Các khu vực hồ lắng, bể lắng đứng, bể lọc, bom lọc, bể chứa nước sạch luôn được hút bùn, thau rửa, vệ sinh định kỳ để đảm bảo vệ sinh cũng như công suất lắng lọc.
Nước sau khi đã xử lý đạt Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về chất lượng nước ăn uống (QCVN 01:2009/BYT) được bơm cấp cho các hộ tiêu thụ bằng hệ thống phân phối 24/24 giờ trong ngày. Áp lực nước được kiểm tra và điều chỉnh đảm bảo duy trì áp lực tại hộ tiêu thụ đạt giá trị tối thiểu 0,1kg/cm2 tại điểm cuối nguồn vào giờ cao điểm.
Còn theo đánh giá của ông Vũ Huy Ba – Chủ tịch UBND xã Ngũ Đoan, kể từ khi Nhà máy nước sạch Tân Thanh đi vào hoạt động trên địa bàn, người dân trong xã rất vui mừng và yên tâm khi được sử dụng nguồn nước sinh hoạt sạch, đảm bảo chất lượng với giá thành phù hợp.
Cần hỗ trợ của các cấp để doanh nghiệp ổn định sản xuất
Theo khảo sát, toàn bộ các hộ dân nằm trong vùng phục vụ của nhà máy nước sạch Tân Thanh và Đồng Rồi đều tiếp cận được nguồn nước sạch đảm bảo quy chuẩn chất lượng của Bộ Y tế. Kết quả này đã góp phần quan trọng trong Chương trình mục tiêu quốc gia về nông thôn mới và nông thôn mới kiểu mẫu của các xã trên địa bàn huyện Kiến Thụy.
Ông Vũ Huy Ba – Chủ tịch UBND xã Ngũ Đoan cho biết thêm, hiện nay, theo bản Quy hoạch cấp nước tại Quyết định số 487/QĐ-UBND ngày 5-3-2018 được UBND thành phố Hải Phòng phê duyệt, địa bàn 6 xã phía nam của huyện Kiến Thụy mà Công ty TNHH Tân Thanh đang hoạt động không có quy hoạch Nhà máy nước này gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc lập hoàn thiện hồ sơ, trình các cơ quan chức năng thực hiện vay vốn hoặc nhận các chính sách ưu đãi đầu tư của Nhà nước.
Trong khi đó, Nhà máy đang rất cần mở rộng vùng phục vụ sang xã Minh Tân và 3 thôn của xã Đại Hà với khoảng 4.500 hộ dùng nước; công suất dự kiến nâng lên 10.000m3 ngày/đêm với kinh phí dự kiến 30 tỷ đồng.
Để tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động hiệu quả và bền vững, UBND xã Ngũ Đoan đã có đề nghị UBND huyện Kiến Thụy tham mưu cho UBND thành phố sớm điều chỉnh lại quy hoạch cấp nước trên địa bàn thành phố, trong đó có huyện Kiến Thụy, đảm bảo đúng với thực tế của Nhà máy Nước Đồng Rồi và Nhà máy Nước sạch Tân Thanh đang hoạt động từ năm 2004 và 2011 đến nay.
Địa phương thời đề nghị UBND thành phố sớm rà soát, chỉ đạo các cơ quan chức năng thực hiện cho thuê đất đối với Nhà máy Nước sạch Tân Thanh theo quy định tại Quyết định số 131/2009/QĐ-TTg ngày 2-11-2009 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư và quản lý, khai thác các công trình cấp nước sạch nông thôn để đơn vị ổn định sản xuất.
Cùng với đó, huyện Kiến Thụy cùng các cơ quan chức năng thành phố cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền bảo vệ môi trường, triển khai đồng bộ có hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra tại các cơ sở sản xuất kinh doanh; các hộ gia đình, cá nhân đã và đang có hành vi vi phạm môi trường, đảm bảo 100% các nguồn thải ra môi trường và đặc biệt là ra sông Đa Độ được kiểm soát, đảm bảo an toàn…
LIÊM ĐOÀN
16:11 21/11/2024
08:05 13/11/2024
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão