Xây dựng hệ thống quản lý dân cư tại Hải Phòng: Tạo đột phá trong CCHC, xây dựng chính quyền điện tử

11:50 10/11/2018

Năm 2013, được sự giúp đỡ của Chính phủ Hungary với khoản vốn vay có điều kiện, Bộ Công an đã lựa chọn thành phố Hải Phòng làm địa điểm triển khai dự án “Xây dựng hệ thống quản lý dân cư” và giao cho Tổng cục Cảnh sát làm Chủ đầu tư.

Có thể khẳng định, đến nay, việc tổ chức thu thập, cập nhật các thông tin cơ bản của hơn 2 triệu công dân thông qua dự án đã góp phần tạo lập nên một hệ cơ sở dữ liệu về dân cư tập trung, thống nhất trên toàn thành phố, phục vụ công tác công tác quản lý nhà nước, hoạch định các chính sách kinh tế - xã hội, đảm bảo an sinh xã hội, đồng thời tạo đột phá trong công tác cải cách hành chính của thành phố Hải Phòng, hướng tới mục tiêu xây dựng chính quyền điện tử, phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Bước tiến lớn về cải cách thủ tục hành chính

Thông thường, mỗi cơ quan quản lý Nhà nước lại cấp cho công dân một loại giấy tờ với những con số khác nhau, bởi vậy mỗi công dân có thể sở hữu khoảng 20 loại giấy tờ trong đời (như giấy khai sinh, giấy đăng ký kết hôn, hộ khẩu, chứng minh nhân dân, giấy phép lái xe…).

Cùng với việc cấp các giấy tờ cho công dân, cơ quan quản lý nhà nước phải thực hiện việc lưu trữ hồ sơ và tập hợp các văn bản lưu trữ để hình thành nên cơ sở dữ liệu phục vụ hoạt động của ngành, lĩnh vực. Với cách thức như vậy, việc quản lý dân cư ở nước ta trước đây bộc lộ rất nhiều hạn chế, bất cập.

Cán bộ Phòng PC06-CATP giới thiệu, chia sẻ hệ thống máy chủ Trung tâm dữ liệu dân cư với đoàn công tác tỉnh Yên Bái

Dễ hình dung nhất là với quy mô dân số lên tới gần 90 triệu người, lượng giao dịch hành chính công giữa công dân với cơ quan hành chính, sự nghiệp được thực hiện là khoảng 600.000 giao dịch/ngày.

Như vậy với điểm chung là phần lớn các thủ tục này đều đòi hỏi công dân phải tự chứng minh về nhân thân của mình thông qua việc xuất trình hoặc nộp bản sao có chứng thực các giấy tờ, từ đó đã tạo nên chi phí hành chính lên tới hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm.

Đó là chưa kể việc nghiên cứu, xây dựng các cơ sở dữ liệu mới chỉ tập trung vào mục tiêu quản lý nhà nước của từng ngành, lĩnh vực mà chưa đặt vấn đề kết nối, chia sẻ thông tin chung về công dân giữa các cơ sở dữ liệu.

Đến khi cần thông tin tổng thể về dân cư thì Nhà nước phải đầu tư chi phí lớn vào các cuộc tổng điều tra rất tốn kém và số liệu cũng không hoàn toàn chính xác, gây lãng phí nguồn ngân sách Nhà nước và phiền hà cho nhân dân.

Trước những bất cập, hạn chế nêu trên, để nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về dân cư và tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc thực hiện các thủ tục hành chính, ngày 18-8-2010, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 90 quy định về Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Trong đó, Chính phủ quy định sử dụng số định danh cá nhân và cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với mục tiêu xây dựng một cơ sở dữ liệu thống nhất trên toàn quốc để dùng chung cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân, nhằm cung cấp chính xác, kịp thời thông tin cơ bản về dân cư, phục vụ cho công tác quản lý Nhà nước, đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH và yêu cầu chính đáng của công dân.

Có thể nói xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư mang lại nhiều lợi ích không những cho công tác nghiệp vụ của ngành Công an, công tác quản lý nhà nước của các Bộ, ngành và địa phương mà còn mang lại lợi ích cho chính người dân.

Thông tin của công dân được quản lý tập trung, thông qua chìa khóa là số định danh cá nhân sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong giao dịch, đi lại.

Việc tra cứu thông tin trong cơ sở dữ liệu khi giải quyết các thủ tục hành chính sẽ thay thế cho việc phải xuất trình hoặc nộp bản sao có chứng thực các giấy tờ công dân, rút ngắn thời gian giải quyết, giảm chi phí và thời gian đi lại, nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân.

Cùng với đó, việc khai thác dữ liệu dân cư trong hệ thống đã góp phần phục vụ ngành công an và ngành tư pháp thành phố Hải Phòng hiện đại hóa, cải cách thủ tục hành chính trong công tác đăng ký cư trú, cấp căn cước công dân, đăng ký khai sinh và cấp số định danh cá nhân cho trẻ em mới sinh.

Hải Phòng - điểm sáng của toàn quốc về xây dựng hệ thống quản lý dân cư

Ngày 2-8-2013, CATP đã ban hành và triển khai thực hiện Kế hoạch số 870 về việc triển khai thi hành Nghị định 90 của Chính phủ và Thông tư số 10 của Bộ Công an. Trên cơ sở đó, với vai trò nòng cốt, các phòng nghiệp vụ và công an các quận, huyện đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện cụ thể tại địa phương, đồng thời tích cực tham mưu cho UBND các quận, huyện có kế hoạch triển khai Dự án và đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho nhân dân biết và thực hiện tại cơ sở.

Song song với việc triển khai thí điểm, CATP cũng phối hợp với Cục C72 Bộ Công an và Nhà thầu HIPT khảo sát các đơn vị địa phương về các nghiệp vụ công tác đăng ký, quản lý cư trú, phục vụ việc lập trình hệ thống phần mềm quản lý dân cư; lắp đặt các trang thiết bị máy móc tại CATP; làm tốt việc tổ chức lớp tập huấn công tác thu thập thông tin dân cư cho các đơn vị làm điểm.

Việc khai thác cơ sở dữ liệu phục vụ cấp CCCD được thực hiện hiệu quả tại Hải Phòng

Đến nay CATP đã xây dựng hoàn chỉnh, đồng bộ dữ liệu dân cư; đồng thời trang bị hệ thống kết nối mạng đến 15 công an các quận huyện, 223 công an phường xã, thị trấn.

Công an các đơn vị, địa phương đã làm tốt công tác tham mưu cho các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, huy động sức mạnh của các tổ chức quần chúng, ban, ngành, đoàn thể, cùng phối hợp thực hiện thu thập thông tin dân cư. Kết quả nổi bật là CATP hiện đã cơ bản hoàn thành công tác thu thập nhập thông tin dân cư đối với 2.081.845 nhân khẩu có đăng ký thường trú, đạt tỷ lệ 99,99%.

Từ ngày 15-8-2015, Công an thành phố cũng đã tổ chức vận hành, khai thác phục vụ công tác đăng ký, quản lý cư trú trên địa bàn thành phố. Từ đó đến nay, theo số liệu mới nhất từ Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (PC06-CATP), cơ quan Công an đã tiến hành giải quyết đăng ký thường trú cho hơn 195.000 trường hợp; giải quyết đăng ký tạm trú cho gần 40.000 trường hợp; làm thủ tục khai báo tạm vắng và tiếp nhận thông báo lưu trú cho hàng ngàn trường hợp.

Bên cạnh đó, trong công tác kết nối, chia sẻ, khai thác cơ sở dữ liệu, CATP đã phối hợp xây dựng phần mềm, khai thác cơ sở dữ liệu để thống kê, lập danh sách cử tri phục vụ bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp năm 2016, qua đó lập danh sách 1.502.506 trường hợp đủ tuổi để bầu cử. Việc khai thác cơ sở dữ liệu phục vụ cấp CCCD và phục vụ các mặt công tác của ngành công an theo quy định cũng được tiến hành bài bản, đạt hiệu quả tốt.

Cụ thể là CATP đã  khai thác thông tin dân cư phục vụ cho việc cấp căn cước công dân cho gần 76.000 trường hợp từ 15-8-2015 đến nay, riêng 6 tháng đầu năm 2018 là gần 19.300 trường hợp. Cũng trong quá trình khai thác cơ sở dữ liệu đã phát hiện bắt giữ 2 đối tượng có Quyết định truy nã. Cũng thông qua hệ thống quản lý dân cư, đã có hơn 31.300 trường hợp trẻ em mới sinh được cấp số định danh cá nhân trong năm 2016; hơn 34.300 trường hợp năm 2017 và hơn 15.500 trường hợp trong 6 tháng đầu năm 2018.

Tuy nhiên trong quá trình triển khai xây dựng hệ thống quản lý dân cư, CATP cũng gặp không ít vướng mắc, khó khăn như việc số nhân khẩu đăng ký thường trú vắng mặt tại địa phương nhiều, trong đó chủ yếu là nhân khẩu tập thể, hiện nay các cơ quan, xí nghiệp đã giải thể, cổ phần hóa, chuyển nơi làm việc; hồ sơ, sổ sách quản lý thiếu một số trường thông tin bắt buộc nên việc thu thập thông tin gặp khó khăn, vướng mắc.

Trước vấn đề đó, thời gian qua, với sự hướng dẫn của Cục C72 Bộ công an, CATP đã phối hợp với nhà thầu HIPT nghiên cứ, xây dựng bổ sung phần mềm quản lý thông tin nhân khẩu vắng mặt, cho phép nhập liệu số nhân khẩu có đăng ký HKTT vắng mặt tại địa phương; chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương tổ chức thu thập thông tin và nhập liệu số nhân khẩu trên vào hệ thống để quản lý, theo dõi…

Thu Ninh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông

Liên kết hữu ích