Xe ôm – cạnh tranh trong thời đại công nghệ

10:33 17/08/2019

Xe ôm là sự chuyển hệ mang tính cách mạng thay thế cho những chiếc xích-lô kềnh càng, lề mề và lam lũ ngày xưa, với tiện ích cơ động, giá cước phù hợp với nhu cầu của khách. Nên trong thời gian dài, nghề này đã góp phần không nhỏ trong việc lưu thông hàng hoá cũng như con người trong xã hội, trở thành một phân ngành kinh tế không chính thức.

Lái xe ôm “mời khách” ở một bến xe Hải Phòng

          Bươn trải kiếm sống

Ở Hải Phòng cũng như nhiều địa phương khác trong cả nước, xe ôm là nghề tự phát, người hành nghề thuộc mọi đối tượng, mọi lứa tuổi, mọi trình độ văn hoá khác nhau. Xét về độ “tuổi” thì xe ôm cũng có đến vài chục năm, nhưng thời xe máy còn thuộc diện hàng “khủng” thì việc sắm được phương tiện làm nghề xe ôm cũng không có mấy người.

Nhiều người cho rằng, từ khi thị trường tràn ngập xe máy Trung Quốc, chỉ cần vài triệu đồng đã được con “xế” hai bánh phóng rầm rầm, bởi thế người làm nghề xe ôm cũng bùng nổ. Nhất là khi lưu lượng giao thông tăng cao, nhiều tuyến phố trong đô thị đã không còn được dành cho xe xích-lô.

Nhưng điều quan trọng là nghề xe ôm giải quyết việc làm cho một bộ phận rất lớn người lao động, là nguồn sống của nhiều gia đình. Nhưng pahir nói nghề xe ôm là nghề khá phức tạp và vất vả, cùng cực và chịu không ít sự phân biệt đối xử của xã hội.

Như cách nói bỗ bã của anh L., một tài xế xe ôm ở khu vực bến xe Niệm Nghĩa: “Chẳng ai muốn chừa mặt ra đầu đường xó chợ, không có việc gì mới phải làm nghề này”. Theo anh L., dù không phải một tổ chức doanh nghiệp hay hiệp hội, nhưng xe ôm ở Hải Phòng hoạt động cũng khá trật tự, thậm chí đa phần theo một quy ước tự nhiên “ăn trông nồi, ngồi trông hướng”. “Anh em ở đây bảo ban nhau tự quản, khách ai người ấy đón, đến lượt ai người ấy đi, quen rồi có gì đâu mà phải tranh giành” – Anh L. nói.  

Làm nghề xe ôm truyền thống thắc thỏm như người đi câu 

Nói thì nói vậy, nhưng ở một vài  tụ điểm, nhất là những bến tàu bến xe tình trạng lộn xộn phát sinh từ nghề này cũng khá phức tạp, hiện tượng tranh giành khách ảnh hưởng đến trật tự xã hội đã gây ra nhiều bức xúc. Vì vậy cách đây khoảng10 năm, Chính phủ đã ban hành Nghị định về quản lý hành nghề xe ôm, nhằm chấn chỉnh tình trạng này.

Tuy nhiên đặc thù của xe ôm hoàn toàn khác với các phương tiện chở khách khác, dễ thấy nhất là đi trên đường khó ai nhận ra đối tượng hành nghề. Xe ôm có thể xuất hiện bất cứ ở đâu, đón khách bất cứ chỗ nào, phổ biến từ nông thôn đến thành thị, không có bến bãi ổn định. Và rủi ro cũng chủ yếu rơi vào những trường hợp khách hàng không thuộc đường hoặc của địa phương khác đến.

Nên thẳng thắn nhận xét rằng, những quy định được ban hành dù rất ưu việt nhưng lại gặp khó trong thực tiễn cuộc sống, và trong suốt thời gian qua, “kinh tế xe ôm” cơ bản không gặp phải cạnh tranh lớn, ngoại trừ những mâu thuẫn nội nghề.

Dù ngại bình xét công khai, nhưng bản thân những người trong cuộc cũng tự nhận thấy rằng, đây là nghề thuộc nhóm đáy trong các loại nghề. Những tưởng sẽ chẳng còn ai cạnh tranh, nhưng giờ đây mọi chuyện đã khác.

Khi công nghệ bùng nổ

Xã hội liên tục phát triển, thực tế cho thấy cho thấy không có ngành nghề nào phát sinh thu nhập mà không có sự cải cách để theo kịp sự phát triển đó, âu đó cũng là đào thải tự nhiên.

Bản thân nghề xe ôm cũng vậy, dù chưa có số liệu thống kê nhưng chắc chắn tổng doanh thu trong nhóm dịch vụ này chiếm tỷ lệ không nhỏ trong cơ cấu kinh tế Hải Phòng nói riêng và cả nước nói chung. Chính vì vậy, cách đây mấy năm đã có nhiều doanh nghiệp đầu tư vào hoạt động này, mô hình ban đầu ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, nhanh chóng lan ra cả nước.

 Xe ôm công nghệ đang tạo ra sự cạnh tranh gay gắt

Tại Hải Phòng, mô hình mang thương hiệu Hải Âu có lẽ ra đời sớm nhất, nhưng đặc thù là kết nối vận tải với hệ thống xe khách của doanh nghiệp này, nên chưa thực sự tạo ra cạnh tranh lớn. Mặt khác, một bộ phận không nhỏ người hành nghề xe ôm cũng chỉ xem như một việc làm thêm, phù hợp với công nhân, sinh viên thậm chí cả công viên chức.

Nhưng rồi cũng đến lúc mọi việc chuyển sang hướng khác, khi “sân chơi” của nghề xe ôm không còn của riêng những người có thu nhập thấp nữa, mà đã trở thành mục tiêu đầu tư của những tập đoàn nổi tiếng thế giới.

Xuất phát đầu tiên cách đây vài năm phải kể đến hoạt động dịch vụ của hãng Uber – một tập đoàn kinh doanh mạng lưới giao thông vận tải khách có trụ sở tại Mỹ. Nhưng ngay từ khi tiếp cận ứng dụng với xe taxi, với dịch vụ ứng dụng tiện tích cho khách hàng trên điện thoại thông minh, hãng này đã gặp khải nhiều phản ứng đến từ các nhà quản lý lẫn dịch vụ taxi truyền thống tại Việt Nam.

Có thể thấy, là “kẻ phá bĩnh” đầu tiên nhưng mô hình của Uber chưa thực sự phù hợp với “văn hóa Việt”, để rồi họ phải rời bỏ Việt Nam, nhường lại sân chơi cho các thương hiệu khác, nhưng nổi nhất có lẽ là Grab đến từ Singapore.

Mặc dù được biết đến là một hãng taxi công nghệ nổi tiếng với hoạt động ở trên 50 nước, đã thành công ở hầu hết thị trường Đông Nam Á, nhưng tại Việt Nam, Grab lại tạo ra nỗi lo không nhỏ khi tranh nghề… xe ôm.

Ở Hải Phòng thời gian gần đây, người tham gia giao thông dễ nhận thấy hình ảnh những chiếc xe ôm với biểu tưởng màu xanh lá cây Grab Bike, do tài xế Grab cũng mặc áo, đội mũ xanh lá cây điều khiển.

Đặc trưng của dịch vụ là kết nối giữa khách hàng và tài xế bằng ứng dụng phần mềm trên địa thoại thông minh, khách hàng chỉ cần báo điểm đến sẽ biết trước số tiền phải trả, thay cho việc mặc cả hay nỗi lo bị “chặt chém” như xe ôm truyền thống.

Mặt khác, dịch vụ của Grab Bike cũng đem lại những cam kết an toàn hơn, khi cả lái xe và khách hàng đều được bảo trợ trong một hệ thống hoạt động tuân thủ theo pháp luật. Rõ ràng, mô hình phát triển mới là điều tất yếu, thậm chí cần được ứng dụng nhiều hơn để đáp ứng nhu cầu thời đại.

Nhưng như đã nói, việc xuất hiện phương thức dịch vụ mới sẽ đem lại thách thức không nhỏ cho phương pháp truyền thống, vốn dĩ là môi trường kiếm sống của nhiều người nghèo. Ông Vũ Đình N., một người làm xe ôm truyền thống ở bến xe Cầu Rào than rằng: “Làm như bọn tôi chẳng khác người đi câu, may con cá nào cắn thì được con đấy…”.

Trong điều kiện kinh tế còn khó khăn, toàn cộng đồng đang tập trung tạo công ăn việc làm, ổn định an sinh xã hội, thì an sinh cho đội ngũ làm nghề xe ôm truyền thống là một vấn đề đáng quan tâm. Nhưng mặt khác, người hành nghề xe ôm truyền thống cũng phải có ý thức xây dựng hình ảnh đẹp về nghề nghiệp, cần loại bỏ những hành vi xấu làm ảnh hưởng đến trật tự xã hội.

Hơn nữa cũng cần cập nhật kiến thức mới nhằm cải thiện phương thức dịch vụ, để không chỉ nhận được sự sẻ chia từ cộng đồng, mà còn để tự cứu chính mình.

Gia Lê

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông