15:08 12/09/2018 Bóc rồi lại dán - cái "điệp khúc" ấy của vấn nạn quảng cáo, rao vặt bừa bãi tại nơi công cộng cứ liên hồi tái diễn bấy lâu nay khiến bộ mặt đô thị của thành phố trở nên nhem nhuốc, dư luận người dân hết sức bức xúc. Trước thực trạng này chính quyền các địa phương đã liên tục tổ chức nhiều đợt ra quân bóc, cạo, xóa và làm sạch những điểm bị bôi bẩn nhưng chỉ qua một vài đêm mọi chuyện lại như cũ.
Khổ sở vì bóc gỡ quảng cáo bẩn
Được tận mắt chứng kiến hình ảnh hàng trăm đoàn viên thanh niên và các tổ chức đoàn thể ở quận Lê Chân ra quân xóa quảng cáo rao vặt trên đường phố vào các ngày thứ 7, Chủ nhật khiến nhiều người không khỏi ái ngại. Hầu như gốc cây, cột điện nào cũng dán chi chít những tờ quảng cáo, từng tốp học sinh cạo bỏ hết sức vất vả.
Em Nguyễn Toàn Thắng, học sinh lớp 9 Trường THCS Nguyễn Bá Ngọc cùng các bạn tham gia đi cạo quảng cáo dán trên những trụ điện 2 bên đường Tô Hiệu cho biết, em tham gia phong trào vì muốn đường phố sạch đẹp hơn.
Tương tự, Nguyễn Thị Kim Ngân, học sinh lớp 9 Trường THCS Ngô Quyền; Vũ Ngọc Phương, học sinh lớp 10 Trường THPT Trần Nguyên Hãn đều lắc đầu than: “Những tờ quảng cáo dán chồng lên nhau nên mất thời gian khá lâu mới cạo sạch hết. Có khi tụi em phải lấy nước đổ lên cho giấy bở ra, cạo xong rồi chà bằng bàn chải sắt mới sạch vết bẩn”.
Tham gia cùng Đoàn viên, thanh niên quận Lê Chân đi cạo, bóc quảng cáo rao vặt, anh Hoàng Hải, Bí thư Đoàn thanh niên quận Lê Chân bức xúc, việc dán quảng cáo trên trụ điện là sai pháp luật. Tình trạng này diễn ra phổ biến ở nhiều nơi, làm xấu bộ mặt thành phố nhưng có lẽ việc xử phạt chưa nghiêm nên nó vẫn tồn tại. “Tôi rất mong các cơ quan chức năng có biện pháp mạnh tay hơn đối với chủ dịch vụ và người đi dán tờ bướm. Bởi cứ kéo dài hình ảnh nhếch nhác này, dù có nhiều người dọn sạch sẽ cũng không xuể với những kẻ làm bậy, bạ đâu dán đó” - anh Hải bộc bạch.
Qua tìm hiểu được biết, thủ đoạn của các "quảng cáo tặc" là khá tinh vi. Các đối tượng lợi dụng vào những thời điểm cơ quan chức năng, người dân khó phát hiện như buổi tối, trưa vắng để hành sự, đồng thời chọn các điểm được cho là nhiều người đọc, trải đều khắp các đường phố, ngõ ngách. Hiện một số đối tượng còn thay đổi cách thức, thậm chí phun sơn để đối phó lại việc bị tẩy xóa hoặc in bằng bạt treo di động trên các gốc cây, bờ tường, cột điện...
Cần một giải pháp quyết liệt
Phong trào Ngày thứ bảy xanh - sạch - đẹp tại thành phố Hải Phòng đã được tổ chức nhiều năm. Trong đó việc xóa quảng cáo rao vặt trái quy định trên các gốc cây, cột điện ở các tuyến đường là một cách để nâng cao nhận thức của đoàn viên, thanh niên, học sinh và các tầng lớp nhân dân về hoạt động bảo vệ môi trường.
Đáng nói, đã có khá nhiều biển quảng cáo miễn phí được lắp dựng tại các khu dân cư, tổ dân phố… lại chẳng mấy "thu hút" được đám "quảng cáo tặc" nọ.
Trao đổi với phóng viên về tình trạng quảng cáo bẩn xuất hiện khắp nơi, đại diện Ban điều hành thực hiện công tác xóa quảng cáo rao vặt thành phố cho biết: lâu nay cơ quan chức năng đã áp dụng nhiều biện pháp nhưng vẫn không thể xử lý dứt điểm được. Theo đó, đã nhiều lần Ban điều hành phối hợp với các Sở, ngành, địa phương triển khai nhiều đợt ra quân tuyên truyền, tẩy xóa quảng cáo rao vặt trái quy định; thông báo rõ các chế tài xử phạt vi phạm; lồng ghép việc tuyên truyền, giáo dục hoạt động thông tin, quảng cáo vào các chương trình, kế hoạch phù hợp với đặc điểm của mỗi địa phương, đơn vị. Tuy nhiên, kết quả cũng rất hạn chế. Điều này cho thấy một bộ phận liên quan đến tình trạng quảng cáo dạng này đã “nhờn” với pháp luật nên bất chấp tất cả.
Ông Trần Kim Chung, Chánh thanh tra sở Văn hóa thông tin chia sẻ, để hạn chế tình trạng hết bóc rồi lại dán quảng cáo rao vặt nhếch nhác như hiện nay, bên cạnh sự vào cuộc của các cấp, ngành, đoàn thể, công tác kiểm tra, xử lý tận gốc các đối tượng quảng cáo rao vặt trái phép cần thực hiện nghiêm và thường xuyên hơn, công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng để hạn chế vi phạm.
Đối với những trường hợp có số điện thoại, địa chỉ trên tờ quảng cáo thì ngành chức năng và chính quyền địa phương nên có biện pháp chế tài như: cắt điện thoại tạm thời không được phép giao dịch; chủ cơ sở làm cam kết không tham gia quảng cáo trái phép… thì mới mong lập lại trật tự trên lĩnh vực này.
Cùng với đó, để đấu tranh ngăn chặn tình trạng dán quảng cáo, rao vặt trái quy định như hiện nay, thành phố nên lập website và mời các cá nhân, cơ sở, doanh nghiệp… có nhu cầu giới thiệu sản phẩm hoặc hình thức tương tự đến đăng ký thông tin và nộp thuế. Đặc biệt, cần có cơ chế khuyến khích người dân phát hiện, tố giác mạnh mẽ với các đối tượng quảng cáo, rao vặt trái quy định; xây dựng, nhân rộng các điển hình ngõ, phố không quảng cáo rao vặt trái phép, tạo sức lan tỏa trong cộng đồng dân cư.
Các phường, tổ dân phố cần đưa tiêu chí về đấu tranh tố giác, không để xảy ra quảng cáo, rao vặt trái phép là một trong các chỉ tiêu thi đua xây dựng đô thị xanh, sạch, đẹp, an toàn, văn minh.
Các ngành liên quan, chính quyền địa phương cần thống nhất giải pháp ngăn chặn quảng cáo nhếch nhác một cách hiệu quả hơn để diện mạo đô thị thành phố thực sự khang trang, sạch đẹp, văn minh.
Thái Bình
Điều 51 Nghị định 158/2013/NĐ-CP quy định xử phạt hành vi treo, dán, vẽ các sản phẩm quảng cáo trên trụ điện, cột tín hiệu giao thông, cây xanh nơi công cộng... bị phạt từ 1-2 triệu đồng. Nghị định 28/2017/NĐ-CP xác định rõ hơn các chủ thể bị xử lý. Đó là ngoài việc xử phạt người có hành vi như đã nêu thì cá nhân, đơn vị, cơ sở có sản phẩm, dịch vụ hàng hóa quảng cáo cũng sẽ bị phạt tiền từ 5-10 triệu đồng.
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão