16:23 21/03/2022 Vui mừng, phấn khởi, xúc động tự hào…, đó là những cảm xúc rất đặc biệt của đại biểu và khách mời tham dự cuộc giao lưu “Ký ức Trường Sa- Hướng về biển đảo thân yêu” do Hội Nhà báo Hải Phòng phối hợp với Ban Liên lạc Hội truyền thống Bộ đội Trường Sa (Lữ đoàn Công binh 83 Hải quân) tổ chức ngày 19-3-2022. Tình yêu, nỗi nhớ Trường Sa, niềm tự hào về biển đảo quê hương, về chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc đã gắn kết, sẻ chia, tạo nên sự đồng điệu về tâm hồn, để những trái tim cùng chung nhịp đập về Trường Sa thân yêu và để cùng nhau cất lên tiếng hát: “Biển này là của ta, Đảo này là của ta- Trường Sa. Chiến sĩ Trường Sa, hát tiếp bài ca, về những tấm gương anh bộ đội cụ Hồ, đem chí trai, giữ vững chủ quyền Tổ Quốc Việt Nam ta”.
Nâng niu, lưu giữ những kỷ niệm
Với những ai đã từng đến với Trường Sa thì đều ăm ắp những kỷ niệm và họ luôn nâng niu gìn giữ dù hàng chục năm đã trôi qua. Và mỗi khi có dịp thì những kỷ niệm, ký ức lại ùa về. Ai cũng muốn nói, muốn được kể lại những cảm xúc đặc biệt đó. Vì thế, mặc dù thời gian có hạn nhưng những nhà báo, nhà nhiếp ảnh, những người lính hải quân… đều rất say sưa với niềm cảm hứng dào dạt. Nghệ sỹ nhiếp ảnh Minh Nhật năm nay tuổi đã cao nhưng những ký ức về Trường Sa mà ông từng đến những năm 60 của thế kỷ trước vẫn hiện lên rõ mồn một, không quên một chi tiết nào. Ông cho biết, là phóng viên báo Hải quân Việt Nam, ông đã từng đi khắp các đảo và hào hứng kể về lai lịch, kỷ niệm của từng bức ảnh, những tác phẩm để đời mà với cách nhìn của nghệ sỹ nhiếp ảnh ông đã ghi lại được. Đó là những bức ảnh về lễ tưởng niệm các chiến sỹ hải quân hy sinh tại Gạc Ma; là hình ảnh người chiến sỹ trên đảo Song Tử Tây mạnh mẽ; là những người lính hải quân tuần tra giữ biển, nắm chắc khẩu súng trong tay vì chủ quyền của Tổ quốc. Đặc biệt là bức ảnh “Hồn thiêng Lạc Việt Trường Sa” do ông chớp được khoảnh khắc tuyệt vời, khó quên trên đảo Trường Sa lớn với 4 câu thơ: Trời đất chứng minh biển đảo đây- Khí thiêng sông núi kết thành mây- Tổ tiên linh hiển hồn dân Việt- Lồng lộng Trường Sa chim lạc bay”.
Nhà báo Hoàng Thiềng, nguyên Thường trực Hội Nhà báo Hải Phòng lại có niềm tự hào riêng khi là một trong những nhà báo đầu tiên của thành phố Cảng đến với Trường Sa từ năm 1996. Đặc biệt hơn nữa là được đi trên tàu HQ996, con tàu hiện đại đầu tiên được đóng tại Nhà máy đóng tàu Bạch Đằng (Hải Phòng). Ông vẫn còn nhớ rõ như in từng chi tiết, từng sự việc, từng người đã gắn bó, đã cùng ông đi khắp hải trình Trường Sa với lòng xúc động, tự hào. Với cảm xúc đặc biệt đó, ông đã viết nhiều truyện ngắn, nhiều bài báo và tham gia tích cực chương trình báo chí với Trường Sa.
Nhà báo Đào Ngọc Đảm, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Kiểm tra (Ủy ban Kiểm tra Trung ương) cho rằng, đến được Trường Sa không hề đơn giản và ai đã được đến Trường Sa vẫn luôn có được những cảm xúc trào dâng mãnh liệt, về mỗi tấc đất thiêng liêng đều có những người lính Hải quân ngày đêm trông giữ, để gìn giữ hòa bình cho Tổ quốc thân yêu. Vì thế, sau chuyến công tác Trường Sa, nhà báo Đào Ngọc Đảm không chỉ có nhiều bài báo mà còn có cả những tác phẩm thơ để nói lên những cảm xúc đặc biệt ấy.
Theo thống kê của Hội Nhà báo Hải Phòng, có tới hơn 30 nhà báo Hải Phòng đã tới với Trường Sa. Từ các nhà báo Hồng Thanh, Mai Lâm, Lê Dũng, Duy Lân, Hoàng Huế, Quang Thái, Hoàng Phước… của Báo Hải Phòng; Mạnh Tuấn, Tuấn Mạnh, Việt Cường, Minh Hảo… của Đài PTTH Hải Phòng; Khánh Chi của Báo An ninh Hải Phòng…, ai cũng nặng lòng với Trường Sa và đều muốn được đến với Trường Sa nhiều hơn nữa, muốn có nhiều tác phẩm lan tỏa tình yêu và hành động vì Trường Sa. Bởi vậy, có nhà báo đã có 2-3 lần đi Trường Sa và kỷ niệm, ký ức cứ mãi đong đầy.
Chuyện kể của những người trong cuộc
Hòa chung với niềm vui được hội ngộ của các nhà báo đã được tới Trường Sa, những cựu chiến sỹ hải quân đã từng tham gia xây dựng và bảo vệ quần đảo Trường Sa cũng bồi hồi xúc động không kém. Những ngày tháng trên các đảo không chỉ rèn luyện cho họ lòng quả cảm, tinh thần sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc mà còn cảm nhận được những khoảnh khắc, những nét đẹp bình thường, dung dị của đồng đội thân yêu. Ông Ngô Văn Tuân, cựu binh của Lữ đoàn Công binh 83 kể về “những đôi vai trần” của người lính công binh đã vượt qua mọi gian trân, hiểm nguy, giữa biển cả mênh mông đã dựng xây nên những công trình vĩ đại để che chắn, để bảo vệ đảo tiền tiêu. Ký ức về những đôi vai trần giữa nắng gió biển khơi đó đã theo ông đi suốt cuộc đời.
Nghệ sỹ ưu tú Hoàng Nguyên, đoàn văn công Hải quân xúc động: nói tới Trường Sa, không ai không bồi hồi. Ai cũng nhớ, cũng hướng về Trường Sa, cũng dành cho Trường Sa những tình cảm sâu đậm. Ông Hoàng Nguyên kể lại, ông đã từng đi biểu diễn tại Trường Sa nhiều lần, lần nào cũng có những kỷ niệm khó quên và dù gian khổ, dù hy sinh vẫn luôn cố gắng vượt qua. Những năm 80 của thế kỷ trước, Trường Sa còn vất vả, khó khăn lắm, thiếu thốn đủ bề. Bởi thế, những lời ca, tiếng hát là món ăn tinh thần vô giá của người lính hải quân. Cũng từ những chuyến đi ấy, ông đã chứng kiến những người lính công binh, dù chỉ một viên gạch thôi cũng phải trầm mình xuống biển, chỉn chu, gom góp để “kê cao thềm lục địa của Tổ quốc”. Nhớ lắm, thương lắm, yêu lắm và cũng tự hào lắm lắm. Và những bài hát do nghệ sỹ Hoàng Nguyên thể hiện: “Khúc quân ca Trường Sa”, “Nếu em đến thăm đảo tôi”… đã chạm tới trái tim của tất cả mọi người.
Nhà báo Nguyễn Anh Tú, Phó chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Hải Phòng cho biết, các nhà báo Hải Phòng đã có hàng nghìn bài viết, phóng sự truyền hình, ảnh, thơ, ca… về Trường Sa. Đó là nguồn tư liệu vô giá, góp phần thổi bùng tình yêu quê hương đất nước, thôi thúc cả nước hướng về Trường Sa, vì Trường Sa. Chính điều đó giúp Hội Nhà báo Hải Phòng có ý tưởng tổ chức cuộc giao lưu, gặp gỡ đầy ý nghĩa này, để các nhà báo, cựu binh cùng nhau ôn lại những ký ức không thể nào phai, đồng thời thể hiện lòng tri ân và quyết tâm đồng hành của hậu phương với những người lính đang ngày đêm chắc tay súng bảo vệ biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Và Trường Sa mãi trong tim của mỗi người dân đất Việt.
Hồng Thanh
16:11 21/11/2024
08:05 13/11/2024