9 nhóm hàng xuất khẩu trên “1 tỷ đô” trong quý I

19:39 02/05/2020

Trong quý I, cả nước vẫn không ngừng nỗ lực, bền bỉ trong hoạt động xuất khẩu dù bối cảnh kinh tế trong nước và thế giới chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của dịch bệnh Covid – 19. Qua đó giúp cho 9 nhóm ngành hàng lọt của Việt Nam lọt vào vào danh sách có giá trị xuất khẩu trên “tỷ đô”...

Thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan cho biết, trong tháng 3/2020, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của cả nước đạt 46,28 tỷ USD, tăng 17,4% so với tháng 2 năm 2020. Tính chung cả 3 tháng, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa cả nước đạt 122,73 tỷ USD, tăng 5,7% (tương ứng tăng 6,57 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó trị giá hàng hóa xuất khẩu đạt 63,23 tỷ USD, tăng 7,5% và nhập khẩu đạt 59,49 tỷ USD, tăng 3,7%. Cán cân thương mại hàng  hóa trong tháng 3/2020 thặng dư 1,98 tỷ USD, qua đó đưa mức thặng dư thương mại của cả nước trong quý I/2020 đạt 3,74 tỷ USD.

Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt giá trị khá trong 3 tháng đầu năm

Điều đáng mừng trước bối cảnh khó khăn của nền kinh tế trong nước và thế giới do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid – 19 thì vẫn có 9 nhóm ngành hàng của nước ta có giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD gồm: điện thoại và linh kiện 12,88 tỷ USD; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 9,08 tỷ USD; hàng dệt may đạt 7,03 tỷ USD; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác đạt 5,1 tỷ USD; giày dép các loại 4,15 tỷ USD; gỗ và sản phẩm gỗ 2,58 tỷ USD; phương tiện vận tải và phụ tùng 2,21 tỷ USD; hàng thủy sản 1,61 tỷ USD; sắt thép các loại 1,1 tỷ USD. Trong đó, các nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng so với cùng kỳ năm 2019 là điện thoại và linh kiện, máy vi tính, sản phẩm điện từ và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác; giày dép các loại; gỗ và sản phẩm từ gỗ; phụ tùng vật tư và phụ tùng...

Cụ thể, trong tháng 3/2020, xuất khẩu của mặt hàng điện thoại các loại và linh kiện đạt trị giá 5,32 tỷ USD, tăng 9,2% so với tháng trước; đưa trị giá xuất khẩu nhóm hàng này trong quý I/2020 đạt 12,88 tỷ USD, tăng 6,2% so với cùng kỳ năm 2019.

Trị giá xuất khẩu nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện trong tháng 3 đạt 3,69 tỷ USD, tăng 34,5% so với tháng trước, đưa trị giá xuất khẩu nhóm hàng này trong quý I/2020 đạt 9,08 tỷ USD, tăng 28,7% so với cùng kỳ năm 2019.

Xuất khẩu hàng dệt may trong tháng 3 đạt 2,34 tỷ USD, tăng 4,7% so với tháng trước. Qua đó, đưa trị giá xuất khẩu nhóm hàng này trong quý I/2020 đạt 7,03 tỷ USD, giảm 1,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong quý I, Hoa Kỳ vẫn là thị trường nhập khẩu hàng dệt may lớn nhất từ Việt Nam với trị giá đạt 3,3 tỷ USD, giảm nhẹ 0,4% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 47% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của cả nước; đứng thứ 2 là thị trường Nhật Bản với 914 triệu USD, tăng 2%; thị trường EU (28 nước) đứng thứ ba với 806 triệu USD, giảm 6,1%...

Xuất khẩu nhóm hàng máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác trong tháng 3/2020 đạt 1,96 tỷ USD, tăng 18,9% so với tháng trước. Tính đến hết tháng 3 trị giá xuất khẩu nhóm hàng này đạt gần 5,1 tỷ USD, tăng 28,2% so với cùng kỳ năm trước.

Xuất khẩu nhóm hàng nông sản (bao gồm hàng rau quả, hạt điều, hạt tiêu, chè, cà phê, gạo, sắn và sản phẩm sắn, cao su) trong tháng 3 đạt 1,62 tỷ USD, tăng 32,1% so với tháng trước; đưa trị giá xuất khẩu nhóm hàng này trong 3 tháng đầu năm đạt 3,98 tỷ USD, tăng 0,3% so với cùng kỳ năm trước.

Xuất khẩu giày dép các loại trong tháng 3/2020 đạt 1,39 tỷ USD, tăng 2,4% so với tháng trước, đưa trị giá xuất khẩu giày dép của cả nước trong quý I/2020 đạt 4,15 tỷ USD, tăng 5,7% so với cùng kỳ năm 2019. Hoa Kỳ và EU là 2 thị trường chính nhập khẩu nhóm hàng giày dép các loại của Việt Nam trong quý I/2020 với kim ngạch và tốc độ tăng lần lượt là 1,56 tỷ USD (tăng 10%) và 1,05 tỷ USD (giảm nhẹ 0,7%). Tính chung, trị giá nhóm hàng giày dép xuất khẩu sang 2 thị trường chính đạt 2,61 tỷ USD, chiếm 62,7% tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này của cả nước.

Theo đánh giá của Bộ Công thương, dịch Covid-19 bùng phát tại Trung Quốc từ cuối tháng 1/2020 đến nay đã và đang ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động thương mại của Việt Nam. Do vậy dự báo xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong ngắn hạn dự báo sẽ có nhiều khó khăn với những yếu tố bất lợi do diễn biến tình hình dịch bệnh vẫn tiếp tục lây lan mạnh trên thế giới, đặc biệt là những thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam.

Trong khi đó, việc Mỹ đưa Việt Nam ra khỏi danh sách các nước được hưởng quy chế quốc gia đang phát triển cũng sẽ ảnh hưởng nhất định đến xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường này trong thời gian tới. Tuy nhiên, bên cạnh những khó khăn, thách thức, chuyên gia kinh tế cũg nhận định, động lực mới cho tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam trong thời gian tới có thể đến từ Hiệp định EVFTA được ký kết và sớm có hiệu lực. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp trong nước cũng bắt đầu có những bước đi linh hoạt trong việc cố gắng xoay sở tìm kiếm nguồn nguyên vật liệu thay thế nhập từ các thị trường ngoài khu vực, điều chỉnh thị trường cũng như ngành hàng xuất khẩu. Đồng thời Chính phủ cũng khẩn trương tiến hành các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất kinh doanh để vượt qua giai đoạn khó khăn, tuỳ thuộc vào diễn biến của tình hình dịch bệnh.

Việc hoàn thiện hệ thống thể chế tích hợp với thực hiện Chính phủ điện tử và với nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp trong đổi mới sáng tạo, chuyển đổi mô hình kinh doanh, phát triển bền vững… chắc chắn sẽ khơi nguồn cho những động lực mới trong nền kinh tế. Đây chính là những biện pháp cấp bách trong tình hình khó khăn vì dịch bệnh để thúc đẩy nền kinh tế trong nước tiếp tục phát triển và duy trì được nhịp tăng trưởng.

Ngọc Oanh (tổng hợp)

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông

Liên kết hữu ích