Ai Cập còn nhiều rối ren

15:40 14/02/2011

Mặc dù Tổng thống Mubarak, nhân vật trung tâm của cuộc khủng hoảng tại Ai Cập, đã phải ra đi, nhưng giới quan sát cho rằng sự ổn định tại đất nước này vẫn còn xa vời. Người dân Ai Cập lo ngại về những gì sẽ xảy ra trong vòng bốn đến tám tháng tới, chứ không phải thời gian trước mắt.
Mặc dù Tổng thống Mubarak, nhân vật trung tâm của cuộc khủng hoảng tại Ai Cập, đã phải ra đi, nhưng giới quan sát cho rằng sự ổn định tại đất nước này vẫn còn xa vời. Người dân Ai Cập lo ngại về những gì sẽ xảy ra trong vòng bốn đến tám tháng tới, chứ không phải thời gian trước mắt.

Người dân Ai Cập chưa rõ ngã rẽ của đất nước
Người dân Ai Cập chưa rõ ngã rẽ của đất nước

Sự ra đi của ông Mubarak chưa thể chấm dứt ngay những vấn đề của Ai Cập, vốn là sản phẩm của hệ thống tham nhũng, trì trệ và áp bức của chính quyền mà vị lãnh đạo này để lại. Hơn nữa, cuộc khủng hoảng chính trị đang gây thiệt hại cho nền kinh tế Ai Cập khoảng 300 triệu USD mỗi ngày. Tình hình căng thẳng đến mức nhiều chuyên gia đã dự báo về sự sụp đổ của nền kinh tế cũng như nguy cơ quốc gia này bị lâm vào đói nghèo. Nếu chính phủ lâm thời và các lực lượng đối lập không dàn xếp được với nhau thì tình hình Ai Cập sẽ còn nguy hiểm hơn.

Ngày 12-2, Hội đồng tối cao các lực lượng vũ trang - chịu trách nhiệm quản lý các công việc của đất nước kể từ sau khi Tổng thống Hosni Mubarak từ chức - cam kết chuyển giao hòa bình quyền lực cho một chính phủ dân sự được bầu một cách dân chủ đồng thời bảo đảm rằng Ai Cập sẽ tôn trọng các hiệp ước khu vực và quốc tế mà nước này đã ký. Tuy nhiên, quân đội chưa công bố lộ trình và thời gian chuyển giao quyền lực cho chính phủ dân sự. Trước mắt, quân đội Ai Cập sẽ phải vật lộn với việc điều hành đất nước 85 triệu dân này qua lúc giao thời, trong bối cảnh xã hội Ai Cập đối mặt với những khó khăn rất lớn như nạn thất nghiệp, nền kinh tế đình trệ, hơn 40% người dân sống dưới mức 2 USD/ngày.

Hiện nay, Hội đồng quân sự tối cao Ai Cập đang thảo luận việc bãi nhiệm chính phủ của ông Mubarak, giải tán quốc hội và đặt ra thời hạn bầu cử. Nhiều người tin rằng Ai Cập sẽ có thể phải mất ít nhất sáu tháng tới một năm để người dân và quân đội đặt nền móng cần thiết cho các cuộc bầu cử tổng thống và quốc hội. Từ nay đến lúc tổ chức bầu cử, Ai Cập sẽ phải tiến hành những thay đổi hiến pháp sâu sắc, liên quan tới các thủ tục và đối tượng bầu cử. Đây là những điều hoàn toàn mới mẻ đối với đất nước này.

Một vấn đề đáng quan tâm khác là vai trò của tổ chức “Anh em Hồi giáo” trong chính phủ mới của Ai Cập. Phong trào đối lập lớn và có tổ chức nhất ở Ai Cập này có chủ trương tôn giáo và chính trị cũng như không muốn ký hiệp định hòa bình với Israel. Hiện lực lượng này tuyên bố sẽ không ứng cử tổng thống và chỉ mong đợi có đại diện trong quốc hội. Nếu tổ chức “Anh em Hồi giáo” chi phối chính phủ thì chắc chắn tiến trình hòa bình Trung Đông sẽ có nguy cơ bị đổ vỡ.

Như vậy, có thể thấy việc từ chức của ông Mubarak, chắc chắn chính trị và xã hội Ai Cập sẽ có những thay đổi căn bản. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng ở Ai Cập hiện nay vẫn chưa đến hồi kết. Người dân đang chờ đợi các động thái của quân đội, hướng đi tiếp theo của quân đội như thế nào sẽ quyết định tình hình Ai Cập sắp tới. Hiện chưa thể biết chuyện gì sẽ diễn ra tiếp theo tại quốc gia đông dân nhất thế giới Arập này.


VIỆT ANH (theo TTX)


Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông