17:34 11/11/2019 Ngày 10/11 (theo giờ địa phương), cảnh sát và quân đội Bolivia đã phát lệnh bắt Tổng thống nước này Evo Morales, vài tiếng sau khi ông tuyên bố từ chức.
Phát biểu với truyền thông Bolivia, Luis Fernando Camacho, một lãnh đạo cấp cao của phe đối lập, xác nhận cảnh sát và quân đội đã phát lệnh bắt Tổng thống Evo Morales, đồng thời một chiến dịch tìm kiếm đang được tiến hành tại tỉnh Chapare, nơi được cho là ông Morales đang có mặt. Trước đó, có tin cảnh sát đã phong tỏa và tịch thu chiếc máy bay cá nhân của Tổng thống Morales tại Sân bay El Alto ở thủ đô La Paz. Chiếc máy bay này dường như có kế hoạch bay tới Argentina.
Trên trang mạng cá nhân, Tổng thống Morales lên án lệnh bắt giữ nói trên là hoàn toàn “bất hợp pháp”. Ông cho biết tư dinh của mình đã bị những kẻ quá khích tấn công bạo lực. Tổng thống Morales khẳng định đây là hành động chống lại nền dân chủ và là một cuộc đảo chính. Cùng ngày, cảnh sát Bolivia đã bắt giữ Chủ tịch và Phó Chủ tịch Ủy ban Bầu cử Quốc gia.
Ngày 10/11, Tổng thống cánh tả của Bolivia Evo Morales, Phó Tổng thống và một loạt quan chức cấp cao của quốc gia Nam Mỹ này đã tuyên bố từ chức, trong bối cảnh căng thẳng leo thang bởi làn song biểu tình phản đối cuộc bầu cử mới đây. Chủ tịch Thượng viện Bolivia Adriana Salvatierra cũng đã đệ đơn từ chức, vài tiếng sau quyết định của nhà lãnh đạo Morales. Theo Hiến pháp Bolivia, Chủ tịch Thượng viện là người quyền lực nhất tại nước này trong trường hợp cả Tổng thống và Phó Tổng thống đều từ chức.
Động thái trên diễn ra bất chấp việc trước đó Tổng thống Morales đã chấp nhận tổ chức lại cuộc tổng tuyển cử nhằm tìm kiếm hòa bình-ổn định cho đất nước và theo đề xuất sau kết quả thanh tra kết quả bầu cử của Tổ chức các nước châu Mỹ (OAS).
Trước đó vỏn vẹn 20 ngày, khi người dân Bolivia đi bầu cử ngày 20/10, Tổng thống Evo Morales có lẽ không nghĩ rằng ông sẽ phải vội vàng từ chức và trốn chạy khi vừa thắng đậm sau cuộc cuộc bầu cử với số phiếu áp đảo. Tuy nhiên, phe phái đối lập nhất quyết không chấp nhận thất bại và nghi ngờ có sự gian lận.
Tối 21/10 (theo giờ địa phương), bạo lực đã nổ ra tại nhiều thành phố của Bolivia, sau khi ứng cử viên của phe đối lập chính Carlos Mesa bác bỏ kết quả bầu cử. Những người ủng hộ hai phe đã đụng độ tại thủ đô La Paz và thành phố Sucre, miền Nam Bolivia. Những người quá khích thậm chí còn phóng hỏa trụ sở cơ quan bầu cử tại Scure và Tarija.
Ngày 22/10, các nhóm đối lập kêu gọi đình công toàn quốc từ nửa đêm "cho đến khi nền dân chủ và nguyện vọng của người dân được tôn trọng". Phó chủ tịch của Toà án Bầu cử Tối cao Bolivia (cơ quan giám sát cuộc bầu cử) từ chức và chỉ trích điều ông gọi "quản lý sai việc kiểm phiếu". Người biểu tình và lực lượng an ninh tiếp tục đụng độ ở La Paz.
Tổng thống Morales tuyên bố từ chức sau gần 14 năm nắm quyền. Ông tại vị từ năm 2006 trong sự trỗi dậy của "thủy triều hồng" - xu hướng một loạt tổng thống cánh tả đắc cử hoặc củng cố quyền lực tại Mỹ Latin. Tuy nhiên, hầu hết lãnh đạo này giờ đây đã rời ghế hoặc đối mặt với áp lực kinh tế và chính trị lớn, tiêu biểu là Tổng thống Venezuela N.Maduro.
Với sự ra đi của Morales, phe cánh tả ở Mỹ Latin mất đi một người ủng hộ đầy nhiệt thành. Morales là một vị tổng thống cánh tả minh bạch với các chính sách chống đói nghèo và mù chữ ở nước này. Dưới sự lãnh đạo của ông, tỷ lệ “cực nghèo” đã giảm đáng kể, chi tiêu xã hội tăng trên 45% và lương tối thiểu được tăng gần gấp đôi: 87,7%. Các thành tựu kinh tế của ông Morales đã được Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ca ngợi.
Trong bài phát biểu chia tay, Morales khẳng định không bỏ cuộc. "Tôi muốn nói với các anh chị em, những người khiêm nhường, nghèo khổ, các thành phần xã hội, những người yêu nước, chúng ta sẽ tiếp tục cuộc chiến vì bình đẳng " - ông nhấn mạnh.
Trần Hoàng tổng hợp