16:09 23/09/2019 Thế kỷ 21 được xem là thế kỷ của khu vực Châu Á – Thái Bình Dương với những điều chỉnh lớn trong chính sách đối ngoại của nhiều cường quốc trên thế giới, trong đó có Mỹ. Tại khu vực này nổi lên Đông Nam Á là nơi đan xen lợi ích chiến lược của nhiều cường quốc, đặc biệt với Mỹ, nổi bật là chính sách chống khủng bố và an ninh, quan hệ thương mại và thực thi quyền lực mềm của Hoa Kỳ...
Đông Nam Á là khu vực vô cùng quan trọng đối với Trung Quốc, với khoảng 80% tổng nguồn cung cấp năng lượng của Trung Quốc đi qua eo biển Malacca (nằm giữa Malaysia và đảo Sumatra của Indonesia, nối Biển Đông và Ấn Độ Dương.). Chính vì vậy, Sáng kiến "Vành đai và Con đường" (BRI) chủ yếu là một giải pháp khống chế và kiểm soát con đường huyết mạch trên biển.
Eo biển Malacca có vị trí chiến lược về kinh tế, chính trị, quân sự. Do vậy, việc kiểm soát, tìm kiếm sự ảnh hưởng, duy trì an ninh eo biển này luôn là mối quan tâm hàng đầu của 3 quốc gia Malaysia, Singapore, Indonesia – các quốc gia sở hữu và là những nước chủ yếu bảo vệ an ninh eo biển, cũng như lôi kéo mối quan tâm của các cường quốc biển như Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ.
Tại đây, sẽ có nhiều cảng được xây dựng trong khuôn khổ BRI, đem lại khả năng tiếp cận trực tiếp tuyến đường này. Mặc dù tất cả các cảng đều được lên kế hoạch phục vụ mục đích thương mại chứ không phải quân sự, nhưng những tác động chiến lược của việc Trung Quốc tài trợ cho các cảng ở tất cả các địa điểm bị tranh chấp này đủ để khiến một số người lo ngại rằng sự hiện diện của Trung Quốc trong khu vực sẽ phát triển vượt ra ngoài nhiệm vụ thương mại.
Những năm qua, chính phủ Mỹ đã đưa ra một tầm nhìn cho khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, theo đó, lần đầu tiên được Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố tại Hội nghị thượng đỉnh Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) vào tháng 11/2017.
Tầm nhìn này đã thấy được tầm quan trọng của Đông Nam Á trong việc thực hiện Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở (FOIP) - một chiến lược được cho là một nỗ lực bảo vệ tự do và trật tự dựa trên luật lệ trong một khu vực mà Australia, Ấn Độ và Nhật Bản dự kiến sẽ có vai trò dẫn đầu cùng với Mỹ.
Về phía các quốc gia Đông Nam Á, một ASEAN thống nhất sẽ không cho phép Trung Quốc tạo ảnh hưởng lên toàn bộ khu vực mà không có sự kiểm soát. Với vị thế của một khối các quốc gia vừa và nhỏ, một ASEAN thống nhất cũng sẽ giúp cân bằng sức mạnh kinh tế không chỉ của Trung Quốc mà cả các cường quốc khác.
Các quốc gia ASEAN vốn có nhiều điểm chung, thể hiện qua Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương mới được công bố, ghi nhận quan điểm chung của cả khối về “tính bao trùm, sự cởi mở, một khu vực được vận hành dựa trên luật pháp, quản trị tốt, và tôn trọng luật pháp quốc tế.”
Cùng sự trỗi dậy của ASEAN sẽ giúp mang lại sự cân xứng và cân bằng hơn trong giai đoạn chuyển đổi quan trọng này ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, Mỹ và các đồng minh cần thể hiện sự quan tâm thực sự ở Đông Nam Á.
Qua đó, cần có thêm nhiều cuộc họp cấp chính phủ giữa Mỹ, Nhật Bản và Australia và các thành viên ASEAN, cùng với các hội nghị thượng đỉnh thường xuyên giữa các nhà lãnh đạo dân sự và quân sự cấp cao để khẳng định tầm quan trọng của quan hệ đối tác giữa các bên, đặc biệt nhanh chóng hỗ trợ các quốc gia Đông Nam Á trong lĩnh vực phát triển cơ sở hạ tầng, bao gồm đường giao thông, cảng và viễn thông.
Đây là những nhu cầu cấp thiết của khu vực và tất cả các quốc gia Đông Nam Á đang tìm kiếm sự giúp đỡ của quốc tế, trong bối cảnh còn nhiều hoài nghi về tài trợ BRI và những hứa hẹn của Trung Quốc.
Trần Hoàng tổng hợp