Ngày 7-4, những người biểu tình chống chính phủ, do Mặt trận thống nhất dân chủ chống độc tài (UDD) cầm đầu, còn gọi là phe "áo đỏ," đã xông vàokhuôn viên trụ sở Quốc hội Thái Lan sau khi dùng xe tải phá cổng.
| Áo đỏ phá cổng quốc hội Thái Lan |
Từ 11hg sáng 7-4, khoảng 1.000 người áo đỏ đã vây chặt tòa nhà Quốc hội Thái Lan, đòi Phó thủ tướng Suthep Thaugsuban giải thích tin lực lượng an ninh sẽ sử dụng bom cháy chống lại đám đông biểu tình. Phiên họp Quốc hội đã bị đình hoãn lại. Bất chấp sự hiện diện của hàng trăm cảnh sát, đám đông áo đỏ liên tục đổ dồn về phía cổng tòa nhà Quốc hội. Đến khoảng 12h40, đám đông phá hàng rào an ninh và tràn vào tòa nhà để tìm ông Suthep.
Được biết có khoảng 200 nghị sĩ quốc hội và thành viên nội các Thái Lan, trong đó có Phó Thủ tướng Suthep và Bộ trưởng Văn phòng chính phủ Sathit Wongnongtoey, ở bên trong tòa nhà quốc hội khi bị đám đông áo đỏ xông vào. Lực lượng an ninh đã chuẩn bị sẵn những chiếc thang để cho các đại biểu quốc hội có thể trốn thoát ra ngoài.Máy bay trực thăng cũng được điều đến để “bốc” những quan chức cấp cao. Ít nhất 5 binh sĩ được trang bị súng máy M16 đã hạ xuống điểm đỗ cho trực thăng trên tòa nhà và đưa các vị bộ trưởng cùng nghị sĩ đi sơ tán.
Đài truyền hìnhINNcủa Thái tường thuật từ hiện trường cho biết ông Suthep là một trong số những người được trực thăng đưa đi. Một số chính trị gia khác phải nhảy qua tường để chạy trốn đám đông biểu tình.Sau đó, đám đông biểu tình đã rút ra các khu vực xung quanh khuôn viên theo yêu cầu của các lãnh đạo UDD. Hành động xông vào trụ sở quốc hội là động thái mới nhất trong cuộc biểu tình nhiều tuần qua của phe "áo đỏ" nhằm buộc Thủ tướng Abhisit giải tán quốc hội và tổ chức bầu cử sớm. Trước đó, ngày 6-4 đã xảy ra một vụ đụng độ giữa phe "áo đỏ" với lực lượng chống bạo động khi người biểu tình ném chai nước và trứng vào cảnh sát.
Trước những diễn biến mới, Thủ tướng Abhisit ngày 7-4 đã quyết định hủy chuyến công du tới Mỹ để dự Hội nghị cấp cao về an ninh hạt nhân. Trước đó, ông đã không loại trừ khả năng hủy chuyến đi này (dự kiến vào ngày 10/4) nếu tình hình chính trị trong nước không được cải thiện. Chính phủ Thái Lan cho biết sẽ bắt giữ các lãnh đạo biểu tình trong trường hợp cần thiết nhằm chấm dứt cuộc biểu tình, song tái khẳng định mong muốn một giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột này để tránh lặp lại các vụ đụng độ với người "áo đỏ" hồi tháng 4-2009 làm hai người thiệt mạng.
Tờ Bưu điện Bangkok cho biếtquân đội Thái Lan đã thẳng thừng từ chối đề nghị dẹp đám đông biểu tình của Thủ tướng Abhisit. Một nguồn tin từ chính quyền tiết lộ ông Abhisit đã đề nghị Tư lệnh quân đội Anupong Paojinda “sử dụng mọi biện pháp có thể” để đẩy đuổi đám đông biểu tình. Tuy nhiên, ông Anupong đã từ chối và nói: “Chúng ta không thể sử dụng vũ lực bởi sẽ dẫn đến đổ máu, họ đều là người Thái. Áo đỏ làm tê liệt Ratchaprasong nhưng không gây hư hại gì, và cũng không có hành vi bạo lực, do đó không có lý do gì để giải tán họ”.
Trước tình hình căng thẳng, Nội các Thái Lan đã quyết định kéo dài Luật an ninh nội địa (ISA) thêm hai tuần. Người phát ngôn Chính phủ Thái Lan, ông Supachai Jaisamut cũng cho biết chính quyền đã sẵn sàng ban bố tình trạng khẩn cấp nếu tình hình tiếp tục xấu đi. Hơn 1.000 nhân viên an ninh cùng hàng chục xe cảnh sát đã được huy động tới trụ sở Quốc hội để đảm bảo an ninh trật tự từ chiều qua.
VIỆT ANH (tổng hợp) |