Tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên tiếp tục dâng cao với hàngloạt hành động triển khai quân sự của cả Hàn Quốc và CHDCND Triều Tiên.Trước đó, Seoul cáo buộc Bình Nhưỡng là thủ phạm đánh chìm tàu chiếnCheonan của hải quân Hàn Quốc.
| Hàn Quốc chĩa loa tuyên truyền về phía Triều Tiên |
Sáng qua 26-5, hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) dẫn lời một chuyên gia bình luận quân sự của nước này cáo buộc rằng cuộc điều tra của Hàn Quốc "mang tính đơn phương và không khách quan".Chuyên gia này khẳng định kết quả điều tra không dựa vào cơ sở khoa học mà chỉ nhằm phục vụ cho mục đích của Hàn Quốc. Theo ông, các điều tra viên đã "võ đoán và thiên vị" khi chỉ nhìn vào một đoạn đuôi dài 1,5m của một quả ngư lôi, trên đó có ghi số một theo kiểu chữ của miền Bắc, mà kết luận rằng Triều Tiên bắn ngư lôi vào tàu Cheonan.
KCNA cũng đưa tin cho hay Bình Nhưỡng đã quyết định cắt đứt mọi quan hệ với Hàn Quốc, trong đó có cả các đường truyền thông - thông tin.Phía Triều Tiên cho biết sẽ trục xuất tất cả các nhân viên Hàn Quốc hiện đang làm việc tại khu công nghiệp chung Kaesong, đồng thời cấm tàu thuyền và máy bay của Hàn Quốc đi quahải phậnvà không phận nước này. Bình Nhưỡng còn yêu cầu Seoul dỡ bỏ các loa phóng thanh và khẩu hiệu mà nước này lắp đặt ở dọc đường ranh giới quân sự giữa hai miền. Trước đó, quân đội Triều Tiên tuyên bố sẽ nổ súng phá hủy nếu Hàn Quốc lắp loa phóng thanh ở biên giới để tuyên truyền chống miền Bắc. Tuy nhiên, Hàn Quốc vẫn bắt đầu quá trình lắp đặt hệ thống này.
Trong một diễn biến liên quan, Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak đã lên tiếng ủng hộ việc nước này lần đầu tiên trong vòng 6 năm qua sử dụng lại cụm từ "kẻ thù chính" để mô tả Triều Tiên. Hiện có tin nói rằng Chính phủ Hàn Quốc sẽ xúc tiến việc sử dụng lại khái niệm gây tranh cãi "kẻ thù chính" trong Sách Trắng Quốc phòng được công bố hai năm một lần của nước này. Khái niệm "kẻ thù chính", được sử dụng chính thức lần đầu tiên năm 1995, bị xóa bỏ năm 2004 dưới thời cố Tổng thống Roh Moo-hyun và được thay thế bằng cụm từ mang sắc thái nhẹ nhàng hơn là "mối đe dọa quân sự trực tiếp" trong bối cảnh tâm lý hòa giải không ngừng gia tăng giữa hai miền Triều Tiên.
Trong khi đó, hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc dẫn lời giới chức hải quân nước này cho biết, cuộc tập trận chống tàu ngầm sẽ bắt đầu từ hôm nay (27-5) trên vùng biển thuộc tỉnh Taean, cách thủ đô Seoul 150km về phía Đông Nam. Tham gia tập trận có 10 tàu chiến, trong đó có một tàu khu trục loại 3.500 tấn và ba tàu tuần tra. Ngoài ra, nhiều bom chống tàu ngầm và súng hải quân sẽ được sử dụng. Được biết, trong sáng qua, quân đội Hàn Quốc phát hiện bốn tàu ngầm 300 tấn của CHDCND Triều Tiên "biến mất" khỏi căn cứ ở bờ biển phía đông sau khi tham gia cuộc tập trận của hải quân Bình Nhưỡngđầu tuần. Hải quân Hàn Quốc cho biết Seoul đã báo động sau khi không dò tìm được dấu vết của bốn tàu ngầm này.
Theo kế hoạch, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton tới Hàn Quốc trong ngày 26-5 để thảo luận về vụ tàu Cheonan. Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo cũng sẽ có chuyến thăm tương tự trong ngày 28-5. Mỹ, Nhật Bản, Anh và Australia đều kịch liệt lên án Triều Tiên trong vụ đắm tàu chiến Cheonan, gọi đây là "một trong những sự khiêu khích tồi tệ nhất kể từ sau khi kết thúc cuộc chiến tranh liên Triều 1950-1953". Nga thì thời kêu gọi các bên liên quan kiềm chế để ngăn chặn làm leo thang cuộc khủng hoảng giữa hai miền Triều Tiên. Tuy nhiên, tuyên bố không nói rõ liệu Mátxcơva có đồng ý với tuyên bố của Seoul rằng vụ chìm tàu Cheonan là do ngư lôi của Triều Tiên gây ra hay không.
VIỆT ANH (tổng hợp) |