07:46 15/09/2017 Chị Nguyễn Thị Phương, ở 274 đường Ngô Quyền, hỏi: Xin hỏi, tôi đang có một khoản tiền tiết kiệm đồng thời cũng có một khoản nợ tại Ngân hàng, vậy khi Ngân hàng đó bị đổ vỡ thì BHTGVN xử lý như thế nào?
Trả lời: Theo khoản 3, Điều 25, Luật BHTG 2012: Trường hợp người được BHTG có khoản nợ tại tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi thì số tiền gửi được bảo hiểm là số tiền còn lại sau khi trừ khoản nợ đó.
Vậy trong trường hợp của bạn, BHTG Việt Nam sẽ thực hiện đối trừ số tiền gửi và số tiền vay (cả gốc và lãi) tại thời điểm chi trả, sau đó thực hiện chi trả theo quy định.
- Trường hợp bạn có khoản nợ tại tổ chức tham gia BHTG nhỏ hơn số tiền gửi, thì số tiền chi trả là số tiền còn lại sau khi đối trừ khoản nợ đó nhưng không vượt quá hạn mức trả tiền bảo hiểm.
+ Trường hợp số tiền còn lại sau khi đối trừ khoản nợ đó vượt quá hạn mức trả tiền bảo hiểm thì theo Điều 27 Luật BHTG 2012 về xử lý số tiền gửi vượt hạn mức trả tiền bảo hiểm được quy định như sau: Số tiền gửi của người được BHTG bao gồm tiền gốc và tiền lãi vượt quá hạn mức trả tiền bảo hiểm sẽ được giải quyết trong quá trình xử lý tài sản của tổ chức tham gia BHTG theo quy định của pháp luật.
- Trường hợp bạn có khoản nợ tại tổ chức tham gia BHTG lớn hơn số tiền gửi, thì sau khi đối trừ, BHTG Việt Nam không còn nghĩa vụ chi trả đối với bạn nữa.
10:01 05/11/2024
17:59 04/11/2024