16:43 08/03/2019 Người tiêu dùng (NTD) là bộ phận rất quan trọng trong nền kinh tế, có quyết định mang tính toàn diện tới việc sản xuất, cung cấp dịch vụ hàng hóa. Bởi vậy, từ lâu trên thế giới đã hình thành các hoạt động liên quan đến lợi ích của NTD. Tại Việt Nam, hoạt động hưởng ứng đã diễn ra nhiều năm qua, nhưng đến năm 2015, ngày 15-3 hàng năm mới chính thức được xác định là ngày “quyền của người tiêu dùng Việt Nam”…
Khu vực chợ truyền thống tiềm ẩn nhiều nguy cơ vè vệ sinh thực phẩm
Tác động của các quyết định kinh tế
Cách đây hơn 50 năm, trong một phiên họp liên quan đến quyền lợi NTD, Liên hợp quốc đã định nghĩa: “Đây là nhóm người đông đảo nhất thế giới, có tác động và chịu tác động của hầu hết các quyết định kinh tế, tuy nhiên họ cần được bảo vệ quyền lợi vì quan điểm của họ thường không được lắng nghe…”. Đại hội đồng Liên hợp quốc cũng ban hành hướng dẫn, phê chuẩn các quyền của NTD, trong đó nêu rõ: quyền được an toàn; quyền được thông tin; quyền được lựa chọn; quyền được lắng nghe; quyền được thỏa mãn những nhu cầu cơ bản; quyền được bồi thường; quyền được giáo dục và có một môi trường lành mạnh, bền vững…
Trên quan điểm đó, ngày 1-4-1960 một tổ chức mang tên NTD quốc tế chính thức được thành lập, lấy ngày 15-3 hàng năm là Ngày “quyền người tiêu dùng Thế giới, tổ chức này hiện có trên 220 thành viên đến từ 115 quốc gia. Tại Việt Nam, sau nhiều năm các hoạt động vì quyền NTD được hưởng ứng nhân dịp ngày 15-3, ngày 17-11-2010, Quốc hội đã thông qua Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Tiếp đó đến ngày 10-7-2015, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ký ban hành Quyết định số 1035/QĐ-TTg, lấy ngày 15-3 hàng năm là ngày “quyền của người tiêu dùng Việt Nam”. Theo đó, nhằm khẳng định vai trò, vị trí, tầm quan trọng của công tác bảo vệ quyền lợi NTD; tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật và các chính sách về bảo vệ quyền lợi NTD; tạo cơ sở để huy động, tập trung sự quan tâm, hưởng ứng, tham gia của toàn xã hội đối với công tác bảo vệ quyền lợi NTD, góp phần xây dựng một môi trường tiêu dùng lành mạnh cho cả NTD và các tổ chức, cá nhân kinh doanh...
Là một thị trường lớn với gần 100 triệu dân, có nền kinh tế đang trỗi mình mạnh mẽ, gần đây Việt Nam có những bước đột phá trên tiến trình hội nhập, trở thành đối tác thương mại cả song phương và đa phương với các thị trường lớn nhất thế giới. Tuy nhiên những khái niệm và hành động xứng đáng dành cho quyền của NTD vẫn còn khá khiêm tốn. Thực tế những vấn đề liên quan vẫn bị xem nhẹ, có thể gặp phổ biến các sản phẩm bị làm giả, làm nhái, phi tiêu chuẩn, không rõ nguồn gốc hoặc kém chất lượng. Mặc dù đó cũng là sự vận động tất yếu phụ thuộc vào nền văn minh của mỗi khu vực, nhưng hậu quả của nó là gây tổn hại cho NTD là không thể phủ nhận. Những năm qua, Nhà nước với các cơ quan chuyên trách đã có không ít giải pháp, kiểm tra, kiểm soát và giám sát thị trường, nhưng tình hình chưa thực sự được cải thiện.
Mỳ chính giả bị lực lượng chức năng Hải Phòng thu giữ và tiêu hủy
Cần hơn các biện pháp tích cực
Tại Hải Phòng, từ năm 1999 Hội đo lường và bảo vệ quyền lợi NTD được thành lập, trước khá lâu so với thời điểm ra đời của Luật bảo vệ NTD. Điều này rất có ý nghĩa đối với thành phố cửa ngõ quốc tế quan trọng, là nơi xuất nguồn và cũng là thị trường lớn, tiềm ẩn nhiều nguy cơ xâm hại đến quyền lợi NTD.
Hiện nay, dễ nhận thấy nhất chính là khu vực thị trường truyền thống, đây là khu vực với các giao dịch kiểu cũ, mua bán trên cơ sở thỏa thuận miệng cả giá lẫn chất lượng hàng hóa, không những là cản trở lớn cho công tác kiểm tra kiểm soát và các hoạt động quản lý nhà nước, mà còn rất khó trong việc bảo vệ quyền và các lợi ích thiết thực cho NTD. Vì các giao dịch không những thiếu căn cứ xác định nguồn gốc, xác định chất lượng mà thiếu luôn cả sự ràng buộc trách nhiệm về thời gian, địa điểm trao đổi. Nên khi xảy ra các tranh chấp, không những vụ việc khó giải quyết, mà còn dễ gây ra bất ổn về an ninh trật tự.
Thời gian gần đây, các mô hình trung tâm thương mại xuất hiện ngày càng nhiều, đã tạo ra một sự thuận lợi đáng kể. Mô hình này về lý thuyết, giúp NTD xác định rõ chất lượng, nguồn gốc, bảo đảm quyền tiêu dùng bằng các hoạt động bảo trì, bảo hành sau giao dịch. Mặt khác nó cũng chính là kênh tuyên truyền hiệu quả giúp NTD nâng cao trình độ, bằng những phương pháp so sánh đánh giá về hàng hóa. Mặc dù vậy, do sự phát triển khá nhanh chóng của các mô hình thương mại mới, chưa kể sự gia tăng của các mô hình lập lờ khác, vấn đề quản lý đã xuất hiện những bất cập, cần sự đánh giá nhiều chiều. Trong một bài giới thiệu về Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng NTD, cũng đã nhận định: “Thực tiễn cho thấy, khi nền kinh tế thị trường càng phát triển, mức độ tự do hóa thương mại càng gia tăng thì càng nảy sinh nhiều vấn đề không chỉ gây ảnh hưởng đến quyền lợi NTD mà còn gây bất ổn cho cả nền kinh tế và xã hội nói chung…”.
Trong khi đó, việc lưu thông hàng hóa trên khu vực thị trường liên vùng vẫn còn nhiều sự bất ổn, rất dễ dẫn đến những nguy cơ cho quyền lợi NTD, mà vụ việc thuốc chữa ung thư Vinaca giả bị phát hiện cách đây một năm ở Hải Phòng chỉ là ví dụ điển hình. Đặc biệt là những ngày gần đây, cả nước đang gồng mình chống lại sự lây lan của dịch tả lợn châu Phi, trong đó Hải Phòng cũng nằm trong số các địa phương trọng điểm, thì vấn đề quyền của NTD càng trở lên cấp bách. Theo một số liệu thống kê, trên địa bàn Hải Phòng hiện có khoảng 23.500 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, trong đó số nhiều là mô hình nhỏ lẻ, quy mô hộ gia đình hoặc kinh doanh thức ăn đường phố. Cho thấy nguy cơ tiềm ẩn là điều không thể phủ nhận, và cũng không thể chủ quan.
Trong bối cảnh xã hội đang hướng tới một thị trường sạch, việc bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng của NTD bị xâm hại, quá trình tham gia các giao dịch thương mại cần phải được xem như một động thái tất yếu. Nhưng tìm hiểu sơ bộ từ một bộ phận NTD trên địa bàn, kết quả cho thấy hầu như rất ít người nắm được, thậm chí có người chưa từng nghe tới các khái niệm “ Ngày quyền của người tiêu dùng thế giới 15-3”, hay “Luật bảo vệ NTD”… Bởi vậy, bên cạnh việc thực hiện bảo vệ quyền của NTD, việc tuyên truyền để NTD nắm rõ các quyền, tự bảo vệ mình cũng là điều hết sức thiết thực.
Đáng mừng là, từ tháng 5-2018 Báo An Ninh Hải Phòng đã ra mắt chuyên mục “Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng”, cho thấy những nội dung liên quan đến quyền của NTD đã ngày càng được chú trọng.
Hoàng Minh
18:01 14/11/2024
10:46 07/07/2024
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão