Từ ba tuần nay, bang California của Mỹ, với hơn 38 triệu dân, đứng thứ 8 thế giới về sức mạnh kinh tế, đã không còn có khả năng thanh toán các hóa đơn phải trả. Thay vào đó, chính quyền bang đã đưa ra giấy ghi nợ, nhưng một số ngân hàng không chấp nhận các giấy này.
| Thống đốc bang California Arnold Schwarzengger |
Cuộc khủng hoảng tài chính đã “giày xéo” California từ nửa cuối năm 2008. Các khoản thu nhập của bang đã sụt giảm 27% so với năm ngoái do bị tác động mạnh từ cuộc khủng hoảng. Và đến ngày 15-6 vừa qua, chính quyền bang lâm vào cảnh thiếu tiền mặt để chi tiêu. Được biết, khoản thâm hụt của California đã chiếm gần một nửa trong khoản thâm hụt 24 tỷ USD của 31 bang ở Mỹ.
Thống đốc Arnold Schwarzenegger cho biết bang của ông đang đi tới bờ vực phá sản. Ông đã áp dụng một loạt các biện pháp thắt lưng buộc bụng, như tăng các loại thuế và phí, giảm các chi phí công. Các công chức sẽ nghỉ thất nghiệp kỹ thuật một ngày trong tuần, một bộ phận lớn các cơ quan hành chính sẽ đóng cửa thêm, từ ba đến bốn ngày mỗi tháng.
Ngoài ra, khoảng 5 tỉ USD dành cho chi phí của ngành giáo dục sẽ bị cắt giảm, niên học sẽ giảm bảy ngày/năm, cắt giảm bảo hiểm y tế cho 1 triệu trẻ em, trong khi 38.000 tù nhân không phạm tội bạo lực hình sự có thể sẽ được trả tự do... Chính quyền bang cũng đóng cửa các công viên quốc gia, và thậm chí hợp pháp hóa cả marijuana, cho đến nay vẫn được coi là chất ma túy, để có thể đánh thuế mặt hàng này.
Các chuyên gia về chính sách thuế đã tính rằng các biện pháp nói trên sẽ mang lại hơn 1,5 tỷ USD hàng năm, không kể các khoản tiết kiệm bổ sung của ngành cảnh sát và tư pháp. Tuy nhiên con số ít ỏi này chẳng thấm tháp vào đâu so với tình hình khốn khổ của California hiện nay.
Nhiều người đã chỉ trích công tác lãnh đạo của Thống đốc Arnold Schwarzengger , 61 tuổi, từng là siêu sao điện ảnh. Theo họ, từ khi ông Arnold lên nắm quyền vào năm 2003, số tiền chi tiêu của bang California đã gia tăng 40%.
ĐỨC DUY (theo RFI, AFP) |