Bảo hiểm xã hội tự nguyện - Chỗ dựa cho tuổi già

09:35 16/10/2018

Bảo hiểm xã hội tự nguyện là một trong những chính sách nhân văn của Đảng và Nhà nước ta được triển khai thực hiện từ ngày 1-1-2008 theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2006. Tuy nhiên đến nay, vẫn còn nhiều người dân chưa biết hoặc hiểu không rõ về chính sách này. Để cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ cho độc giả, Phóng viên Báo An ninh Hải Phòng có cuộc phỏng vấn Phó giám đốc BHXH quận Hồng Bàng Phạm Thị Ngọc Minh về những quy định mới nhất của chính sách này.

Phóng viên: Thưa bà Phạm Thị Ngọc Minh, những đối tượng nào thì được tham gia BHXH theo hình thức tự nguyện?

Bà Phạm Thị Ngọc Minh: Người tham gia BHXH tự nguyện quy định tại Điều 2 Luật BHXH và các văn bản hướng dẫn thi hành là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên và không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, gồm:

- Người lao động làm việc theo HĐLĐ có thời hạn dưới 01 tháng (từ ngày 1-1-2018 trở đi);

- Người tham gia các hoạt động sản xuất, kinh doanh không hưởng tiền lương, tiền công;

- Người lao động giúp việc gia đình;

- Người lao động đã đủ điều kiện về tuổi đời nhưng chưa đủ điều kiện về thời gian đóng để hưởng lương hưu…

 Như vậy, đối tượng tham gia BHXH tự nguyện không khống chế trần tuổi. Nam từ đủ 60 tuổi trở lên, nữ từ đủ 55 tuổi trở lên đều được tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện.

Thực hiện chỉ đạo của BHXH TP, BHXH các quận, huyện đang tập trung đẩy mạnh phát triển người dân tham gia BHXH tự nguyện

Phóng viên: Bà có thể cho biết cụ thể hơn những quy định về mức đóng, phương thức đóng khi tham gia BHXH tự nguyện?

Bà Phạm Thị Ngọc Minh: Về nguyên tắc, BHXH tự nguyện là do người dân tự nguyện tham gia. Người tham gia BHXH tự nguyện được lựa chọn mức đóng và phương thức đóng phù hợp với thu nhập của mình.

Trước hết là về mức đóng: Người tham gia được lựa chọn mức thu nhập tháng đóng BHXH. Mức đóng hằng tháng bằng 22% mức thu nhập tháng do người tham gia BHXH tự nguyện lựa chọn. Mức thu nhập tháng là căn cứ để tính các chế độ BHXH như: lương hưu, BHXH một lần và chế độ tử tuất.

Ngân sách nhà nước hỗ trợ tiền đóng BHXH cho người tham gia BHXH tự nguyện thực hiện kể từ ngày 1-1-2018 theo tỷ lệ phần trăm trên mức đóng BHXH hằng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn, cụ thể:

- Bằng 30% đối với người tham gia BHXH tự nguyện thuộc hộ nghèo;

- Bằng 25% đối với người tham gia BHXH tự nguyện thuộc hộ cận nghèo;

- Bằng 10% đối với các đối tượng khác.

Thời gian hỗ trợ tùy thuộc vào thời gian tham gia BHXH tự nguyện thực tế của mỗi người nhưng không quá 10 năm (hiện nay mức chuẩn nghèo khu vực nông thôn là 700.000 đồng).

Về phương thức đóng: Phương thức đóng cũng được bổ sung linh hoạt, ngoài đóng hàng tháng, 3 tháng – 6 tháng một lần, người tham gia còn có thể đóng 12 tháng/lần; đóng một lần cho nhiều năm về sau nhưng không quá 5 năm (60 tháng)/lần.

Đóng một lần cho những năm còn thiếu đối với người tham gia BHXH đã đủ điều kiện về tuổi để hưởng lương hưu theo quy định nhưng thời gian đóng BHXH còn thiếu không quá 10 năm (120 tháng) thì được đóng cho đủ 20 năm để được hưởng lương hưu.

Cũng xin lưu ý là việc thay đổi phương thức đóng BHXH tự nguyện được thực hiện ít nhất là sau khi thực hiện xong phương thức đóng đã chọn trước đó.

Về thủ tục tham gia: người dân có nhu cầu tham gia BHXH tự nguyện có thể liên hệ với đại lý thu bưu điện gần nhất, đại lý UBND các xã, phường hoặc BHXH các quận, huyện để được hướng dẫn thủ tục tham gia.

Phó giám đốc BHXH quận Hồng Bàng Phạm Thị Ngọc Minh trả lời phỏng vấn Báo An ninh Hải Phòng

Phóng viên: Những người tham gia BHXH tự nguyện, khi đủ điều kiện hưởng hưu trí thì họ được hưởng những quyền lợi gì, thưa bà?

Bà Phạm Thị Ngọc Minh: Người tham gia BHXH tự nguyện hưởng lương hưu được Quỹ BHXH cấp thẻ bảo hiểm y tế, được hưởng 95% chi phí khi đi khám chữa bệnh.

Ngoài ra, người lao động đóng BHXH tự nguyện từ đủ 5 năm trở lên khi mất đi thì thân nhân sẽ được hưởng trợ cấp mai táng phí (bằng 10 tháng lương cơ sở tại thời điểm chết) và hưởng tuất một lần hoặc tuất hàng tháng theo quy định.

Mức trợ cấp tuất một lần đối với thân nhân của người đang hưởng lương hưu chết được tính theo thời gian đã hưởng lương hưu. Nếu chết trong 2 tháng đầu hưởng lương hưu thì tính bằng 48 tháng lương hưu đang hưởng; nếu chết vào những tháng sau đó, cứ hưởng thêm một tháng lương hưu thì mức trợ cấp giảm đi 0,5 tháng lương hưu, mức thấp nhất bằng 3 tháng lương hưu đang hưởng.

BÙI HẠNH thực hiện

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông