Bầu cử Tổng thống Singapore: Lá phiếu của niềm tin xã hội

19:40 01/09/2023

Hơn 2,7 triệu cử tri Singapore đi bỏ phiếu vào ngày 1/9 để bầu chọn tổng thống mới, kế nhiệm bà Halimah Yacob và lãnh đạo trong nhiệm kỳ 2023-2029.

Cuộc đua tam mã đã chính thức khởi động ngày 22/8 vừa qua và càng đến giờ G, chính trường Singapore liên tục chứng kiến những diễn biến sôi động. Ba ứng cử viên, gồm ông Tharman Shanmugaratnam, 66 tuổi, cựu Bộ trưởng cấp cao và Chủ tịch Cơ quan Tiền tệ quốc gia (MAS); ứng cử viên thứ hai là ông Ng Sok Kong, cựu Giám đốc đầu tư của Quỹ Đầu tư Chính phủ Singapore (GIC). Nhân vật thứ ba bước vào đường đua trong kỳ bầu cử này là ông Tan Kin Liang, cựu Giám đốc tập đoàn NTUC Income, 75 tuổi.

Các ứng cử viên có cương lĩnh chính trị khác nhau, nhưng những nhận thức của họ đều có thể bổ sung cho nhau vào tầm nhìn và giải pháp để đưa Singapore tiến lên trong bối cảnh khó khăn chung của thế giới hiện nay. Những "cơn gió ngược" trong lĩnh vực kinh tế, đứt gãy chuỗi cung ứng, cạnh tranh địa chính trị và các cuộc khủng hoảng đan xen đặt ra nhiều thách thức với Singapore. Trong nước, lạm phát là vấn đề nổi lên khi các hộ gia đình và doanh nghiệp đang cảm thấy khó khăn. Chi phí sinh hoạt ngày càng đắt đỏ, vấn đề nhà ở, già hóa dân số, việc làm và tái đào tạo lao động... đặt ra những bài toán nan giải cho các nhà quản lý của Singapore.

Ủy ban Bầu cử (ELD) thuộc Văn phòng Thủ tướng Singapore. Ảnh: TTXVN

Niềm tin xã hội luôn có vai trò quan trọng ở "đảo quốc sư tử" để đảm bảo sự đoàn kết chặt chẽ của xã hội đa dạng sắc tộc. Trong bài phát biểu chào mừng Quốc khánh Singapore 8/8 vừa qua, Thủ tướng Lý Hiển Long một lần nữa nhấn mạnh vai trò của niềm tin “cho phép các nhà lãnh đạo chính trị hợp tác chặt chẽ với người dân Singapore để mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho tất cả mọi người, giúp Singapore tiến về phía trước một cách an toàn trong một thế giới đầy khó khăn...”.

Trong cuộc vận động tranh cử, các ứng cử viên đều thể hiện quyết tâm củng cố hơn nữa niềm tin của người dân vào sự phát triển của đất nước dựa trên các pháp luật minh bạch, chính sách tiên phong trên nhiều lĩnh vực và duy trì quốc đảo trở là nơi đáng sống hàng đầu châu lục. Phát biểu sau ngày đề cử (22/8), ông Tharman bày tỏ mong muốn một cuộc tranh cử “công bằng, nghiêm túc và trọng danh dự, tập trung vào những gì mỗi người chúng ta mang lại cho người dân Singapore", dù tương lai sẽ có khó khăn và thách thức hơn. Ông Ng Kok Song cũng kêu gọi người dân không phân biệt đảng phái trong vấn đề bỏ phiếu mà “hãy bỏ phiếu cho điều tích cực, sự thay đổi tốt đẹp hơn” với Singapore.

Người dân Singapore bày tỏ kỳ vọng, tin tưởng tân tổng thống, dù là ai đắc cử, cũng sẽ nối tiếp trách nhiệm ổn định, củng cố vững chắc hệ thống mà Singapore đã kiên trì xây dựng trong nhiều thập niên qua. Do đó, tân tổng thống Singapore sẽ phải thực hiện trách nhiệm gắn kết người dân cùng chính phủ thực hiện các tầm nhìn lâu dài, những mục tiêu mới đầy tham vọng trong phát triển đất nước.

Trong số ba ứng cử viên, ông Tharman được đánh giá là đối thủ nặng ký. Ông là một trong những chính trị gia uy tín tại Singapore trong lĩnh vực về điều hành kinh tế, tài chính khi từng giữ chức bộ trưởng Tài chính, giám đốc MAS và đứng đầu Ủy ban Cố vấn tiền tệ và tài chính của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF)... Kinh nghiệm và bề dày thành tích trong và ngoài nước đem lại cho ông Tharman những lợi thế đáng kể so với hai đối thủ còn lại.

Với chiến dịch tranh cử công khai, minh bạch, các ứng cử viên đã thể hiện rõ quan điểm chính trị của mình. Đáng chú ý, họ đã có buổi đối thoại thẳng thắn về cương lĩnh tranh cử, trong đó vấn đề thực thi quyền lực của tổng thống là một chủ đề nổi bật. Theo Hiến pháp và pháp luật Singapore, tổng thống có nhiều quyền quan trọng trong việc bổ nhiệm và bãi miễn nhân sự của chính phủ, tòa án; có quyền ân xá; sử dụng dự trữ quốc gia và một số nguồn dự trữ khác theo luật định, vốn liên quan mật thiết tới ngân sách quốc gia, các khoản hỗ trợ cho người dân, các chi phí và nhiều tập đoàn, cơ quan nhà nước...

Một chủ đề quan trọng trong các cương lĩnh tranh cử và các cuộc thảo luận sôi nổi là nguyên tắc tổng thống Singapore không là thành viên của bất kỳ đảng phái nào. Nguyên tắc này được dư luận quan tâm vì sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới vấn đề tính độc lập, giám sát của tổng thống đối với chính phủ.

Các ứng cử viên cũng tranh luận thẳng thắn về xuất phát điểm của từng người, do quan ngại tổng thống mới sẽ chịu ảnh hưởng của các chương trình hành động của các đảng phái chính trị đã từng tham gia trước đó. Ông Tharman xoa dịu vấn đề nguồn gốc đảng phái với luận điểm rằng “đảng Hành động Nhân dân (PAP) cầm quyền đã có tiếng nói đối với tất cả các tổng thống được bầu trước đây” của Singapore, cử tri sẽ đánh giá dựa trên lịch sử cống hiến, đấu tranh và đóng góp cho tương lai.

Các cuộc đối thoại như vậy càng làm tăng cơ hội để các ứng cử viên làm rõ quan điểm về việc không chính trị hóa bầu cử, những chính sách trong tương lai, thể hiện phẩm chất, tài năng và tâm huyết để thu hút sự ủng hộ của cử tri. Những sắc màu chính trị đa dạng cũng góp phần khiến cuộc đua tam mã trong kỳ bầu cử năm nay trở nên hấp dẫn hơn.

Sau khi Singapore có tổng thống mới, dư luận trong nước tiếp tục quan tâm tới nhân sự cho Hội đồng Cố vấn tổng thống (CPA). Đây là cơ quan quan trọng tư vấn cho tổng thống về việc thực hiện quyền hạn của mình. CPA có 8 thành viên với 3 người được bổ nhiệm theo quyết định của tổng thống, 3 người do thủ tướng bổ nhiệm và một người do chánh án Tòa án tối cao và chủ tịch Ủy ban Dịch vụ công bổ nhiệm. Các quyết định nhân sự này đều cần được tổng thống thông qua.

Người dân Singapore đang chờ đợi để được thể hiện niềm tin qua lá phiếu bầu chọn vị tổng thống thứ chín và cũng chính là lựa chọn con đường tiến lên của đất nước trong tương lai.

Theo TTXVN

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông

Liên kết hữu ích