22:25 09/04/2020 Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp trong khu vực và trên thế giới, quan hệ hữu nghị, đoàn kết đặc biệt, trong đó, sự phân định biên giới rõ ràng giữa Việt Nam – Lào và Campuchia giúp ba nước đạt được những kết quả khả quan trong phòng, chống dịch.
Việt Nam và Lào là hai nước láng giềng gần gũi có chung đường biên giới với chiều dài 2.337,459 km, đi qua 10 tỉnh của Việt Nam (Điện Biên đến Kon Tum) và 10 tỉnh của Lào. Điểm khởi đầu là giao điểm ngã ba biên giới Việt Nam - Lào - Trung Quốc và điểm kết thúc là giao điểm ngã ba biên giới Việt Nam - Lào - Campuchia.
Trong khi đó, tuyến biên giới Việt Nam-Campuchia dài gần 1.300km, đi qua 10 tỉnh (từ tỉnh Kon Tum đến tỉnh Kiên Giang). Nhiều đoạn chủ yếu là đồng bằng, kênh rạch, có nhiều đường mòn, lối mở.
Đặc biệt, với tỉnh Kon Tum, còn có một vị trí đặc biệt, nơi ngã ba Đông Dương, “một tiếng gà gáy ba nước cùng nghe”. Tại đây, vào năm 2007, với tinh thần hợp tác của chính phủ và nhân dân ba nước, một cột mốc đã được hoàn thành vào đầu năm 2008, là biểu tượng của sự tin cậy, đoàn kết trong xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị.
Đến nay, Việt Nam và Lào đã cắm 834 cột mốc chính tại 792 vị trí theo như kế hoạch, đồng thời cắm bổ sung 168 cọc dấu tại 113 vị trí để làm rõ thêm đường biên giới ở một số khu vực. Khu vực biên giới Việt Nam - Lào có địa hình hết sức hiểm trở, thời tiết lại rất khắc nghiệt, công tác khảo sát, vận chuyển nguyên vật liệu, xây dựng gặp nhiều khó khăn. Trong quá trình triển khai công tác trên thực địa như rà phá bom mìn, khảo sát, làm đường, chuyển nguyên vật liệu, xây dựng mốc, đo đạc thông số kỹ thuật... đã có một số cán bộ, chiến sỹ Việt Nam hy sinh trong khi làm nhiệm vụ.
Tỉnh Kiên Giang hỗ trợ vật tư y tế cho lực lượng biên giới nước bạn Campuchia phòng, chống dịch.
Đối với Campuchia, trải qua 36 năm đàm phán về biên giới, kể từ Hiệp định quy chế quản lý biên giới năm 1983, đến cuối năm 2019, hai nước đã hoàn thành phân giới cắm mốc khoảng 1.045 km đường biên giới đất liền, xây dựng được 315 cột mốc chính, hoàn thành 84% khối lượng công tác phân giới cắm mốc. Tính đến nay, trung bình trên toàn tuyến biên giới đã phân giới cắm mốc, cứ 670 m có 1 cột mốc hoặc cọc dấu.
Việc đẩy mạnh cắm mốc biên giới giữa ba nước có ý nghĩa hết sức quan trọng, minh chứng rõ ràng cho nỗ lực và thiện chí của các bên trong việc hợp tác giải quyết hòa bình vấn đề biên giới lãnh thổ trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, đặc biệt là những điều ước quốc tế song phương mà hai bên đã ký kết, tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và lợi ích chính đáng của nhau, bình đẳng cùng có lợi.
Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp trên thế giới, việc phân định biên giới rõ ràng giúp các lực lượng chức năng ba nước phối hợp nhịp nhàng, hiệu quả trong vấn đề quản lý xuất, nhập cảnh, đặc biệt ngăn chặn nguy cơ từ nhiều đường mòn, lối mở tự phát, vượt biên trái phép.
Tại dọc tuyến biên giới Việt Nam – Lào, các lực lượng chức năng hai bên hiệp đồng nhịp nhàng, tuần tra kiểm soát người và phương tiện, không phân biệt quốc gia và vùng lãnh thổ, triển khai nhiều biện pháp toàn diện nhằm phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh.
Còn trên tuyến biên giới phía Nam, các đơn vị bộ đội biên phòng các tỉnh biên giới Việt Nam – Campuchia đã triển khai 25 khu cách ly, với khả năng hơn 8.500 người. Bộ chỉ huy BĐBP các tỉnh của Việt Nam cũng đã phối hợp triển khai 208 tổ, chốt với gần 1.100 người, nhằm hạn chế tới mức thấp nhất sự lây lan của dịch bệnh.
Việc Việt Nam – Lào - Campuchia phân giới cắm mốc trên thực địa đã giúp ba nước có đầy đủ cơ sở để nhận biết đường biên giới, phạm vi lãnh thổ để thực hiện công tác quản lý bảo vệ, từ quốc phòng – an ninh, nhân dân sống ở khu vực biên giới sẽ dễ dàng nhận biết được địa phận, cùng nhau góp sức chặn “giặc” COVID-19.
Trần Hoàng tổng hợp