Bệnh dịch tả lợn châu Phi xuất hiện tại Việt Nam: Thận trọng nhưng không nên hoang mang

10:27 07/03/2019

Tính đến ngày 6-3, dịch tả lợn Châu Phi đã xảy ra tại 9 tỉnh thành phố (Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hoá, Hà Nội, Hà Nam, Hải Dương, Hòa Bình, Điện Biên). Ngay khi xuất hiện dịch bệnh, mặc dù chính quyền địa phương và hầu hết doanh nghiệp chăn nuôi đã nhanh chóng tăng cường kiểm tra, kiểm soát để đảm bảo an toàn cho đàn lợn và sản phẩm đầu ra nhưng điều đó vẫn khiến nhiều người tiêu dùng trở nên thận trọng...

Hai ngày này, trong thực đơn nhà chị Phạm Thị Huế, ở ngõ 274 Ngô Quyền, không có các món ăn từ thịt lợn. Giải thích cho lý do nay, chị Huế cho biết: Nhà chị có hai con nhỏ dưới 5 tuổi, bản thân lại đang nuôi con bú nên “cẩn thận một chút cũng không thừa”. Hàng ngày, để thay thế thịt lợn, chị chuyển sang các nguồn thực phẩm khác như gà, ngan, vịt hay thịt bò “cho đảm bảo an toàn”.

Gặp bác Phạm Thị Vượng, ở ngõ 315 Đà Nẵng, đang cẩn thận lựa chọn sản phẩm thịt lợn tại siêu thị Big C, bác cho biết: Là người chuẩn bị bữa cơm cho gia đình đông người nên mấy ngày hôm nay bác rất quan tâm đến thông tin dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện tại Việt Nam.

Bác nghe Cục Y tế Dự phòng khẳng định không gây bệnh trên người nên cũng yên tâm. Vì gia đình có cả người già và trẻ nhỏ, thịt lợn chiếm chủ đạo trong cơ cấu thực phẩm hàng ngày nên vài ngày nay, để cho chắc ăn bác vào các siêu thị để mua thịt lợn. Tránh trường hợp thịt trôi nổi, nhập lậu tại các chợ cóc.

Nhiều người dân tìm đến siêu thị mua thịt lợn để bảo đảm an toàn nguồn gốc xuất xứ

Tâm lý người tiêu dùng trở nên thận trọng hơn khi chọn mua các sản phẩm thịt lợn là điều dễ thấy thời gian gần đây. Nhiều người dân chuyển cơ cấu thực phẩm sang các loại thịt khác thay thế hoặc tìm vào các siêu thị, trung tâm thương mại để bảo đảm an toàn nguồn gốc xuất xứ.

Chị Nguyễn Thị Hiên – tiểu thương chuyên kinh doanh thịt lợn tại chợ Phương Lưu – cho biết: Hiện lượng thịt bán ra mấy ngày nay chưa sụt giảm nhưng cũng đã có nhiều khách mua hỏi về nguồn gốc của sản phẩm. Là người buôn bán lợn thịt nên chúng tôi cũng theo dõi tin tức trên báo đài. Thấy các địa phương có dịch bệnh đều tiến hành dập dịch triệt để ngay nên cũng thấy yên tâm hơn.

Được biết, các địa phương có dịch bệnh đều đã quyết liệt vào cuộc. Tại Hải Phòng, tính đến ngày 28-2, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện tại 2 huyện Thủy Nguyên và Tiên Lãng. Để phòng ngừa, ngăn chặn và bảo vệ an toàn cho đàn lợn 422,1 nghìn con, chính quyền thành phố và cơ quan chức năng đã chủ động triển khai đồng bộ các biện pháp.

Ngày 21-2, UBND TP ban hành Chỉ thị số 06 về việc triển khai đồng bộ các giải pháp cấp bách phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn thành phố Hải Phòng.

Cán bộ thú y tiêu hủy, chôn lấp lợn bị dịch tả lợn châu Phi tại Hưng Yên

Ngày 1-3, tại cuộc họp thường kỳ UBND TP Hải Phòng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Vũ Bá Công thành phố cho biết thành phố đã lập 5 chốt kiểm dịch đặt tại cầu Nghìn (xã Hưng Nhân, huyện Vĩnh Bảo), đường 5 (xã Lê Thiện, huyện An Dương), trạm thu phí đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng (lối xuống đường Hòa Nghĩa, quận Dương Kinh), trạm thu phí đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng (lối xuống xã Quang Trung, huyện An Lão) và Đình Vũ (phường Đông Hải 2, quận Hải An).

Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đình Chuyến cho biết, ngay sau khi Hải Phòng xuất hiện dịch bệnh này, UBND TP đã chỉ đạo ngành nông nghiệp triển khai việc ngăn chặn và ứng phó khẩn cấp với dịch bệnh.

Hải Phòng đã tiếp nhận và cung ứng 10.000 lít hóa chất từ nguồn dự trữ quốc gia, triển khai khử trùng tiêu độc theo hướng dẫn. Sở NN&PTNT tiếp tục đề xuất mua 20.000 lít hóa chất từ nguồn ngân sách thành phố hỗ trợ các địa phương chống dịch.

Để hạn chế dịch tả lợn châu Phi lây lan, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Tùng yêu cầu Sở NN&PTNT phối hợp với các địa phương, ngành liên quan tuyên truyền, hướng dẫn người dân không được chủ quan, tập trung phòng, chống dịch bệnh; thường xuyên vệ sinh, phun thuốc sát trùng tiêu diệt mầm bệnh, ngăn chặn côn trùng và loài gặm nhấm vì chúng có thể mang mầm bệnh từ nơi này sang nơi khác.

Các địa phương, hộ chăn nuôi trên địa bàn thành phố không mua bán, vận chuyển, tiêu thụ lợn bệnh, lợn nghi bị bệnh, thịt lợn bị bệnh. Cùng đó, các ban, ngành liên quan thành lập các đoàn đi kiểm tra tại cơ sở để chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương, hộ chăn nuôi phòng, chống dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn thành phố đạt hiệu quả.

Như vậy, mặc dù Cục trưởng Thú y Phạm Văn Đông đã khẳng định: "Dịch tả lợn châu Phi là loại bệnh đặc chủng trên đàn lợn, không lây bệnh cho động vật khác và không ảnh hưởng sức khỏe, lây bệnh sang con người". Tuy nhiên ghi nhận trên thực tế việc này cũng có tác động nhất định đến tâm lý người tiêu dùng và các hộ chăn nuôi.

Các chuyên gia khuyến cáo về nguy cơ khủng hoảng thị trường thịt lợn. Theo đó, do lo ngại sức mua sụt giảm, để bảo vệ đồng vốn, nhiều hộ chăn nuôi sẽ có tâm lý bán tháo đàn lợn. Nếu bán tháo lợn khỏe là một chuyện, còn nếu là lợn bệnh thì là một mối nguy lớn cho cả ngành chăn nuôi.

Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) đã khuyên người dân cần bình tĩnh, không nên hoang mang tẩy chay tiêu dùng các sản phẩm thịt lợn an toàn. Ngoài ra, các hộ chăn nuôi cũng được cảnh báo “không nên quá sốt ruột, hoang mang làm náo loạn thị trường”, cần phải tỉnh táo, theo dõi sát tin tức, tuân thủ quy định và hướng dẫn của cơ quan chức năng địa phương để có quyết định đúng đắn nhất.

Bùi Hạnh (tổng hợp)

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông