Ngoài những điểm nóng lớn nhất hiện nay trong làn sóng biểu tình Trung Đông là Bahrain, Yemen, Iran và Libya, người dân tại nhiều nước khác trong khu vực cũng xuống đường như Algeria, Jordan, Syria và Marốc.
| Biểu tình bùng phát ở Lybia |
Tại Ai Cập, dù Tổng thống Mubarak đã tháo chạy nhưng làn sóng biểu tình, đình công vẫn diễn ra trong ngày 16-2. Tại các thành phố Cairo, Alexandria, Ismailiya, Aswan, tỉnh Qaljubiya, công nhân, nhân viên các ngành nghề gồm ngân hàng, vận tải, dầu khí, dệt may tiếp tục đình công bất chấp việc hội đồng quân sự kêu gọi họ trở lại làm việc. Những người đình công đưa ra các các yêu sách tăng lương, cải thiện điều kiện làm việc, đồng thời yêu cầu những người bị cáo buộc tham nhũng từ chức. Trước tình hình trên, quân đội Ai Cập khẳng định không thể giải quyết những yêu sách của giới công nhân khi đình công chưa chấm dứt. Công đoàn Ai Cập cam kết sẽ đối thoại với công nhân và kêu gọi chấm dứt đình công.
Tại Yemen, người biểu tình chống chính phủ tập trung tại Đại học Sanaa để tuần hành đến Quảng trường Al-Sabiine, gần Phủ Tổng thống, nhằm yêu cầu ông Saleh phải từ chức. Cảnh sát đã không thể ngăn chặn tình trạng hỗn loạn và buộc phải bắn chỉ thiên để giải tán đám đông. Tổng thống Saleh đã tuyên bố đình chỉ những điều khoản sửa đổi Hiến pháp cho phép ông có thể tại vị suốt đời. Ba thập kỷ cầm quyền của chính khách này sẽ khép lại vào năm 2013, thời điểm mà nhiệm kỳ hiện nay kết thúc. Ông Saleh đồng thời khẳng định sẽ không trao quyền cho con trai nhằm xoa dịu cơn thịnh nộ của người biểu tình.
Trong khi đó, bạo loạn đã bùng phát ở Libya sau khi một đám đông người biểu tình chống chính phủ đụng độ với lực lượng cảnh sát đêm 15-2 tại thành phố Benghazi. Cuộc biểu tình do thân nhân của 14 người thiệt mạng trong cuộc biểu tình năm 2006 ở thành phố Benghazi phát động. Đám đông đã tụ tập trước trụ sở chính quyền quận Sabri ở Benghazi đòi thả một thủ lĩnh của họ, sau đó kéo tới quảng trường Shajara và đụng độ với lực lượng an ninh. Theo các nguồn tin, cảnh sát đã dùng hơi cay, vòi rồng và đạn cao su để giải tán những người biểu tình.
Còn tại Iran, xung đột giữa những người ủng hộ chính phủ và những người ủng hộ phe đối lập lại bùng phát khi diễn ra đám tang Sane’e Zhale, một sinh viên bị thiệt mạng trong cuộc biểu tình chống chính phủ ở thủ đô Tehran ngày 15-2.
Cũng trong ngày 16-2, cuộc biểu tình tại Bahrain đòi tiến hành cải cách chính trị mạnh mẽ đã tiếp diễn sang ngày thứ ba nhằm gia tăng sức ép đối với chính quyền, trong khi các lực lượng an ninh đã được lệnh rút lui để làm dịu căng thẳng sau các vụ đụng độ khiến ít nhất hai người biểu tình thiệt mạng. Những yêu sách của người biểu tình Bahrain là thả tù nhân chính trị, tạo thêm việc làm và nhà ở, trao thêm quyền cho quốc hội, sử dụng hiến pháp mới do nhân dân xây dựng và lập một chính phủ không có Thủ tướng Sheikh Khalifa Bin Salman Al Khalifa, thành viên hoàng gia đã nắm quyền gần 40 năm nay.
Làn sóng biểu tình lan tới Bahrain, nơi Mỹ đang đặt căn cứ của hạm đội 5, khiến Washington lo ngại và kêu gọi kiềm chế. Thái độ này khác với việc Washington ủng hộ người biểu tình tại Iran, nơi Mỹ không có quan hệ ngoại giao cũng như các lợi ích kinh tế hay quân sự.
VIỆT ANH (tổng hợp) |