Cảnh báo nguy cơ cháy rừng trên địa bàn Hải Phòng

    09:10 02/11/2024

    Mùa hanh khô đang đến gần lại đặt trong điều kiện sau siêu bão số 3 (Yagi) quét qua, Hải Phòng có một số lượng lớn cây rừng bị gãy đổ đã tạo nên khối lượng lớn vật liệu dễ cháy như lá, cành khô, thảm thực bì chết khô chưa được thu dọn kịp thời. Trong khi đó, hệ thống trang thiết bị, các công trình phục vụ phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) trên địa bàn thành phố còn thiếu, yếu. Các vụ cháy rừng phần lớn xảy ra tại các điểm đồi núi có độ dốc lớn gây khó khăn cho việc tiếp cận để khống chế đám cháy cũng như phát hiện, xác định đối tượng gây cháy rừng… Thực tế trên đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về nguy cơ cháy rừng rất cao có thể xảy ra trong mùa hanh khô trên địa bàn thành phố.
    Tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng rất cao

    Theo số liệu thống kê năm 2023 của cơ quan chức năng, tổng diện tích rừng trên địa bàn thành phố (bao gồm diện tích có rừng và rừng trồng chưa thành rừng) đạt 13.805,77 ha; tỷ lệ che phủ rừng đạt 8,67%.

    Những năm qua, công tác quản lý, bảo vệ rừng và PCCCR trên địa bàn thành phố nhận được sự quan tâm chỉ đạo tích cực của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự vào cuộc của các cơ quan, đơn vị liên quan nên trách nhiệm của chủ rừng và người dân sống gần rừng đối với công tác PCCCR được nâng lên rõ rệt.

    Nhờ chú trọng làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, các tầng lớp Nhân dân, cộng đồng dân cư, hộ gia đình đã nhận thức rõ hơn về vai trò quan trọng của rừng và đất lâm nghiệp, từ đó nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm đối với công tác quản lý, bảo vệ và PCCCR. Đáng chú ý, đơn vị chức năng đã đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ KHKT vào nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý rừng thông qua việc triển khai công tác quản lý số liệu kiểm kê rừng, theo dõi diễn biến tài nguyên rừng trên phần mềm quản lý, giám sát tình hình rừng bằng ảnh viễn thám.

    Hay các hoạt động kiểm tra hiện trường của Kiểm lâm theo dõi địa bàn cấp xã với thiết bị GPS, điện thoại thông minh đã góp phần quản lý chặt chẽ tình hình rừng và tham mưu kịp thời cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai các biện pháp quản lý, bảo vệ rừng và PCCCR…

    Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Thọ kiểm tra công tác PCCCR tại quận Kiến An

              Nhờ đó, diện tích rừng trên địa bàn thành phố được bảo vệ tốt, phát huy phòng hộ môi trường sinh thái, các vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp được xử lý đúng quy định pháp luật, không xảy ra khiếu nại, tố cáo; tình trạng phá rừng, khai thác rừng trái pháp luật được kịp thời phát hiện, xử lý dứt điểm.

    Tuy nhiên, theo thông lệ, mỗi khi mùa hanh khô đến nguy cơ cháy rừng tiềm ẩn rất cao. Và điều đáng quan ngại hơn là vừa qua, do ảnh hưởng của siêu bão số 3, một số lượng lớn cây rừng trên địa bàn thành phố bị gẫy đổ. Bão số 3 làm thiệt hại gần 7,2 nghìn ha rừng.

    Trong đó, diện tích rừng bị thiệt hại hoàn toàn chiếm trên 70% (893,17 ha); thiệt hại rất nặng (từ trên 50 - 70%) là 1.565,60 ha; thiệt hại nặng (từ trên 30 - 50%) là 4.274,54 ha; thiệt hại một phần (30% trở xuống) là 459,08 ha. Ước tổng giá trị rừng bị thiệt hại là gần 530 tỷ đồng.

    Từ sau bão đến nay, chỉ tính riêng tháng 10/2024, trên địa bàn thành phố đã xảy ra 6 vụ cháy rừng với tổng diện tích 2,82 ha. Lũy kế 10 tháng đầu năm 2024, trên địa bàn Hải Phòng đã xảy ra tổng cộng 16 vụ cháy với tổng diện tích 17,307 ha tại các quận/huyện gồm: Kiến An, Đồ Sơn, Thủy Nguyên và Cát Hải; tăng 4 vụ, diện tích rừng bị cháy tăng 10,994 ha so với cùng kỳ năm 2023.

                           Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Thọ kiểm tra công tác PCCCR tại quận Đồ Sơn

    Theo đánh giá của cơ quan chức năng, diện tích rừng bị cháy chủ yếu là thảm thực bì, lá và cành khô bị rụng, gãy đổ (nhất là sau bão số 3). Nguyên nhân xảy ra cháy rừng được xác định sơ bộ ban đầu là do người dân sử dụng lửa bất cẩn khi đốt vàng mã, đốt rác và lấy mật ong.

    Trong khi đó, mùa hanh khô năm 2024-2025 được dự báo có nhiều bất lợi đối với công tác PCCCR. Thời tiết khô hanh, nắng nóng kéo dài, lại chịu ảnh hưởng của bão số 3 làm cây rừng gẫy đổ, tạo nên lớp thảm khô, là nguồn vật liệu cháy dưới tán rừng tự nhiên và rừng trồng đồi núi, tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng rất cao.

    Theo chia sẻ của đại diện các cơ quan, đơn vị chức năng và chính quyền các địa phương tại buổi kiểm tra công tác lãnh đạo, chỉ đạo phòng chống cháy rừng trên địa bàn thành phố của Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Thọ vào chiều 18/10/2024 vừa qua, thì hiện nay công tác PCCCR trên địa bàn Hải Phòng còn vấp phải không ít khó khăn, vướng mắc.

    Hệ thống công trình phục vụ PCCCR trên địa bàn thành phố như: đường giao thông cho xe chữa cháy, tuần tra rừng; hệ thống chòi canh lửa cảnh báo cháy rừng; hồ, bể chứa nước phục vụ chữa cháy rừng còn thiếu.

    Trong khi đó, lực lượng chủ công, nòng cốt, xung kích trong công tác tuần tra, kiểm soát, quản lý, bảo vệ rừng là lực lượng Kiểm lâm lại thiếu về nhân lực; trang thiết bị phục vụ thực thi nhiệm vụ chữa cháy rừng còn thô sơ, thiếu thốn; chưa có phương tiện để vận chuyển trang thiết bị PCCC và người khi xảy ra sự cố cháy rừng.

    Đã vậy, việc khai thác, tận dụng, tận thu cây gỗ bị đổ gãy do bão chậm triển khai do vướng các quy định của pháp luật. Hiện, chưa có quy định cụ thế về trình tự, thủ tục, thẩm quyền lập, phê duyệt phương án khai thác rừng, xử lý gỗ và lâm sản sau khai thác đối với rừng phòng hộ, đặc dụng thuộc sở hữu nhà nước bị thiệt hại do thiên tai…

    Chính vì vậy mà một khi sự cố cháy rừng xảy ra thì việc dập tắt đám cháy là vô cùng khó khăn, dẫn đến tình trạng cháy lan, cháy lớn rất khó kiểm soát sẽ gây ra những hậu quả khôn lường…

    Để tăng cường công tác quản lý, bảo vệ và PCCCR trên địa bàn thành phố đạt hiệu quả cũng như khắc phục nhanh thiệt hại do bão số 3 gây ra đối với diện tích rừng bị thiệt hại, thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN&PTNT, Cục Kiểm lâm và thành phố, các sở, ngành, đơn vị, địa phương tập trung triển khai quyết liệt một số nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách.

    Cụ thể, các địa phương có rừng đang đẩy mạnh công tác thống kê, phân loại cụ thể diện tích, vị trí, đối tượng quản lý và mức độ rừng bị thiệt hại do thiên tai gây ra; thực hiện nghiêm trách nhiệm quản lý nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp theo quy định. Tăng cường thời lượng tuyên truyền về PCCCR trên các phương tiện thông tin đại chúng; duy trì nghiêm chế độ trực cháy trong suốt mùa khô hanh năm 2024, bố trí lực lượng PCCCR theo đúng phương châm “bốn tại chỗ”.

                              Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Thọ kiểm tra công tác PCCCR tại quận Kiến An

    Mặt khác, chú trọng huy động các lực lượng gồm: tổ chức chính trị - xã hội, các đoàn thể, quần chúng Nhân dân, chủ rừng khẩn trương thực hiện vệ sinh rừng, thu gom, xử lý vật liệu cháy trong rừng theo quy định, đặc biệt tại các diện tích rừng bị thiệt hại do siêu bão số 3 gây ra để nhanh chóng làm giảm nguồn vật liệu gây cháy trong rừng, ngăn ngừa, hạn chế tối đa sự cố cháy rừng có thể phát sinh.

    Tập trung sửa chữa các đường băng cản lửa hiện có để ngăn ngừa nguy cơ cháy lan khi có sự cố cháy rừng xảy ra; kiên quyết xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng và PCCCR…

    Lực lượng Kiểm lâm tăng cường công tác phối hợp với UBND các cấp và các lực lượng chức năng gồm: Công an, Quân đội trong công tác chữa cháy rừng khi có sự cố phát sinh.

    Đồng thời, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra các chủ rừng chủ động xây dựng, triển khai phương án PCCCR theo quy định; phối hợp cơ quan chức năng điều tra, xác minh làm rõ nguyên nhân, đối tượng vi phạm quy định về PCCCR.

    Mặt khác, tổng hợp, xây dựng phương án trồng lại diện tích rừng bị thiệt hại sau bão số 3 từ nguồn kinh phí trồng rừng thay thế tại Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng thành phố trình UBND thành phố phê duyệt để tổ chức thực hiện theo hướng của Cục Lâm nghiệp. Riêng CATP với chức năng, nhiệm vụ của mình đã, đang và sẽ tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong công tác PCCCR, nhằm tạo sức răn đe, giáo dục, phòng ngừa chung…

    Bình Huệ

    Từ khóa:
    Bình luận của bạn về bài viết...

    captcha

    Bản tin Pháp luật

    Video clip

    Phóng sự ảnh

    An toàn giao thông