17:11 10/11/2014
Đám cưới thằng út vừa xong được một hôm, vợ chồng chúng còn đang lâng lâng trong men tình hạnh phúc thì bà Nụ đã gọi cả hai tới rồi nói: - Hôm nay mẹ muốn công khai tài chính với các con về chuyện thu chi tiền bạc của đám cưới vừa rồi… Con trai, con dâu bà Nụ ngồi im nghe mẹ hạch toán từng món một, từ chuyện tiền mừng cưới tất tật được bao nhiêu cho tới chi phí từ A đến Z của tiệc cưới. Sau khi thống kê xong, bà Nụ bảo: - Đấy, tất cả tiền mừng cưới được tổng cộng là 35 triệu 650 ngàn đồng! Còn khoản tiền chi tiêu, tính cả việc mua chăn, ga, gối, đệm; tiền chi cho lễ ăn hỏi, lễ đăng ký, lễ cưới… hết tổng cộng là 85 triệu 745 ngàn đồng. Như vậy số tiền còn âm là khoảng 50 triệu đồng. Khi nghe bà Nụ hạch toán chi phí, cô con dâu chỉ biết im lặng, còn cậu con trai bà lên tiếng: - Vâng, thì mẹ cứ mang số tiền mừng thu được trả nợ trước đi, còn đâu thì tính nước trả dần chứ biết làm sao bây giờ?! - Ừ, thì cũng phải mang trả hết số tiền mừng thu được trả cho người ta, chứ để muộn ngày nào chịu lãi ngày đó. Mà mẹ nói cho hai đứa biết mà tính này, mấy bữa hai đứa ra ở riêng thì cũng phải lo bớt một phần khoản nợ 50 triệu đồng mà mẹ đã đi vay lãi để làm đám cưới, chứ mình mẹ làm sao lo trả hết được. Mẹ tính thế này, mẹ gánh 25 triệu, còn một nửa chúng mày phải chịu, được chứ? Lúc này cô con dâu mới lên tiếng rụt rè: - Dạ, mẹ tính thế nào chúng con cũng nghe hết ạ. Đây là tiệc cưới của vợ chồng con nên có lẽ mẹ để vợ chồng con chịu phần hơn, khoản nợ là 30 triệu, còn mẹ gánh giúp 20 triệu là được rồi… Cuộc thỏa thuận chia chác nợ cưới của gia đình bà Nụ diễn ra khá êm xuôi, dẫu nó còn đọng trong tâm tư của mỗi người chút ưu phiền, lòng trĩu nặng vì khoản nợ lãi mà mỗi bên phải phấn đấu cật lực mới lo trả hết. Khoản nợ từ tiệc cưới cho con của gia đình bà Nụ là khoảng 50 triệu đồng ở trên không thấm vào đâu so với món nợ sau khi tổ chức cưới cho con trai của nhà ông Nam cùng xã. Bởi sau khi đã trừ đi khoản tiền mừng cưới, gia đình còn nợ tới 70 triệu đồng. Điều kiện kinh tế của nhà ông Nam cũng chẳng lấy gì làm dư giả, chỉ tạm gọi là đủ ăn, vậy nên tất tật số tiền cưới cho con, ông bà đều phải đi vay lãi. Thoạt đầu, vợ ông Nam bàn việc tổ chức tiệc cưới đơn giản, tiết kiệm, thế nhưng ông gạt phăng đi bảo: - Mình cưới con đầu nên không thể có chuyện tiết kiệm làm úi xùi được! Làm như thế khác nào để thiên hạ người ta… chửi cho vào mặt. Dù có thêm nợ nần tôi cũng quyết cưới thằng cả cho bằng chị bằng em. Nói là làm, ông Nam đã đi vay một khoản tiền hơn 200 triệu để về lo tổ chức đám cưới cho con. Đám cưới xong xuôi, sau khi đã gom đếm hết số tiền mừng cưới mang trả bớt chủ nợ, vậy mà khoản nợ vẫn còn xấp xỉ 70 triệu đồng. Với đồng lương hưu ít ỏi của hai vợ chồng, cộng với thu nhập từ cái cửa hàng tạp hóa mà khách chủ yếu là sinh viên thuê trọ xung quanh nên vợ chồng ông Nam bắt buộc phải tính kế chia khoản tiền nợ cưới lớn kia cho vợ chồng thằng cả để chúng “gánh” đỡ 35 triệu đồng. Sự chi phối của gánh nặng nợ nần đã làm niềm vui, niềm hạnh phúc của họ giảm đi ít nhiều. Họ chỉ biết an ủi nhau và thầm trách bố vì muốn “đẹp mặt” với thiên hạ nên mới ra nông nỗi… Viết Trịnh |
22:29 23/11/2024
09:46 21/11/2024