Nếu đến ngày 8-4, hai đảng Dân chủ và Cộng hòa trong Quốc hội Mỹ không thỏa thuận về ngân sách cho 6 tháng còn lại của tài khóa 2011 thì Chính phủ Mỹ sẽ bị “tê liệt”, nhiều dịch vụ công phải dừng hoạt động.
| Các nghị sĩ Mỹ xem bản cắt giảm chi tiêu công |
Khoản tiền Quốc hội Mỹ duyệt chi cho hoạt động chính phủ trong 6 tháng đầu tiên của năm tài khoá 2011 (bắt đầu tài khoá từ tháng 10-2010) sẽ chính thức hết vào 24h ngày 8-4. Mọi việc sẽ đơn giản nếu như hai đảng Cộng hoà và Dân chủ không tranh cãi nảy lửa về khoản tiền chi tiếp theo. Đảng Cộng hòa thì muốn thực hiện lời cam kết với cử tri về việc cắt giảm ngân sách và quy mô hoạt động của chính phủ, còn phía Dân chủ lại phản đối các hạng mục cắt giảm mà đảng Cộng hòa đề nghị. Số tiền mà đảng Cộng hoà muốn cắt giảm là 73 tỉ USD, trong đó cắt giảm chi tiêu cho giáo dục, nghiên cứu y tế và bảo vệ môi trường - vốn bị đảng Dân chủ phản đối dữ dội.
Tình hình tranh cãi về khoản chi cho chính phủ Mỹ càng phức tạp hơn khi phe Cộng hòa đang kiểm soát Hạ viện Mỹ còn phe Dân chủ lại đang kiểm soát Thượng viện. Điều này đồng nghĩa với việc Hạ viện Mỹ thông qua thì trình lên Thượng viện sẽ bị bác bỏ “thẳng cánh”. Hiện các cuộc đàm phán vẫn đang tiếp tục bất chấp việc nhiều thành viên Đảng Cộng hòa cho biết sẽ không nhượng bộ. Đảng Dân chủ ban đầu chỉ muốn cắt giảm 33 tỉ USD, sau nâng lên thành 40 tỉ USD nhưng vẫn bị phía Cộng hoà bác bỏ. Tổng thống Obama cho biết sẽ tiếp tục triệu tập lãnh đạo hai đảng đến Nhà Trắng nếu như không có thỏa thuận nào trong ngày 6-4 (tức 7-4, giờ HN).
Một khi ngân sách mới không được thông qua thì Chính phủ Mỹ sẽ bị tê liệt một phần. Việc này đồng nghĩa với việc hàng trăm nghìn nhân viên liên bang phải tạm thời nghỉ việc, công viên quốc gia và các dịch vụ không thiết yếu khác sẽ phải đóng cửa. Vì vậy, ông Obama đã kêu gọi hai phe Dân chủ và Cộng hòa “hãy hành xử như những người trưởng thành” và nhượng bộ lẫn nhau, đồng thời cảnh báo nền kinh tế vừa chớm hồi phục của Mỹ sẽ không chịu nổi cú sốc của việc chính phủ liên bang bị tê liệt.
Trong lịch sử, trong các năm tài khóa 1977 đến 1980, Chính phủ Mỹ đã phải đóng cửa 6 lần, mỗi lần kéo dài từ 8-17 ngày. Từ tài khóa 1981-1995, Mỹ có 9 lần đóng cửa chính phủ, mỗi lần kéo dài không quá 3 ngày. Lần chính phủ đóng cửa dài nhất là dưới thời tổng thống Bill Clinton với 21 ngày ngừng hoạt động. Hệ lụy của sự kiện này là 800.000 viên chức phải nghỉ việc; việc xử lý thị thực, hộ chiếu bị ách lại; hơn 600 điểm thu gom rác trên toàn nước Mỹ không hoạt động; ngành du lịch và ngành hàng không mất 9 triệu du khách. Tổng thiệt hại của lần đóng cửa năm 1995-1996 này lên tới 1,4 tỉ USD.
Theo một điều luật được ban hành năm 1870, chính phủ Mỹ không được phép hoạt động nếu ngân sách chi tiêu không được thông qua, ngoại trừ những trường hợp khẩn cấp.
VIỆT ANH (tổng hợp) |