Chính sách ưu việt: Hỗ trợ người “yếu thế” mất thu nhập

15:21 14/04/2020

Trong 100 ngày đã qua, dịch bệnh Covid-19 đã làm thay đổi toàn diện, gây ảnh hưởng hết sức tiêu cực đến nền kinh tế thế giới, trong đó có Việt Nam. Bên cạnh những tiềm ẩn to lớn về kinh tế vĩ mô, nhìn từ góc độ xã hội hiện đang có một bộ phận không nhỏ người lao động bị mất thu nhập, sinh hoạt khó khăn mà gần đây khái niệm được nhắc đến nhiều, xác định họ là những người “yếu thế”.

Người “yếu thế” đa phần phải bám vỉa hè để mưu sinh

          Ảnh hưởng từ Covid-19

          Trong hơn 3 tháng dịch bệnh Covid-19 phát triển từ Vũ Hán (Trung Quốc) và nhanh chóng trở thành đại dịch toàn cầu, Việt Nam là một trong những quốc gia phát hiện ca mắc sớm kể từ ngày 22-1-2020.

Nhưng đến nay, khi dịch lây lan ra toàn cầu, với tổng lượng người mắc tới trên 1,5 triệu người, thì Việt Nam mới chỉ có hơn 250 ca bệnh. Các giải pháp quyết liệt đã được triển khai, cho thấy phản ứng nhanh của hệ thống y tế Việt Nam

Đó là thành công tột bậc của Việt Nam, nước có chung đường biên giới với Trung Quốc và tham gia đầy đủ nhất các Hiệp định thương mại tự do, đồng nghĩa với hội nhập thuộc diện sâu và rộng nhất. Cả hệ thống quốc gia được kích hoạt, chỉ trong khoảnh khắc ngắn cảViệt Nam đã kết tụ thành trận tuyến thống nhất, xác định Virus Sars-Cov-2 là kẻ thù chung.

Đảng và Nhà nước Việt Nam đã thể hiện vai trò chèo lái vốn đã được rèn luyện từ hơn 90 năm trong sự nghiệp cách mạng, lãnh đạo trăm triệu người dân vào cuộc chiến mới, có lẽ chưa từng có tiền lệ. Chúng ta đã cho cả thế giới thấy rõ, niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước Việt Nam, sức mạnh đoàn kết mang tên dân tộc Việt Nam.

Tuy nhiên, để đạt được kết quả đó, chúng ta đã phải áp dụng những biện pháp vô cùng nghiêm ngặt, sẵn sàng đánh đổi kinh tế để bảo toàn sức khỏe cho Nhân dân.

Trong cuộc chiến này, chưa thể đánh giá mức độ thiệt hại về kinh tế, nhưng tầm ảnh hưởng của dịnh bệnh Covid-19 tại nước ta đã gây ra tác động xã hội lớn, khi một bộ phận không nhỏ công nhân, người lao động tự do, các hộ nghèo và cận nghèo lâm vào tình trạng sinh hoạt hết sức khó khăn.

Kịp thời giải pháp an sinh xã hội

Trước tình hình này, giữa lúc phải căng mình triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, thực hiện nhiệm vụ “kép” là vừa chống dịch, vừa đảm bảo ổn định sản xuất, duy trì phát triển kinh tế, Chính phủ vẫn đặc biệt chú trọng đến công tác an sinh xã hội.

Nổi bật là đề xuất với Quốc hội một gói hỗ trợ quy mô 62.000 tỷ đồng, với khoảng 20 triệu đối tượng sẽ được thụ hưởng, được xác định là những người “yếu thế” trong xã hội.

Theo đó, dự kiến sẽ có 6 nhóm đối tượng nhận được gói hỗ trợ của Chính phủ, với thời gian hỗ trợ tối đa là 3 tháng. Có thể nói, đây là một động thái hết sức ưu việt của Nhà nước Việt Nam, trong bối cảnh Việt Nam là một nước đang phát triển, nền kinh tế còn không ít khó khăn so với nhiều nước trên thế giới.

Tuy nhiên theo một số ý kiến, đa số các nhóm đối tượng đều đã được thống kê, theo dõi nên việc triển khai sẽ gặp thuận lợi, nhưng trong đó nhóm đối tượng “lao động tự” do sẽ cần phải một cuộc rà soát lớn.

Họ có thể là người bán hàng rong, chạy xe ôm, xích-lô, đánh giầy, bán thức ăn sẵn, buôn bán vặt, thợ xây, giúp việc gia đình, bồi bàn… Họ cũng có thể là những lao động ở địa phương khác di chuyển đến và bị kẹt trong cuộc chiến phòng chống dịch.  

Nhóm đối tượng này đang phổ biến trong xã hội, họ tự bươn trải đôi khi vượt ngoài tầm kiểm soát. Nhưng đóng góp của họ là không hề nhỏ, vì họ không chỉ góp phần sản xuất lưu thông hàng hóa, dịch vụ cho xã hội, mà còn giúp Nhà nước trút bỏ gánh nặng về thất nghiệp khi họ tự chủ động lo cho cuộc sống của mình.

Chưa kể về góc độ ANTT, họ tự giúp an sinh cho chính mình, cũng là giúp xã hội an tâm hơn khi không phải lo nguồn phát sinh tệ nạn. Nhưng điều đáng nói, phần đông trong số họ hoạt động không ổn định về không gian, chỗ ở cũng thường xuyên thay đổi, nên việc thống kê đúng, đủ, kịp thời là một vấn đề nan giải.

Hải Phòng chủ động vào cuộc

Cần phải nêu ra là, trước khi Chính phủ đề xuất gói hỗ trợ nêu trên, mô hình chia sẻ khó khăn trong cộng đồng xã hội đã được triển khai nhiều ở Hải Phòng. Trong đó nhiều nhà hảo tâm, tổ chức xã hội đã đứng ra quyên góp, cung cấp miễn phí lương thực, thực phẩm cho những người có hoàn cảnh khó khăn vì dịch bệnh.

 Các cấp ủy, chính quyền cũng vào cuộc, đơn cử như quận Ngô Quyền, theo Bí thư quận ủy Đào Trọng Đức, thời gian qua quận đã vận động hỗ trợ một số đối tượng mất thu nhập trên địa bàn 100 nghìn đồng/ngày.

Có thể nói, để đảm bảo chính sách ưu việt về an sinh xã hội nhanh chóng đến với người thụ hưởng, thành phố Hải Phòng đã vào cuộc ngay từ rất sớm, vấn đề hỗ trợ người “yếu thế” mất thu nhập đã được nêu ra tại nhiều hội nghị, cuộc họp về phòng chống dịch bệnh Covid-19.

Theo Phó Chủ tịch Lê Khắc Nam, UBND TP đã tiếm hành rà soát trên diện rộng, xây dựng phương án cho tất cả các nhóm thuộc diện hỗ trợ theo chương trình của Chính phủ.

Ước tính sơ bộ trên địa bàn thành phố sẽ có hơn 170 nghìn người thuộc nhóm người có công với cách mạng, người nghèo và cận nghèo, lao động bị tạm hoãn hợp đồng, lao động bị chấm dứt hợp đồng và hoạt động tự do… cùng hơn 11 nghìn hộ kinh doanh nhỏ, chưa kể một số lượng lớn doanh nghiệp đang phải trả lương cho lao động ngừng việc.

Dự kiến số tiền hỗ trợ rất lớn, với mức hỗ trợ từ 1 triệu đồng đến 1,8 triệu đồng/người/tháng liên tục trong 3 tháng. Nhưng con số thống kê hiện mới ở tình trạng cơ bản, việc rà soát cần phải được tiếp tục với sự vào cuộc của nhiều cấp ngành, nhất là các địa phương từ chính quyền cơ sở.

Về nội dung này, Giám đốc Sở LĐTB&XH Nguyễn Bách Phái cho biết, nan giải nhất là nhóm lao động tự do, hiện ước khoảng 37 nghìn người trên địa bàn. Bởi lẽ có người đăng ký hộ khẩu một nơi, ở một nơi nhưng lại hành nghề ở nơi khác, đôi khi ngay hàng xóm cũng không nắm được ngành nghề của họ.

Trong quá trình thực hiện, nếu không có biện pháp phù hợp rất dễ nảy sinh sự sót lọt, chưa kể chuyện lợi dụng chính sách để trục lợi cũng được đặt ra.

Tại một cuộc họp mới đây, Bí thư Thành ủy Lê Văn Thành đã chỉ đạo, việc triển khai gói hỗ trợ thế nào cho thực sự hiệu quả, bám sát thực tiễn cuộc sống từng địa phương cũng như đảm bảo minh bạch, rõ ràng là hết sức quan trọng. Đây là một nhiệm vụ không hề đơn giản, rất cần sự vào cuộc trách nhiệm và linh hoạt của các cấp cơ sở, để một chính sách lớn phát huy được hết giá trị, ý nghĩa nhân văn, và tính ưu việt thực sự trọn vẹn.

Điều này càng có nhiều ý nghĩa, khi thời gian qua bên cạnh việc triển khai hiệu quả phòng chống dịch bệnh Covid-19, Việt Nam còn gây tiếng vang khi thực hiện điều trị miễn phí, cung ứng nhu yếu phẩm miễn phí cho những bệnh nhân hoặc thuộc diện cách ly liên quan đến dịch bệnh.

Đây là chính sách thể hiện tính nhân văn sâu sắc, mang đậm tinh thần “tương thân tương ái”, đồng thời cũng là bản sắc tiến bộ của Nhà nước XHCN Việt Nam.

Lê Minh Thắng

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông