Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP: Xây dựng “thương hiệu” trong lòng người tiêu dùng

10:07 23/08/2023

Triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2018-2023, thời gian qua, Hải Phòng đã có nhiều chính sách ưu tiên nguồn lực hỗ trợ các tổ chức, cá nhân tham gia chương trình đẩy mạnh đổi mới công nghệ, ứng dụng máy móc, trang thiết bị hiện đại vào sản xuất, chế biến, bảo quản, gắn tem nhãn, phát triển sản phẩm OCOP. Kết quả triển khai chương trình đã góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, sản phẩm đặc trưng gắn với lợi thế từng địa phương; phát triển tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề, dịch vụ nông thôn, bảo tồn và phát huy các làng nghề truyền thống ở nông thôn; đồng thời mở rộng mạng lưới phân phối nông sản gắn với ứng dụng thương mại điện tử. Từ đó, góp phần thúc đẩy phát triển KH-XH, quảng bá nông sản đặc trưng của Hải Phòng đến với đông đảo bạn bè, du khách gần xa.
Tập huấn triển khai chương trình OCOP

Đồng bộ các giải pháp

Triển khai Chương trình OCOP của thành phố, hàng năm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đều ban hành kế hoạch thực hiện của ngành; tham mưu cho UBND TP thành lập Hội đồng, Tổ giúp việc Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP thành phố; thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP của ngành.

Mặt khác, sở đã phối hợp chặt chẽ với các địa phương trên địa bàn thành phố tổ chức triển khai các hội nghị tập huấn, hướng dẫn thực hiện chương trình theo các quyết định của Thủ tướng chính phủ cho đội ngũ cán bộ thực hiện chương trình và các chủ thể tham gia chương trình OCOP. Công tác rà soát các sản phẩm OCOP tiềm năng trên địa bàn các xã, phường, thị trấn, hướng dẫn các chủ thể hoàn thiện hồ sơ tham gia chương trình được sở và các địa phương chú trọng đẩy mạnh.

Cùng với đó là công tác tuyên truyền, xúc tiến thương mại. Thời gian qua, Sở NN&PTNT đã tổ chức in, pháp hành 10.000 tờ gấp, 6.000 kẹp file, 2.000 poster, 300 sổ tay tuyên truyền về Chương trình OCOP; cho đăng tải nhiều phóng sự, chuyên mục tuyên truyền, giới thiệu sản phẩm chương trình trên các phương tiện thông tin đại chúng, trang Web của sở và Cổng thông tin điện tử Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản.

Đồng thời, tổ chức hàng chục hội nghị tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện chương trình; các buổi tham quan học tập kinh nghiệm, hội chợ xúc tiến thương mại, kết nối các sản phẩm tham gia Chương trình OCOP.

Các sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP

Nhờ đó, tính đến nay, Hải Phòng đã có 77 mã sản phẩm tham gia Chương trình OCOP được kết nối, trưng bày tại các tỉnh trên phạm vi cả nước.

Đáng chú ý, để phát triển sản phẩm OCOP, thành phố đã triển khai nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP. Đơn cử như giai đoạn 2018-2022, Sở NN&PTNT thành phố đã thực hiện hỗ trợ nâng cấp, hoàn thiện sản phẩm cho 8 tổ chức, cá nhân có sản phẩm tham gia chương trình với tổng kinh phí hỗ trợ đạt gần 6,4 tỷ đồng.

HĐND TP đã ban hành các Nghị quyết về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, thủy sản, hàng hóa tập trung trên địa bàn thành phố giai đoạn 2022-2025; xây dựng nông thôn mới thành phố giai đoạn 2021-2025, trong đó có hỗ trợ 100% kinh phí đánh giá chứng nhận cơ sở áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP), tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ, chăn nuôi an toàn dịch bệnh; hỗ trợ tem truy xuất nguồn gốc; kinh phí tổ chức triển khai Chương trình OCOP và hỗ trợ các chủ thể phát triển sản phẩm OCOP…

Các sản phẩm OCOP tham gia hội chợ nhằm quảng bá, giới thiệu thương hiệu

Từng bước khẳng định giá trị, chất lượng trên thị trường

Với những giải pháp thiết thực kể trên, giai đoạn 2018-2022, Hải Phòng có 174 sản phẩm được UBND TP cấp Giấy chứng nhận sản phẩm OCOP. Trong đó, có 117 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 3 sao, 57 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 4 sao và 5 sản phẩm đạt trên 90 điểm đã được gửi tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp quốc gia.

Bước sang năm 2023, Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp huyện đã tổ chức đánh giá, phân hạng 10 sản phẩm OCOP của 8 chủ thể, trình UBND cấp huyện ban hành Quyết định, cấp Giấy chứng nhận cho 10 sản phẩm OCOP đạt 3 sao, nâng tổng sản phẩm OCOP của thành phố lên đạt 184 sản phẩm. Các địa phương có nhiều sản phẩm OCOP nhất của thành phố cần phải kể đến là: huyện Kiến Thuỵ 33 sản phẩm, huyện Cát Hải 31 sản phẩm, huyện An Dương 26 sản phẩm...

Từ thực tế triển khai chương trình cho thấy, sản phẩm OCOP đang từng bước khẳng định được giá trị, chất lượng trên thị trường, chiếm được sự tín nhiệm, ưa chuộng của người dùng, góp phần tạo dựng “thương hiệu” đặc trưng cho mỗi địa phương và phù hợp với quá trình chuyển đổi số quốc gia.

Tuy nhiêu, khi đặt kết quả Chương trình OCOP của Hải Phòng đạt được trong mối tương quan với thành quả chung của cả nước gặt hái được trong thời gian qua đã cho thấy rõ thực tế số lượng sản phẩm OCOP của thành phố có được còn thất so với tiềm năng, lợi thế của thành phố.

Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, cả nước đã có 63/63 tỉnh, thành phố đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP. Theo đó, tính đến tháng 7-2023, cả nước có 9.852 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên (Hải Phòng chỉ chiếm gần 1,9% của cả nước). Trong đó, có 66,9% sản phẩm 3 sao; 32,2% sản phẩm 4 sao và 0,6% sản phẩm tiềm năng 5 sao, 42 sản phẩm 5 sao.

                                 Các sản phẩm OCOP tham gia hội chợ nhằm quảng bá, giới thiệu thương hiệu

Tồn tại cần khắc phục

Lý giải về nguyên nhân dẫn đến hạn chế này, theo đánh giá của ngành NN&PTNT thành phố thì do đây là giai đoạn đầu triển khai chương trình nên nhiều địa phương không tránh khỏi sự lúng túng, thiếu đội ngũ cán bộ nắm vững, hiểu sâu về chương trình nên gặp nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện.

Đã vậy, một số địa phương lại chưa thực sự quan tâm đến phát triển các sản phẩm có tiềm năng, lợi thế của địa phương để nâng cao chất lượng mà chỉ tập trung lựa chọn các sản phẩm sẵn có tham gia chương trình. Điều này dẫn đến thực trạng, sản phẩm đặc thù của địa phương còn mang tính manh mún, nhỏ lẻ, tự cung tự cấp.

                                  Các sản phẩm OCOP tham gia hội chợ nhằm quảng bá, giới thiệu thương hiệu

Chính quyền thiếu sự quan tâm đúng mức, người dân thì tỏ ra thờ ơ, không chú trọng đến việc xây dựng, thiết kế mẫu mã bao bì sản phẩm chất lượng, “bắt mắt" để thu hút người tiêu dùng. Đáng chú ý, trong khi còn gặp khó khăn trong việc lập hồ sơ đánh giá, phân hạng sản phẩm; lập hồ sơ đề xuất hỗ trợ, bố trí nguồn vốn đối ứng thì một bộ phận chủ thể sản xuất vẫn “nuôi” tư tưởng ỷ lại vào sự hỗ trợ của nhà nước.

Thêm vào đó, công tác xúc tiến thương mại của Hải Phòng còn đậm tính manh mún, thiếu sự đồng bộ, chưa phản ánh rõ nét những ưu điểm nổi trội, nét độc đáo, đặc sắc của sản phẩm OCOP để tạo dựng hình ảnh, thương hiệu mới, gây ấn tượng đối với người tiêu dùng… Tất cả những hạn chế đến dẫn đến hiệu quả chương trình chưa đạt được kỳ vọng mong muốn.

Giải pháp đột phá

Được biết, để phát huy kết quả đạt được cũng như khắc phục những hạn chế nêu trên, thời gian tới, Hải Phòng sẽ tập trung vào một số giải pháp cơ bản mang tính đột phá nhằm đẩy mạnh Chương trình OCOP sau: Xác định rõ việc thực hiện Chương trình OCOP là một nhiệm vụ trọng tâm chú trọng triển khai, nhất là đối với các địa phương không có điều kiện thuận lợi về sản xuất hàng hóa tập trung nhưng có lợi thế về sản vật, ngành nghề truyền thống và dịch vụ du lịch; đẩy mạnh phát triển sản phẩm OCOP trên cơ sở cung - cầu, gắn với điều kiện, tiềm năng, lợi thế của mỗi vùng miền; dựa vào giá trị đặc sắc bản địa, đồng thời hướng đến thị trường toàn cầu, tuyệt đối không chỉ làm theo phong trào hoặc lối mòn.

Mặt khác, tăng cường công tác giám sát sau công nhận OCOP để kiểm soát chặt chẽ chất lượng sản phẩm, vệ sinh an toàn thực phẩm, giữ gìn, nâng cao uy tín cũng như xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP trong lòng người tiêu dùng. Chú trọng các loại hình kinh tế tham gia chương trình, trong đó lấy HTX và doanh nghiệp là “đầu tàu” trong việc liên kết nông dân sản xuất, chế biến, bảo quản, tiêu thụ sản phẩm.

Chú trọng tập huấn nâng cao năng lực, hiểu biết của cán bộ các cấp và cộng đồng, người sản xuất; tổ chức kết nối giao thương cho các chủ thể cung ứng sản phẩm OCOP; tích cực tôn vinh, bảo hộ sản phẩm OCOP. Cùng với đó là đẩy mạnh quảng bá, triển khai các hoạt động truyền thông, thông tin tuyên truyền, đào tạo, tập huấn, tổ chức hội chợ nhằm tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, HTX, các tổ chức, cá nhân phát triển sản phẩm OCOP…

Bình Huệ

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông