Gần như tất cả các tờ báo ở Ấn Độ tuần qua đều đồng loạt đưa tin về một trong những đám cưới hoành tráng nhất từ trước đến nay tại nước này.
| Chú rể và cô dâu trong đám cưới 22 triệu USD |
Chú rể Lalit Tanwar kết hôn với cô dâu Yogita Jaunapuria ngày 3-3 ở ngoại ô thủ đô New Dehli. Lễ cưới đình đám được 1.000 người chuẩn bị trong suốt 40 ngày với 100 món ăn, phục vụ hơn 30.000 khách. Chú rể được gia đình “tân nương” tặng cho một chiếc trực thăng trị giá 8 triệu USD. Theo báo chí Ấn Độ, chi phí cho đám cưới xa hoa này vào khoảng 1 tỷ rupee (22 triệu USD), thậm chí con số thực phải lên tới 55 triệu USD. Trước đó, lễ “ăn hỏi” đã diễn ra với sự tham dự của 20.000 khách. Mỗi khách đến dự được tặng một chiếc bánh quy bằng bạc, một bộ đồ cùng 500 USD tiền mặt.
Nếu so sánh thì đám cưới trên “chưa là gì” đối với lễ thành hôn của tỷ phú ngành thép Lakshmi Mittan. Năm 2004, nhà giàu Ấn Độ này đã bỏ ra 60 triệu USD tổ chức lễ cưới kéo dài 6 ngày ở một lâu đài Pháp. Khách đến dự tất nhiên không được chở bằng xe hạng sang mà được rước bằng… máy bay miễn phí.
Cuối tháng 11-2010, truyền thông Ấn Độ sôi động khi đồng loạt đưa tin về người giàu nhất Ấn Độ - tỉ phú Mukesh Ambani - khánh thành ngôi nhà đắt nhất thế giới. Gia đình chỉ có 6 người nhưng ông Ambani đã cho xây ngôi nhà cao 27 tầng, tổng diện tích 37.000 m2, trị giá 1 tỷ USD ở thành phố Mumbai. Tổ ấm này có thể chứa gần 200 xe ô tô, có 3 sân bay trực thăng và hằng ngày được chăm sóc bởi 600 người giúp việc. Nhà có đủ rạp hát, bể bơi, phòng tạo tuyết mùa đông. Riêng hoá đơn tiền điện tháng đầu tiên của ngôi nhà đã là 153.000 USD. Không đâu trên thế giới có dinh thự nào sánh được với toà nhà ở Mumbai này.
Các câu chuyện xa hoa, lộng lẫy trên diễn ra đồng thời với thực tế khó phủ nhận ở Ấn Độ là quốc gia này chiếm tới tới 1/3 tổng số người nghèo trên thế giới. Thậm chí, theo chỉ số đói nghèo đa chiều được công bố từ “Dự án giảm đói nghèo và phát triển nhân lực Oxford” của LHQ, số người nghèo ở Ấn Độ còn nhiều hơn cả số người nghèo của 26 nước châu Phi cộng lại. Vẫn biết ai có tiền và tiêu kiểu gì là quyền của người đó, nhưng cách sống quá xa hoa của người giàu đã và đang làm nóng lên cuộc tranh luận về khoảng cách giàu nghèo ở Ấn Độ. Nền kinh tế quốc gia Nam Á này tăng trưởng hằng năm như vũ bão, nhưng quá nhiều tài sản tạo ra lại chỉ tập trung trong tay một số quá ít người.
Mumbai vinh hạnh vì có toà nhà đắt giá nhất hành tinh của tỷ phú Ambani, nhưng đô thị này cũng “xấu hổ” khi tới một nửa người dân vô gia cư và 6,7 triệu người sống trong các khu ổ chuột. Khoảng cách chênh lệch giàu nghèo không chỉ diễn ra ở riêng tại Mumbai, mà phổ biến ở mọi thành phố, mọi bang của Ấn Độ. Như Maharashtra là bang giàu nhất Ấn Độ với 99,8% dân số được sử dụng nguồn nước sinh hoạt sạch, trong khi bang nghèo nhất là Uttar Pradesh có tới 98% dân số phải sử dụng nước… không sạch. Với dân số khoảng 190 triệu người, Uttar Pradesh là bang chìm trong đói nghèo với 56 triệu người có thu nhập dưới 1 USD/ngày và 300.000 người thâm chí không có đến một bữa ăn tươm tất mỗi ngày.
Ông S. Parasuraman, Chuyên gia xã hội học, Viện Khoa học xã hội Tata, thành phố Mumbai, cho rằng: “Tại một đất nước nơi mà tỷ lệ lớn người dân là người nghèo, thì sự kiện khánh thành ngôi nhà đắt giá nhất hành tinh là một chuyện nghiêm trọng. Nó không chỉ là chuyện liên quan đến tỷ phú Ambani, mà là vấn đề bản chất của sự tăng trưởng kinh tế gây nhiều bất bình trong xã hội”.
VIỆT ANH (tổng hợp) |