Chuyển đổi số: “Cú hích” lớn cho sự phát triển du lịch

10:49 29/08/2022

Ngày nay, cùng với sự phát triển nhanh chóng của các nền tảng công nghệ số, nhu cầu, thói quen của khách du lịch cũng theo đó mà có sự thay đổi theo khuynh hướng tìm kiếm sự tiện lợi để tiết kiệm thời gian. Việc chuyển đổi số hay không sẽ quyết định sự tồn tại và phát triển của các doanh nghiệp du lịch, tăng sức cạnh tranh của các doanh nghiệp du lịch trên thị trường nội địa cũng như quốc tế.

Xu thế tất yếu của du lịch

Nếu như trước đây, trước mỗi một chuyến đi, du khách thường cần phải dành rất nhiều thời gian chỉ để tìm hiểu về các địa điểm du lịch, phương tiện đi lại, nơi nghỉ dưỡng... Điều này gây mất thời gian và công sức, làm ảnh hưởng không nhỏ đến sự hứng thú, tâm lý của khách hàng.

Hiện nay, với sự xuất hiện của chuyển đổi số, các hoạt động trong ngành du lịch đã tạo ra sự đổi mới trong cách mọi người nhận thức, nắm bắt thông tin và dịch vụ mà các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch cung cấp.

Du khách nghỉ dưỡng tại bãi biển khu II - Đồ Sơn

Cùng với sự phổ biến của mạng Internet và sự phát triển của các phần mềm du lịch đã kéo gần khoảng cách về mặt địa lý, cho phép các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch và khách hàng tương tác với nhau chỉ qua một ứng dụng trên màn hình điện thoại, máy tính. Với sự hỗ trợ của quá trình số hóa, các giao dịch và chi tiết thông tin về điểm đến được các doanh nghiệp, đại lý du lịch công bố rõ ràng trong từng giai đoạn của chuyến đi, cho phép khách hàng nghiên cứu kỹ lưỡng trước khi xuất phát.

Những trải nghiệm tương tác, booking dịch vụ du lịch tiện lợi mọi lúc mọi nơi, hoặc thậm chí yêu cầu một chuyến tham quan ảo về điểm đến chính là mong muốn của người đi du lịch sẽ giúp doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu khách hàng một cách thuận lợi, tiết kiệm thời gian nhất.

Từ đó, du khách có thể tự thiết kế cho mình một hành trình du lịch phù hợp. Hay nói cách khác, chuyển đổi số giúp khách du lịch “cá nhân hóa” sở thích, mong muốn của mình một cách hoàn toàn chủ động.

Theo ông Dương Quốc Hùng, Phó Giám đốc Sở Du lịch, chuyển đổi số trong ngành du lịch nói riêng, sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung là một xu thế tất yếu bởi những lợi ích mà chuyển đổi số mang lại là rất lớn, tạo ra động lực mới, “cú hích” mới cho sự phát triển của ngành du lịch.

Trong đó, chuyển đổi số giúp đẩy mạnh việc xúc tiến quảng bá du lịch, đưa các tài nguyên du lịch đến được với mọi du khách trên toàn thế giới một cách dễ dàng nhất với chi phí thấp nhất.

Cùng với đó, việc số hóa dữ liệu các cơ sở lưu trú giúp du khách hình dung trước được không gian đó có phù hợp với mình hay không; các thông tin về sở thích cá nhân của du khách được lưu trữ sẽ giúp nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng, tạo nên những trải nghiệm trọn vẹn cho người đi du lịch. Công nghệ thực tế ảo về một điểm đến cụ thể giúp khuếch trương cực đại cảm xúc trong trải nghiệm du lịch đáp ứng nhu cầu có những trải nghiệm độc đáo, vượt trên thực tế của du khách và mang lại những hiệu ứng tốt hơn trong việc thực hiện du lịch số…

Mặt khác, các ứng dụng công nghệ giúp doanh nghiệp du lịch tối ưu hóa nhân sự, dễ dàng quản lý hệ thống, gia tăng hiệu suất công việc và nâng cao năng lực cạnh tranh. Không chỉ áp dụng trong quản lý kinh doanh, công nghệ số còn tạo ra sự kết nối, liên kết giữa các doanh nghiệp với nhau, tạo ra sự minh bạch và phát triển bền vững.

Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi số cũng đặt ra nhiều thách thức đối với các công ty, đại lý du lịch, cơ sở lưu trú bởi những khó khăn về như nguồn vốn, trình độ công nghệ thông tin, nguồn nhân lực... Nhiều doanh nghiệp du lịch mặc dù hiểu được tầm quan trọng sống còn của việc chuyển đổi số nhưng vẫn đang loay hoay không biết bắt đầu từ đâu và làm như thế nào.

Nhiệm vụ chuyển đổi số của du lịch Hải Phòng

Phó Giám đốc Sở Du lịch Dương Quốc Hùng cho biết, trên cơ sở thực tế về kết quả ứng dụng công nghệ trong hoạt động quản lý và quảng bá du lịch của thành phố Hải Phòng, nhu cầu và định hướng về phát triển du lịch tại địa phương, Sở Du lịch đã đăng ký và được UBND thành phố giao triển khai xây dựng 3 nhiệm vụ theo Kế hoạch số 74/KH-UBND ngày 24-3-2022 của UBND thành phố về “Chuyển đổi số thành phố Hải Phòng năm 2022”.

Theo đó, Sở Du lịch sẽ tiến hành nâng cấp Website quảng bá du lịch thành Cổng thông tin du lịch thông minh nhằm tạo kênh cung cấp thông tin chính thống, tin cậy, hiện đại về du lịch và công tác quản lý nhà nước về du lịch tại Hải Phòng; đảm bảo an toàn thông tin; thuận tiện trong tra cứu, khai thác, vận hành, quản trị; trở thành đầu mối cung cấp, tích hợp, chia sẻ toàn diện các thông tin, dữ liệu của Sở Du lịch cho tổ chức, công dân; tuân thủ Kiến trúc Chính quyền điện tử và các quy định hiện hành. Cổng thông tin du lịch thông minh giúp cung cấp thông tin du lịch, các sản phẩm/dịch vụ trải nghiệm tại địa điểm, hỗ trợ khách đặt dịch vụ và thanh toán, bản đồ số du lịch thông minh, tin nhắn chào mừng/tạm biệt du khách… trên nền tảng Web và App.

Cùng với đó, số hóa hình ảnh và thuyết minh tại một số điểm du lịch trên địa bàn thành phố với mục tiêu xây dựng cơ sở dữ liệu tài nguyên số về một số điểm du lịch của thành phố: dữ liệu số hóa 3D, phim VR 360, thuyết minh âm thanh, MC ảo phục vụ các Tour tham quan ảo tương tác 3D. Bổ sung và tích hợp dữ liệu số 3D vào cổng thông tin điện tử của Tổng cục Du lịch, của thành phố và Sở Du lịch.

Triển khai CSDL về cơ sở lưu trú và dịch vụ du lịch hướng đến xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về quản lý cơ sở lưu trú và dịch vụ du lịch của thành phố Hải Phòng giúp các cơ quan nhà nước thực hiện các nghiệp vụ quản lý, thống kê, tổng hợp, lập báo cáo về khách du lịch (lượt khách, loại khách, ngày lưu trú bình quân, công suất sử dụng phòng...) một cách thuận tiện, nhanh chóng, đồng thời tạo được cơ sở dữ liệu điện tử thống nhất trong toàn thành phố, tin cậy về số liệu khách du lịch; hỗ trợ các đơn vị kinh doanh lưu trú và dịch vụ du lịch trên địa bàn giảm thiểu các thủ tục hành chính, tiết kiệm thời gian, chi phí và công sức trong công tác khai báo khách lưu trú.

Xác định việc chuyển đổi số giữ vai trò quan trọng trong sự phục hồi và phát triển ngành du lịch, nhất là sau đại dịch Covid-19, Sở Du lịch đã có văn bản gửi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Tổng Cục Du lịch có hướng dẫn cụ thể về 3 nhiệm vụ chuyển đổi số của Sở để tạo sự thống nhất, liên thông dữ liệu, tránh tình trạng trùng chéo, tạo điều kiện cho Hải Phòng có cơ sở triển khai nhiệm vụ chuyển đổi số thúc đẩy du lịch thành phố phát triển đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thực tiễn.

LIÊM ĐOÀN

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông

Liên kết hữu ích