Chuyện thời cuộc: Đổi mới, hiệu lực, hiệu quả của HĐND thành phố nhìn từ các kỳ họp chuyên đề

19:57 30/11/2023

Ngày 13-11, kỳ họp thứ 12 (chuyên đề) HĐND thành phố khóa 16, nhiệm kỳ 2021- 2026 thành công tốt đẹp, Điều đáng nói, kỳ họp chuyên đề này chỉ cách kỳ họp thường lệ cuối năm chưa đầy 1 tháng (dự kiến kỳ họp chuyên đề cuối năm diễn ra từ 6 đến 8-12).

Vậy tại sao phải tổ chức kỳ họp chuyên đề trong khi ai cũng biết, để tổ chức được 1 kỳ họp phải rất công phu với nhiều thủ tục và đòi hỏi phải có sự chuẩn bị kỹ càng, bảo đảm chất lượng, tuân thủ các quy định của pháp luật. Nhưng HĐND thành phố khóa 16 vẫn quyết định tổ chức kỳ họp chuyên đề và đáng ghi nhận là từ thời điểm quyết định tới khi diễn ra kỳ họp có rất ít thời gian nhưng với sự vào cuộc, đồng hành của Thường trực Thành ủy; Ban Thường vụ Thành ủy; HĐND thành phố; sự chuẩn bị tích cực, hiệu quả của UBND thành phố; tất cả các nội dung trình kỳ họp đã được đại biểu HĐND thành phố biểu quyết thông qua với sự đồng thuận, nhất trí rất cao.

          Theo đồng chí Phạm Văn Lập, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố, kỳ họp thứ 12 (chuyên đề) tuy có quá trình chuẩn bị khá gấp gáp nhưng đạt được các yêu cầu đề ra và đúng luật định. Trong đó, đáng chú ý là HĐND thành phố đã thông qua 4 nghị quyết. Đây là những nghị quyết hết sức cấp thiết, là căn cứ quan trọng để UBND thành phố triển khai các nhiệm vụ phát triển kinh tế thành phố trong năm 2023 và những năm tiếp theo.

HĐND thành phố Hải Phòng ngày càng đổi mới, hoạt động hiệu lực, hiệu quả

          Trở lại với quá trình chuẩn bị kỳ họp thứ 12 (chuyên đề) mới thấy, mỗi quyết định của HĐND thành phố đều không hề đơn giản và dễ dàng. Ngay cả việc có nên tổ chức kỳ họp chuyên đề hay không cũng phải bàn luận và cân nhắc rất kỹ càng. Cũng có một số ý kiến đề nghị để dồn vào kỳ họp thường lệ cuối năm cho đỡ cập rập. Nhưng rồi đòi hỏi của cuộc sống, yêu cầu phát triển thành phố buộc HĐND thành phố  phải quyết định và việc tổ chức kỳ họp chuyên đề là hoàn toàn cần thiết, đáp ứng được các vấn đề cấp bách của thành phố, nhất là về đầu tư công, thời điểm thực hiện một số dự án quan trọng; thu ngân sách nội địa…

          Theo sát quá trình chuẩn bị kỳ họp mới thấy, có một số nội dung phải  bàn bạc, tính toán, phân tích ở mọi góc độ khác nhau mới có thể đi tới quyết định cuối cùng. Đơn cử như việc phân bổ vốn chuẩn bị đầu tư cho dự án Phát triển bền vững khu vực Đông Nam thành phố Hải Phòng thích ứng với biến đổi khí hậu được “đưa lên đặt xuống” rất nhiều. Lý do là nguồn lực của thành phố có hạn, nhất là khi nguồn vốn đầu tư công trung hạn còn lại chưa phân bổ không nhiều, trong khi nhu cầu vốn của dự án rất lớn. Có ý kiến đề nghị để lại dự án này và chuyển sang giai đoạn 2026-2030.

Thế nhưng, trước sự đề nghị khá “tha thiết” của lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư; Sở Giao thông Vận tải… và cân nhắc tới tính quan trọng, cấp thiết của dự án (dự án đã được Phó thủ tướng Trần Lưu Quang phê duyệt từ ngày 27-1-2023 nhằm phát triển, tăng trưởng kinh tế - xã hội thành phố Hải Phòng, phát triển bền vững đô thị thông qua gói đầu tư tích hợp đa lĩnh vực tập trung vào kết nối đô thị và liên kết vùng, đảm bảo bền vững về môi trường, an ninh nguồn nước và giảm ngập úng đô thị, thích ứng với biến đổi khí hậu khu vực, nâng cấp không gian công cộng và nâng cao năng lực chống chịu của đô thị), vấn đề thời điểm rất quan trọng. Nếu HĐND thành phố không bố trí nguồn vốn chuẩn bị đầu tư từ bây giờ thì rất có thể, dự án sẽ bị chậm trễ nhiều năm, khó đủ điều kiện vay vốn Ngân hàng thế giới và nhất là sẽ ảnh hưởng tới sự phát triển của thành phố.

Vì vậy, dù rất khó khăn nhưng tại kỳ họp thứ 12 (chuyên đề) của HĐND thành phố, dự án đã được phân bổ vốn chuẩn bị đầu tư. Cùng với đó, các quyết sách điều chỉnh kế hoạch đầu tư trung hạn 2021- 2025 và năm 2023 tháo gỡ được nhiều vướng mắc để tập trung đầu tư phát triển các quận, huyện, thực hiện nghị quyết đại hội 16 của Đảng bộ thành phố, trong đó có việc quyết tâm đưa huyện Thủy Nguyên lên thành phố; huyện An Dương lên quận trước năm 2025. Những việc này đều không thể chậm trễ hơn được nữa.

          Cũng như vậy, công tác thu ngân sách nội địa của thành phố năm 2023 có nhiều khó khăn. Trong đó nguồn thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất mới ở mức thấp.Vì vậy, việc HĐND thành phố thông qua nghị quyết về bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất tại số 187 Tôn Đức Thắng, xã An Đồng, huyện An Dương với diện tích đất 17.332 m2; diện tích xây dựng công trình 13.225 m2 theo hình thức đấu giá để thực hiện dự án nhà ở thương mại, dịch vụ kết hợp căn hộ cao tầng là rất đúng, rất trúng tại thời điểm này để góp phần tăng thu ngân sách năm 2023.

          Nhiệm kỳ HĐND thành phố khóa 16 bắt đầu từ giữa năm 2021, đến nay mới là hơn 2 năm. Nếu tính tuần tự mỗi năm 2 kỳ họp, kể cả kỳ họp đầu tiên sau bầu cử thì cũng chỉ cần tổ chức 6 kỳ họp. Thế nhưng, tới thời điểm này, HĐND thành phố khóa 16 đã tổ chức tới 12 kỳ họp. Ngoài những kỳ họp thường lệ thì có tới 6 kỳ họp bất thường, chuyên đề để giải quyết, tháo gỡ vướng mắc, đưa ra những quyết sách thực hiện các vấn đề cấp bách trong phát triển thành phố, chăm lo đời sống dân sinh. Và tất cả các kỳ họp bất thường, chuyên đề đều được tổ chức rất công phu, kỹ lưỡng, đáp ứng yêu cầu về chất lượng và thành công tốt đẹp. Quan trọng hơn là đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi từ thực tiễn cuộc sống và thể hiện, khẳng định rõ ràng tinh thần đổi mới, hiệu lực, hiệu quả của HĐND thành phố khóa 16, nhiệm kỳ 2021- 2026./.

                                                                                                               Hồng Thanh

      

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông