Chuyện thời cuộc: Đôi điều về cổ động trực quan

    10:33 16/05/2022

    Thời gian gần đây, trên mạng xã hội chia sẻ hình ảnh tại một hội sách được tổ chức ở Hà Nội, có “tít” lớn treo giữa phố có từ in sai chính tả, sự việc này nhận được phản ứng khá gay gắt của cộng đồng mạng, vì đây là hình thức cổ động trực quan cho một sự kiện có ý nghĩa văn hóa, tri thức như hội sách.

    (Ảnh minh họa)

              Cũng trên mạng xã hội xuất hiện một số hình ảnh cũng dưới hình thức băng – rôn, khẩu hiệu, có những lỗi thật khó chấp nhận. Tất nhiên cũng có thông tin trên mạng xã hội cần được kiểm chứng, nhưng trên thực tế những lỗi tương tự trong cổ động trực quan cũng không phải quá hiếm, mà Hải Phòng cũng không ngoại lệ.

    Còn nữa, trong nhiều năm qua báo chí cũng như dư luận đã phản ánh về sự lỏng lẻo trong quản lý cổ động trực quan, việc treo băng-zon, khẩu hiệu, cờ phướn còn thiếu thống nhất về quy cách, còn nhiều nơi dựa trên cơ sở những điểm tựa có sẵn là gốc cây, cột điện, nhà ở…

    Việc thực hiện cũng mỗi nơi một kiểu, có chỗ được chằng buộc bằng dây thép, dây thừng không đảm bảo mỹ quan, thậm chí là nhếch nhác. Sau khi sự kiện qua đi, việc thu hồi cũng chưa kịp thời, có những nội dung đã hết tính thời sự vẫn treo tới vài tháng, có khi bị va chạm cơ học dẫn đến rách, bẩn, rơi rụng… đem lại không ít sự phản cảm.

    Thời gian gần đây, những hạn chế trên đã được cải thiện đáng kể, việc thiết kế đồng bộ, thống nhất phương pháp cổ động trực quan theo hình thức giá đỡ tại một số tuyến phố là một sáng kiến tốt. Bên cạnh đó hầu hết các cột, giá treo đều đã bám sát điểm tựa gần những gốc cây, cột điện nên tương đối an toàn.

    Tuy nhiên vẫn tồn tại hiện tượng các băng – rôn, cờ, phướn để quá thời điểm cần thiết mà không được thu hồi, hoặc nội dung cần tuyên truyền in bằng chữ nhỏ hơn và khó đọc hơn nội dung quảng cáo của nhà tài trợ.

    Cần phải thấy rằng, cổ động trực quan là một dạng tuyên truyền, đôi khi được gắn với hình thức quảng cáo cũng đều hướng tới sự tích cực, góp phần hiệu quả để hướng tới sự đồng thuận trong nhận thức xã hội.

    Nhưng hình thức này rất cần một sự quản lý thống nhất, được kiểm duyệt chặt chẽ cả nội dung và hình thức thể hiện, bởi lẽ đã là trực quan nghĩa là tiếp cận trực tiếp tới cộng đồng, mọi sai sót rất dễ tạo phản cảm, đôi khi dẫn đến sự suy diễn không đáng có.

    Thiết nghĩ, các ngành, địa phương liên quan cũng cần nêu cao tinh thần cầu thị, rà soát, đánh giá đúng thực trạng việc quy hoạch, bố trí mật độ cũng như quy mô của dạng hình này, điều chỉnh phù hợp hơn.

    Bởi tính chất tuyên truyền quy mô tới mức nào, nhưng nếu không cải thiện được phương pháp ứng xử và sử dụng hiệu quả, thì mục tiêu hướng tới văn minh, hiện đại sẽ khó đạt được sự hoàn thiện.

              Hoàng Minh

    Từ khóa:
    Bình luận của bạn về bài viết...

    captcha

    Bản tin Pháp luật

    Video clip

    Phóng sự ảnh

    An toàn giao thông