Chuyện thời cuộc: Nỗi niềm Cầu Nhe

    10:42 28/07/2022

    Hàng năm, mỗi dịp tháng 7 về, từ Hải Phòng có hàng trăm đoàn đổ về miền Trung, dù thành phần khác nhau, nhưng tất cả đều chung một mục đích, đó là được trực tiếp thắp những nén hương, tri ân các anh hùng liệt sỹ đã hy sinh vì độc lập tự do của Tổ Quốc, trong đó có những người con ưu tú của thành phố Cảng.
    Đài bia tưởng niệm tại di tích Cầu Nhe (Vĩnh Lộc, Can Lộc, Hà Tĩnh)

              Dải đất miền Trung, ranh giới chia cắt hai miền đất nước là vùng chiến sự ác liệt bậc nhất, nơi có địa danh nổi tiếng: Ngã Ba Đồng Lộc, Truông Bồn, Thành cổ Quảng trị, Nghĩa trang liệt sỹ đường 9 và đặc biệt là Nghĩa trang Trường Sơn. Nhưng trong suốt một quãng thời gian dài, người Hải Phòng hầu hết không biết đến một địa danh mang tên Cầu Nhe, nơi chỉ trong một khung giờ đã có tới 70 chiến sỹ hy sinh khi đang trên đường hành quân vào chiến trường.

              Cách đây hơn 10 năm, từ thông tin trong một bài báo của Báo Hà Tĩnh, một hiện tượng lịch sử khiến ai quan tâm đều rất sững sờ, khi được biết cái ngày định mệnh 15/4/1968, trong vòng 2 tiếng đồng hồ máy bay Mỹ quần đảo dội bom xuống đội hình Tiểu đoàn 351, Trung đoàn 5 Yên Tử (Trung đoàn huấn luyện người Hải Phòng chi viện chiến trường miền Nam tại Yên Tử), 70 người đã hy sinh, bom đạn xé nát thi thể trộn cùng bùn đất cánh đồng Nhe, trong đó có 53 người Hải Phòng cùng các cán bộ, chiến sỹ từ các lực lượng hỗ trợ ở địa phương khác.

              Về sự kiện này, một cựu chiến binh có mặt trong đoàn quân hôm đó xúc động kể lại, khi máy bay Mỹ dứt ném bom, đoàn quân xốc lại đội hình, nén đau thương tiếp tục lên đường, phần xử lý còn lại do địa phương đảm nhiệm. Và có lẽ vì thế, cầu Nhe, cánh đồng Nhe chỉ rưng rức trong ký ức của những chiến sỹ Trung đoàn 5 một thủa, không ai nghĩ sự kiến ấy một thời nghẹn ngào chìm trong lặng lẽ.

              Nhưng đối với Nhân dân xã Vĩnh Lộc, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh thì họ không thể quên, bởi chính họ là những người bới từng gốc lúa, vệt bùn, vét những phần thi thể còn lại để cất lên một khu mộ chung cho 70 chiến sỹ. Và Nhân dân Vĩnh Lộc cũng cất lên tại khu đất ấy một nhà bia giản dị, gọi tên là “Đền liệt sỹ Hải Phòng”.

              Trong chiến tranh, mọi sự so sánh đều khập khiễng, nhưng ngoài Vĩnh Lộc một thời gian dài không mấy ai biết đến Cầu Nhe, không một tấm bằng di tích nào được công nhận, chỉ có những làn khói hương tri ân của Nhân dân nơi đây sưởi ấm cho những người chiến sỹ ấy.

              Cho đến một ngày, đoàn đại biểu ngành giao thông vận tải nhân chuyến vào miền Trung đã tìm đến, xúc động trước câu chuyện ở cầu Nhe, đoàn đã tổ chức kêu gọi một đợt quyên góp cùng bà con xã Vĩnh Lộc xây cất một nhà bia mới, nền mộ mới, ghi danh các chiến sỹ hy sinh trong trận này.

              Câu chuyện lan tỏa, lãnh đạo thành phố Hải Phòng đã triển khai ngay các đoàn công tác, phối hợp với tỉnh Hà Tĩnh, tiến hành những thủ tục cần thiết liên quan đến sự kiện Cầu Nhe. Và mọi việc đã được sáng tỏ, cầu Nhe được đưa vào quy hoạch, được chỉnh trang lại xứng tầm và được công nhận di tích lịch sử văn hóa của tỉnh Hà Tĩnh.

              Kể từ năm 2012, trong các chuyến tri ân từ Hải Phòng vào miền Trung, địa danh Cầu Nhe đã được đưa vào lịch trình ghi nhớ. Với riêng người viết những dòng này, Cầu Nhe không chỉ dừng ở mức được công nhận là di tích cấp tỉnh, mà thực sự xứng đáng là di tích cấp quốc gia và hơn thế nữa. Hy vọng rằng, điều này sẽ được các cấp, các ngành liên quan lưu tâm, để linh hồn những liệt sỹ cầu Nhe được ấm hơn trong vòng tay của đồng bào Hà Tĩnh.

              Hoàng Minh

    Từ khóa:
    Bình luận của bạn về bài viết...

    captcha

    Bản tin Pháp luật

    Video clip

    Phóng sự ảnh

    An toàn giao thông