Chuyện thời cuộc: Kỹ năng sống

16:07 09/09/2018

Siêu thị ngày cuối tuần đông nghịt người mua sắm. Tại quầy thanh toán, một bé gái tầm 5 tuổi đến cạnh người thu ngân nhỏ nhẹ: “Cô ơi, cháu bị lạc mẹ. Cháu tên là…, học ở trường… Mẹ cháu tên là…, làm ở…, số điện thoại của mẹ cháu… Cô gọi giúp cho mẹ cháu”. Ngạc nhiên trước sự bình tĩnh của cô bé, nhân viên thu ngân phát loa thông báo rồi gọi bảo vệ dẫn cô bé vào Phòng dịch vụ khách hàng. Người bảo vệ bận kiểm soát nốt hóa đơn chưa kịp dẫn, một khách hàng thấy vậy bảo cô bé: “Cháu theo chú, chú dẫn ra Phòng dịch vụ khách hàng”. “Không, mẹ bảo cháu chỉ đi theo cô thu tiền và chú bảo vệ, không được đi theo người lạ mặt”…

Cách xử sự khôn khéo của cô bé mới chuẩn bị bước vào lớp 1 tại siêu thị đông người khiến cho rất nhiều khách hàng là những ông bố bà mẹ bất ngờ và khâm phục sự tự tín của cháu bé trước tình huống bất ngờ xảy ra. Vì vậy họ cũng không ngạc nhiên khi hai phút sau, người mẹ của cháu bé bình tĩnh đến đón con, không hề có biểu hiện lo sợ hay hốt hoảng…

Cha mẹ nào cũng mong con mình khỏe mạnh, thông minh và cố gắng tạo điều kiện tốt nhất để con phát triển toàn diện. Tuy nhiên bên cạnh việc chăm sóc để con phát triển thể chất, dạy dỗ con để con học hành giỏi giang, nhiệm vụ giúp con định hướng, xây dựng và phát triển các kỹ năng sống cơ bản là không thể thiếu được. Tuy nhiên, chính vì quan niệm này khiến cho nhiều phụ huynh nhầm tưởng dẫn đến hành động bảo bọc con mình quá kỹ khiến trẻ không thích nghi được với môi trường xung quanh, khả năng tự lập thấp và dẫn đến những sai lệch trong nhận thức lẫn hành động. Chúng ta đã được chứng kiến rất nhiều học sinh thông minh, sinh viên tốt nghiệp loại giỏi nhưng vì thiếu, yếu các kỹ năng sống, kỹ năng làm việc nên gặp rất nhiều khó khăn trong học tập và quá trình xin việc, đi làm.

Muốn có được kết quả tốt nhất trong định hướng, rèn luyện, bồi dưỡng kỹ năng sống cho trẻ phụ huynh phải hiểu rõ con, hiểu rõ những kiến thức giáo dục kỹ năng sống cần thiết. Mỗi đứa trẻ đều có sự khác biệt về khả năng, có trẻ sinh ra đã tự tin hơn trẻ khác, có trẻ lại dễ dàng hòa đồng hơn, trong khi có bạn lại rất có khả năng lãnh đạo… Bồi dưỡng cho trẻ những kỹ năng sống, những thói quen tốt không phải là việc một sớm một chiều mà là cả một quá trình và phải chọn đúng thời điểm thích hợp với độ tuổi của trẻ để bắt đầu mới có kết quả tốt nhất.

Từ tình huống trên cho thấy, việc trang bị kỹ năng sống cho trẻ vô cùng quan trọng. Bởi những kỹ năng sống được trang bị chu đáo không chỉ giúp các bé bình tĩnh, tự tin ứng xử trước những sự cố xảy ra trong mà còn phần nào giúp các bậc phụ huynh có thể yên tâm những khi trẻ giao tiếp với xung quanh không có mình bên cạnh.

Dù có yêu con đến đâu chúng ta cũng không thể che chở con mọi nơi, mọi lúc. Việc sớm trang bị cho trẻ kỹ năng sống từ lúc chập chững bước đi không chỉ giúp trẻ tự tin, bình tĩnh trong giao tiếp, biết làm việc theo nhóm, dạy con giá trị của lao động (hiểu được cách kiếm tiền, tiêu tiền), tự biết bảo vệ bản thân… chính là những hành trang quan trọng nhất giúp mang lại thành công và kết quả tốt nhất trong mọi việc của trẻ cả những lúc thơ bé đến lúc trưởng thành.

Bùi Hạnh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông