Chuyện thời cuộc: Văn minh

09:12 11/09/2019

Trong ký ức mỗi người dân Việt, ngày Tết Trung thu thường gắn liền với hình ảnh múa lân, trở thành nét đẹp truyền thống văn hóa của dân tộc rất đáng được lưu truyền. Tuy nhiên, đã có một thời kỳ, loại hình biểu diễn này bị biến tướng trở thành công cụ kiếm tiền trá hình, tạo ra những mảng tối của văn hóa truyền thống.

Trước ngày Tết trung thu cả tầm nửa tháng, trong nhiều khu dân cư, nhiều tuyến phố chính xuất hiện các đội lân từ 7-9 người, thậm chí có một số đội còn thuê cả xe tải nhỏ chở đi múa lân chỉ nhằm mục đích thương mại là xin tiền.

Theo đó, thay cho tinh thần “mua vui có thưởng” thuần túy ban đầu dần dần trở thành “vòi tiền” một cách lộ liễu. Một số đội lân không chỉ xông thẳng vào nhà, cửa hàng kinh doanh của người dân, đặc biệt là những cửa hàng buôn bán mặt đường để "múa may" xin tiền khi chưa có sự đồng ý của gia chủ mà còn ngang nhiên ra giữa đường múa lân chặn đầu xe ô tô để xin tiền, gây mất trật tự an toàn giao thông, nhất là tại những tuyến phố chính trong nội thành.

Không gian chật chội, chen chúc, lấy đâu ra đất để múa diễn cái đẹp hay nét văn hóa dân tộc. Nhiều khổ chủ muốn nhanh chóng được giải phóng không gian ít nhiều đành chấp nhận xì tiền cho đội lân, vô tình trở thành sự dung dưỡng, thỏa hiệp, khiến cho các phường lân càng có đất sống. Điều đáng nói, phần lớn thành viên của đội lân thường là các em nhỏ đang độ tuổi cắp sách đến trường. Việc tụ tập nhau hàng đêm lượn lờ quanh các phố biểu diễn kiếm tiền không chỉ làm biến tướng nét văn hóa dân tộc mà còn ảnh hưởng đến việc học hành và bản tính hồn nhiên của các em khi mục đích thương mại hóa đã lấn át.

Tuy nhiên, điều đáng mừng là một hai năm gần đấy, trò múa lân vòi tiền của những nhóm tự phát đã gặp phải sự phản ứng của dư luận xã hội, dần bị tẩy chay và triệt tiêu, do đó đi vào nề nếp, quy củ hơn. Trên các tuyến phố, người ta thấy dần ít nhóm múa lân xin tiền. Thay vào đó các cơ quan, đơn vị trực tiếp mời các đội lân được tổ chức quy củ, có tính nghệ thuật, mang nét văn hóa thực sự đến múa tại các đêm hội do họ tổ chức khiến các đội lân có điều kiện để “dụng võ”, tránh tính trạng xô bồ, tùy tiện. Điều đó không chỉ góp phần bảo đảm trật tự an toàn giao thông, khôi phục nét văn hóa truyền thống mà còn giúp mọi người, nhất là trẻ em cảm nhận được nét đẹp truyền thống dân tộc, khiến cho ngày hội trăng rằm của các em càng thêm tròn đầy, văn minh hơn.

Xã hội phát triển, nhiều chân giá trị văn hóa truyền thống được phục hồi thông qua các lễ hội. Tuy nhiên, những kết quả đạt được vẫn cần tiếp tục có sự quản lý chặt chẽ của các cơ quan chức năng và gia đình trong việc định hướng, giáo dục nhằm duy trì nét văn hóa cổ truyền của dân tộc. Tránh vì mục đích lợi nhuận mà biến tướng trở thành công cụ kiếm tiền trá hình phản cảm, tạo ra những mảng tối của văn hóa truyền thống...

Bùi Hạnh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông