Công ty CP Nhựa Thiếu niên Tiền Phong: Ấm áp tình người sẻ chia từ những chiếc “cầu nối yêu thương”

16:04 30/12/2019

Với bề dày 60 năm xây dựng và phát triển, Công ty CP Nhựa Thiếu niên Tiền Phong đã trở thành một trong những doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực sản xuất ống và phụ tùng nhựa tại Việt Nam. Cùng với chiến lược phát triển kinh doanh, từ nhiều năm nay, Nhựa Tiền Phong luôn đi tiên phong trong các chương trình, hoạt động xã hội – từ thiện, mà trong đó, chương trình “Cầu nối yêu thương” với mục tiêu xây dựng trên 60 chiếc cầu dân sinh tặng bà con vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn tại Hải Phòng cùng nhiều tỉnh miền núi phía Bắc và phía Tây Nam của đất nước là một ví dụ điển hình…

Lãnh đạo Cty CP Nhựa Tiền Phong và lãnh đạo UBND huyện Tiên Lãng cắt băng khánh thành cầu Hoàng Diệu

Tổng giám đốc Công ty cổ phần Nhựa Thiếu niên Tiền Phong Chu Văn Phương cho biết: Công ty Nhựa thiếu niên Tiền Phong đã và đang là một trong những thương hiệu đứng đầu trong ngành nhựa Việt Nam. Song song với việc phát triển kinh doanh, Công ty đã thực hiện rất nhiều các chương trình góp phần xây dựng cộng đồng như xây nhà tình nghĩa, trao học bổng cho học sinh nghèo. Đặc biệt, từ tháng 10-2017 đến nay, công ty đã chính thức triển khai chương trình “Cầu nối yêu thương” với mục đích mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho những nơi còn khó khăn trên khắp mọi miền Tổ quốc. “Những cây cầu đưa vào sử dụng sẽ giúp các em học sinh đến trường an toàn, bà con nhân dân thuận lợi hơn trong cuộc sống, sinh hoạt hàng ngày góp phần phát triển kinh tế, văn hóa xã hội, chung tay xây dựng nông thôn mới với địa phương” – Tổng giám đốc Chu Văn Phương chia sẻ.

 Cắt băng khánh thành cầu Bản Nhiệt (xã Bằng Lang, huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang)

Những ngày cuối năm 2019, niềm vui vỡ òa đến với bà con 2 xã Tiên Cường và Khởi Nghĩa, huyện Tiên Lãng, TP Hải Phòng khi Công ty Nhựa Tiền Phong phối hợp cùng các tổ chức xã hội – từ thiện thành phố xây tặng bà con 2 chiếc cầu dân sinh, giúp cho việc đi lại, thông thương được thuận tiện hơn. Chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng Trần Đình Vịnh cho biết: Tiên Lãng là địa phương có mật độ kênh mương lớn, song nhiều năm qua, do điều kiện còn hạn chế, tình trạng thiếu cầu dân sinh bắc qua kênh mương đã khiến cho việc đi lại sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp của bà con gặp nhiều khó khăn. Chia sẻ với những khó khăn đó của địa phương, Công ty Nhựa Tiền Phong đã lên kế hoạch khảo sát, trích kinh phí từ lợi nhuận của mình, tổ chức thi công xây tặng bà con 2 xã Tiên Cường và Khởi Nghĩa 2 cây cầu dân sinh mới. Tháng 11-2019, Cầu Hoàng Diệu (thôn Sinh Đan, xã Tiên Cường) bắc qua kênh thủy nông được thiết kế với chiều dài 20m, 4m đường dẫn 2 đầu cầu, có bề rộng 3m, có lan can chắc chắn, trọng tải 2,5 tấn, kinh phí trên 232 triệu đồng và Cầu Tân Trào (thôn Ninh Duy, xã Khởi Nghĩa) có chiều dài 16m, 4m đường dẫn, có lan can, trọng tải 2,5 tấn với kinh phí khoảng 192 triệu đồng từ nguồn kinh phí trích từ lợi nhuận của công ty và nguồn xã hội hóa đã được khánh thành trong niềm vui vô bờ bến của bà con địa phương. Ngoài xây cầu, các nhà tài trợ còn trao thêm 60 suất quà tặng, động viên bà con hộ nghèo và các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn ở 2 xã… 

 Cầu treo dân sinh Nà Ui, xã Nậm Sỏ, huyện Tân Uyên, tỉnh Lai Châu

Không chỉ xây cầu ở địa bàn Hải Phòng, những năm qua, Công ty CP Nhựa Thiếu niên Tiền Phong còn tiến hành khảo sát, thi công, khánh thành hàng chục cây cầu tại địa bàn nhiều tỉnh khó khăn trong cả nước, qua đó đã để lại dấu ấn và những tình cảm tốt đẹp của bà con và học sinh dân tộc thiểu số nghèo với những người thợ làm ống nhựa Tiền Phong. Còn nhớ, khi Công ty Nhựa Tiền Phong khánh thành cây cầu dân sinh ở bản Nà Ui, xã Nậm Sỏ, huyện Tân Uyên, tỉnh Lai Châu, nhiều người đã khỏi rưng rưng xúc động khi chứng kiến niềm vui của bà con ở đây trong giây phút đi trên cây cầu mới, ước mơ ngàn đời của bà con đã trở thành hiện thực. Xã Nậm Sỏ có 22 bản, với gần 1.500 hộ dân, 8.000 nhân khẩu là nơi tập trung sinh sống của bà con dân tộc: Thái, Mông, Dao, Kinh, Khơ Me… Trong đó, bản Nà Ui là bản khó khăn nhất của xã, cuộc sống bà con chủ yếu dựa vào trồng cấy trên nương. Mùa mưa lũ, bản Nà Ui thường xuyên bị chia cắt, cô lập, sinh hoạt, đi lại của người dân nơi đây hết sức khó khăn. Muốn di chuyển từ bản ra trung tâm xã, người dân chỉ có một cách duy nhất là phải băng qua con suối với dòng nước lũ chảy xiết sâu hàng mét. Hình ảnh các em học sinh Nà Ui bơi qua suối tới trường, hay được cha mẹ cõng trên lưng, cùng nhau vượt dòng lũ dữ đã quá quen thuộc với bà con nơi đây. Xuất phát từ thực tế đó, lãnh đạo Công ty CP nhựa Thiếu niên Tiền Phong đã quyết định xây tặng bà con 1 cây cầu treo dân sinh. Và sau một thời gian thi công, Cầu Nà Ui có chiều dài 54 m, chiều rộng 1,5m, trọng tải 0,5 tấn, được thi công với tổng kinh phí hơn 3 tỷ đồng đã được khánh thành, đưa vào sử dụng.

Lãnh đạo Cty CP Nhựa Tiền Phong và lãnh đạo tỉnh Lai Châu khánh thành cầu treo Nà Ui

Cũng với tình cảm và sự sẻ chia như vậy, tháng 10-2019, những người công nhân Nhựa Tiền Phong lại lên với vùng cao nguyên đá Hà Giang để xây tặng đồng bào các dân tộc thiểu số ở đây 1 chiếc cầu dân sinh ý nghĩa. Địa điểm được chọn xây cầu là Bản Nhiệt, xã Bằng Lang, huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang. Đây là xã vùng thấp của huyện Quảng Bình, cách trung tâm huyện 9km về phía Nam, xã có tổng diện tích 7.202,94 ha, với tổng 1.546 hộ/ 6.840 nhân khẩu. Trong đó, thôn Thượng có 196 hộ dân, chia làm 5 xóm, với đa số người dân tại đây là người dân tộc thiểu số như: Thái, Tày, Nùng, Dao, La Chí…Đời sống của người dân trong xã phụ thuộc chủ yếu vào làm nương rẫy, trồng rừng... Do địa lý  khắc nghiệt khiến việc giao thương, đi lại của người dân gặp vô vàn khó khăn, đặc biệt vào mùa mưa lũ. Cầu Bản Nhiệt được khánh thành đã nối liền con đường độc đạo đến trường của các em học sinh vào mỗi mùa mưa lũ, hiện thực hóa ước mơ của con em các dân tộc nơi đây.

 Cầu Bản Nhiệt được khánh thành, đưa vào sử dụng

Rời Hà Giang, những tấm lòng vàng của Nhựa Tiền Phong lại về với huyện miền núi Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa. Nơi đây có 1 địa danh vô cùng heo hút. Làng Xi ở huyện Bá Thước có 145 hộ dân sinh sống, 623 nhân khẩu, hàng ngày có gần 300 lượt học sinh phải đi qua cây cầu dựng tạm bằng tre nứa bắc qua suối Hón Sông để đến trường. Mỗi mùa lũ về, nước ngập con suối khiến nhân dân không thể đi lại qua đây và  học tập của các em học sinh bị gián đoạn, cô lập. Nhu cầu xây dựng cầu làng Xi rất bức thiết nhưng do khó khăn về kinh phí nên nhân dân nơi đây phải chấp nhận sống chung với lũ trong lo sợ về sự an toàn nhất là đối với các em nhỏ đến trường. Sau khi khảo sát thực tế, công ty cổ phần Nhựa Thiếu niên Tiền Phong quyết định đầu tư xây dựng cầu Làng Xi để hỗ trợ nhân dân nơi đây  đặc biệt là giúp các em nhỏ yên tâm tới trường học tập, sinh hoạt được thuận lợi. Cây cầu treo Làng Xi được khởi công ngày 10-7 và hoàn thành sau 90 ngày thi công. Cầu có chiều dài 40m, rộng 1.5m với kinh phí 1,92 tỷ đồng, có tải trọng 0,5 tấn. Đặc biệt, Cầu Làng Xi được trang bị hệ thống đèn chiếu sáng năng lượng mặt trời để giúp nhân dân đi lại an toàn trong đêm tối…

 Cầu Tân Trào (Khởi Nghĩa, Tiên Lãng) ngày khánh thành

Cứ như thế, hành trình “Cầu nối yêu thương” cứ kéo dài thêm mãi, mang theo tình cảm chia sẻ yêu thương và những sự giúp đỡ thiết thực của cán bộ, công nhân Công ty Nhựa Tiền Phong đến với đồng bào vùng khó khăn, để bà con vơi bớt đi nỗi vất vả nhọc nhằn, có điểm tựa vững chắc là những chiếc “cầu nối yêu thương” vươn lên trong cuộc sống!

THẾ KHOA

Ảnh: Trường Giang

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông