23:46 26/07/2018 Trước việc nhiều xe vận tải taxi hiện không thực hiện gắn thiết bị in hóa đơn kết nối với đồng hồ tính tiền, đón trả khách không đúng nơi quy định… gây khó khăn trong việc quản lý cho cơ quan thuế, phóng viên Báo An ninh Hải Phòng vừa có cuộc phỏng vấn nhanh Phó Cục trưởng Cục Thuế thành phố Hà Văn Trường xung quanh vấn đề này
Ông Hà Văn Trường cho rằng số thuế thu từ khu vực kinh doanh vận tải taxi còn thấp hơn so với hoạt động thực tế của các doanh nghiệp
Phóng viên: Xin ông đánh giá thực trạng vận tải taxi hiện nay trên địa bàn Hải Phòng?
Ông Hà Văn Trường: Theo số liệu do Sở Giao thông vận tải thành phố cung cấp, tính đến tháng 4-2018, Hải Phòng là địa bàn có số lượng đầu xe taxi đã được đăng ký đứng thứ 4 cả nước với 3.117 xe thuộc 36 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh vận tải taxi. Tuy nhiên, số thuế thu từ khu vực này còn thấp với thực tế hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp.
Phóng viên: Ngành Thuế hiện gặp những khó khăn gì trong việc quản lý kinh doanh vận tải, thưa ông?
Ông Hà Văn Trường: Công tác quản lý kinh doanh vận tải rất phức tạp, đặc biệt là kinh doanh vận tải taxi. Mô hình quản lý chủ yếu dựa trên 2 hình thức: xe thuộc sở hữu của doanh nghiệp và xe của tổ chức, cá nhân khác thuộc diện nhượng quyền thương hiệu, dịch vụ. Hình thức kinh doanh đa dạng: tự quản lý điều hành; phân chia doanh thu; khoán doanh thu, khoán chi phí xăng xe, sửa chữa,…
Theo quy định tại Điều 6 và Điều 13 Nghị định 86/2014/NĐ-CP ngày 10-9-2014 thì doanh nghiệp kinh doanh vận tải phải bắt buộc phải gắn thiết bị giám sát hành trình xe và từ ngày 1-7-2016, xe taxi phải có thiết bị in hóa đơn kết nối với đồng hồ tính tiền trên xe; lái xe phải in hóa đơn tính tiền và trả cho hành khách.
Tuy nhiên, hiện nay hầu hết các xe không thực hiện gắn thiết bị in hóa đơn kết nối với đồng hồ tính tiền, trong khi việc kiểm tra thiết bị giám sát hành trình xe và thiết bị in hoá đơn cơ quan thuế không đủ chức năng thực hiện mà phải có sự phối kết hợp của đoàn liên ngành. Tình trạng phương tiện vận tải lưu thông trên đường, đón trả khách không đúng nơi quy định đã gây khó khăn trong quản lý thu.
Trên thực tế, số thu thuế chưa tương xứng với quy mô doanh thu và mức độ hoạt động của lĩnh vực kinh doanh vận tải trên địa bàn. Vẫn còn tình trạng xe taxi “dù”, xe không đăng ký kinh doanh, không đăng ký kê khai nộp thuế; một số doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh kê khai doanh số chưa sát hoặc thấp hơn nhiều so với doanh thu thực.
Có những doanh nghiệp làm ăn thiếu minh bạch, không sử dụng hóa đơn nên ngành Thuế chưa quản lý được.
Cục Thuế Hải Phòng đẩy mạnh việc quản lý, chống thất thu thuế trong hoạt động kinh doanh vận tải
Phóng viên: Vậy thời gian tới, ngành Thuế cần phải có những giải pháp nào để siết chặt quản lý lĩnh vực kinh doanh vận tải, chống thất thu ngân sách nhà nước?
Ông Hà Văn Trường: Để tăng cường quản lý, chống thất thu thuế trong lĩnh vực kinh doanh vận tải taxi, chúng tôi đã yêu cầu các đơn vị trong ngành thực hiện rà soát, triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp chống thất thu, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, quản lý chặt chẽ các doanh nghiệp vận tải taxi. Cục hiện đã chỉ đạo các đơn vị bố trí ngay một cán bộ trực tiếp theo dõi, quản lý các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này.
Ngoài ra chúng tôi còn yêu cầu các Phòng Thanh tra, Kiểm tra và các Đội kiểm tra ở Chi cục Thuế triển khai đồng bộ công tác thanh tra, kiểm tra thuế đối với các doanh nghiệp kinh doanh vận tải taxi ngay trong tháng 7 này để cùng thống nhất cách xử lý.
Ngoài ra, lãnh đạo Cục giao Phòng Tổng hợp - Nghiệp vụ - Dự toán (Cục Thuế thành phố) là đơn vị đầu mối theo dõi, đôn đốc và liên hệ, phối hợp với Sở Giao thông vận tải và các cơ quan chức năng để có giải pháp chỉ đạo các đơn vị tiếp tục lên phương án triển khai quản lý thuế đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh vận tải xe khách và vận tải hàng hóa đường bộ trong thời gian tới.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông!
BÙI HẠNH thực hiện
16:11 21/11/2024
08:05 13/11/2024