Đại biểu Quốc hội Hải Phòng góp ý vào dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi)

11:54 30/10/2024

Chiều 29-10, đại biểu Quốc hội thảo luận tổ về dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi); dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế và Luật Dự trữ quốc gia. Đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng thảo luận tại tổ 4 cùng đoàn Tuyên Quang, Ninh Thuận, Bà Rịa- Vũng Tàu. Đồng chí Lê Tiến Châu, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng là tổ trưởng chủ trì thảo luận.

Đại biểu Quốc hội thống nhất cao về sự cần thiết phải sửa Luật Đầu tư công bởi việc này có vai trò quan trọng trong việc tháo gỡ những điểm nghẽn về đầu tư công hiện nay. Đồng thời  nêu rõ: sửa đổi Luật phải theo hướng phân cấp, phân quyền gắn liền với trách nhiệm, thanh tra, kiểm tra và giám sát.

Đồng chí Lê Tiến Châu, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng là tổ trưởng chủ trì thảo luận.

          Theo các đại biểu, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công nhiều năm qua luôn không đạt yêu cầu, kế hoạch đề ra. Do đó, việc sửa đổi Luật lần này cần làm rõ có đạt được mục tiêu tháo gỡ điểm nghẽn và đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công, tăng hiệu suất đầu tư công so với trước đây hay không? Việc sửa đổi Luật Đầu tư công lần này  theo quy trình một kỳ họp với tinh thần không cầu toàn nhưng phải dễ thực hiện, dễ kiểm tra.

          Các đại biểu cho rằng, nội dung dự thảo Luật cơ bản đã cho thấy tinh thần của việc phân cấp, phân quyền gắn liền với cam kết, chịu trách nhiệm, cùng với đó là thanh tra, kiểm tra, giám sát; tức là giao cho các chủ thể quyết định những nhiệm vụ của mình trong Luật này và tự chịu trách nhiệm về quyết định của mình.

  Đại biểu Quốc hội mong muốn, việc sửa đổi Luật Đầu tư công lần này phải giải quyết được câu chuyện hiệu quả đầu tư công, một trong những nguồn động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội; đồng thời không được để lại hệ lụy, đặc biệt là hệ lụy về công tác cán bộ. Do vậy, khi phân cấp, phân quyền, sự cam kết trách nhiệm của các chủ thể phải gắn liền với công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm toán.

          Về dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi), đồng chí Lê Tiến Châu, Bí thư Thành ủy Hải Phòng cho rằng, nếu phân cấp cho địa phương quyết định cả dự án nhóm A (hơn 10.000 tỷ đồng) thì cần phải có đủ cơ sở, điều kiện thực hiện, cả vệ bộ máy, nhân lực… Nói cách khác, sự phân cấp phải đầy đủ, đồng bộ hơn.

Đại biểu Lã Thanh Tân (Hải Phòng) phát biểu

          Đại biểu Lã Thanh Tân (Hải Phòng) cho rằng, dự thảo luật sửa đổi đã cơ bản bám sát sự chỉ đạo của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ với tinh thần cải cách mạnh mẽ, tăng cường phân cấp, phân quyền cho các địa phương; đáp ứng yêu cầu chính quyền kiến tạo, phục vụ; giảm mạnh xin- cho.

          Đại biểu Lã Thanh Tân đề nghị bổ sung một số nội dung nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương thực hiện. Cụ thể là đầu tư, hỗ trợ việc cung cấp sản phẩm, dịch vụ công ích, phúc lợi xã hội; đầu tư theo hình thức PPP; cấp bù lãi suất tín dụng ưu đãi, phí quản lý; cấp vốn điều lệ co các ngân hàng chính sách; quỹ tài chính ngoài ngân sách…

Đại biểu Nguyễn Minh Quang (Hải Phòng) phát biểu

          Đại biểu Nguyễn Minh Quang (Hải Phòng) nêu một số khó khăn, vướng mắc trong đầu tư xây dựng các công trình phòng thủ cấp tỉnh, cấp huyện sử dụng ngân sách địa phương nhưng lại thuộc quyền quản lý của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an. Do đó, cần bổ sung thêm quy định trong Luật Đầu tư công (sửa đổi) là các công trình nhóm B, nhóm C thuộc lĩnh vực QPAN sử dụng vốn ngân sách địa phương thì do cấp tỉnh, cấp huyện quyết định.

                                                                                                                                     Hồng Thanh

   

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông