Báo cáo dịch HIV/AIDS toàn cầu năm 2008 cho thấy những nỗ lực to lớn đểgiảm đà lây lan HIV đã gia tăng và tạo nên kết quả khả quan, nhưng chưađủ để đẩy lùi dịch bệnh AIDS.
| Chăm sóc bệnh nhân AIDS của Malaysia |
Ước tính khoảng 33 triệu (dao động 30,3 - 36,1 triệu) người sống với HIV trên toàn thế giới. Khoảng 2,7 triệu (dao động từ 2,2 triệu - 3,2 triệu) trường hợp nhiễm mới trong năm 2007. Khoảng 2 triệu (dao động từ 1,8 triệu - 2,3 triệu) người chết vì bệnh AIDS trong năm 2007.
Như vậy, kể từ năm 2001, những ca nhiễm HIV mới đã giảm từ 3 triệu người một năm xuống còn 2,7 triệu người trong năm 2007. Mặc dù số nhiễm HIV mới đã giảm nhưng dịch vẫn chưa kết thúc ở bất kì nơi nào trên thế giới.
Cũng theo báo cáo được thực hiện trong năm 2008, khoảng 3 triệu người ở các nước đang phát triển đang được điều trị bằng thuốc kháng virus HIV. Nambia đã mở rộng điều trị từ 1% nãm 2003 lên 88% trong nãm 2007. Tương tự như vậy, Campuchia đã mở rộng điều trị từ 14% trong năm 2004 lên tới 67% trong năm 2007.
Những quốc gia khác hiện đã gần đạt được mục tiêu phổ cập tiếp cận điều trị là Bostwana, Brazil, Costa Rica, Cuba và Lào. Ở phần lớn các khu vực trên thế giới, phụ nữ hiện đang được điều trị bằng ARV nhiều hơn so với nam giới.
Từ năm 2005 đến 2007, tỷ lệ phụ nữ mang thai nhiễm HIV được điều trị kháng virus để dự phòng lây truyền mẹ con đã tăng từ 14% lên 33%. Cũng trong khoảng thời gian này, số trẻ em nhiễm HIV mới đã giảm từ 410.000 trường hợp xuống còn 370.000 trường hợp.
Một số quốc gia như Argentina, Bahamas, Barbados, Belarus, Cuba, Botswana, Georgia, Mololdova, Liên bang Nga, và Thái Lan đã gần đạt được mục tiêu tiếp cận phổ cập, với độ bao phủ của các chương trình dự phòng lây truyền mẹ con đạt được 75%.
Ở Rwanda và Zimbabwe, việc thay đổi hành vi tình dục đã khiến cho số nhiễm mới HIV giảm xuống. Việc sử dụng bao cao su đang gia tăng trong nhóm thanh niên có nhiều bạn tình ở nhiều quốc gia. Một dấu hiệu đáng khích lệ khác là độ tuổi bắt đầu quan hệ tình dục trong thanh niên đang muộn hơn.
Điều này đã được quan sát tại 7 quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất, đó là Burkina Faso, Cameroon, Ethiopia, Ghana, Malawi, Uganda và Zambia. Ở Cameroon, tỷ lệ thanh niên có quan hệ tình dục trước độ tuổi 15 đã giảm từ 35% xuống còn 14%.
Biểu diễn thời trang bao cao su nhân tuần lễ tuyên truyền chống AIDS ở Kualalumpur
Mặc dù đà lây lan đã giảm và cách điều trị có nhiều khả quan như đã nói ở trên nhưng AIDS vẫn tiếp tục là nguyên nhân tử vong hàng đầu ở châu Phi nơi chiếm tới 67% trong tổng số người sống với HIV trên toàn cầu. Ở châu Phi, 60% người sống với HIV là phụ nữ và cứ 4 thanh niên sống với HIV trẻ tuổi thì có 3 người là phụ nữ.
Tỷ lệ nhiễm HIV mới cũng đang gia tăng ở nhiều quốc gia như Trung Quốc, Indonesia, Kenya, Mozambique, Papua New Guinea, Liên bang Nga, Ukraine và Việt Nam. Việc gia tăng những ca nhiễm HIV mới cũng quan sát được ở một số quốc gia phát triển như Ðức, Anh và Australia.
Qua đánh giá nhận thấy ở hầu hết tất cả các khu vực trên thế giới, trừ khu vực cận Sahara ở châu Phi, các ca nhiễm HIV chủ yếu trong số những nhóm người tiêm chích ma túy, nam tình dục đồng giới và những người hành nghề mại dâm. Vì vậy, kể từ năm 2005, đã có nhiều nỗ lực tập trung vào nhóm hành nghề mại dâm, nam tình dục đồng giới và những người tiêm chích ma túy.
Ví dụ, trong số 39 quốc gia báo cáo về tiếp cận dịch vụ dự phòng HIV của những người hành nghề mại dâm thì độ bao phủ trung bình đã đạt được 60%. Gần 50% số người tiêm chích ma túy ở 15 quốc gia và 40% nam tình dục đồng giới ở 27 quốc gia đã tiếp cận được tới dịch vụ dự phòng lây nhiễm HIV.
Tuy nhiên, các chuyên gia nhấn mạnh cần phải quan tâm hơn nữa tới cả những đối tượng "tưởng là vô can với HIV". Ở Thái Lan, trước kia lây truyền HIV chủ yếu qua quan hệ tình dục với người hành nghề mại dâm và tiêm chích ma túy, nhưng giờ đây việc lây nhiễm HIV chủ yếu qua quan hệ tình dục giữa vợ chồng. Qua đó cho thấy không ai là "miễn nhiễm" với HIV nếu như bạn chủ quan.
VIỆT ANH (theo UNAIDS) |