16:42 27/04/2023 Trước sự tàn phá ruộng đồng, hoa màu, lúa thóc của loài chuột, nhiều năm qua, trên địa bàn xã Lưu Kỳ (huyện Thuỷ Nguyên) đã dấy lên phong trào “cùng nhau đánh chuột”. Không ngừng được củng cố, phát triển sâu rộng, phong trào nay đã trở thành hoạt động thường xuyên, thu hút động đảo bà con nông dân địa phương tích cực tham gia, hưởng ứng.
Phương pháp an toàn, hiệu quả
Là động vật gặm nhấm, loài chuột có răng cửa phát triển và có khuynh hướng mọc dài. Chúng phải cắn liên tục để mài răng, trong nhiều trường hợp chuột cắn phá nhiều hơn là ăn.
Với sự nhanh nhẹn, chúng đã đẩy khả năng phá hoại của mình lên rất cao, gây thiệt hại lớn cho sản xuất nông nghiệp, nhất là ảnh hưởng đến năng suất lúa, hoa màu.
Bao năm qua, các nhà khoa học, nhà quản lý và người nông dân đã sáng tạo, áp dụng rất nhiều biện pháp để tiêu diệt loài gặm nhấm có hại này nhưng cách thủ công vẫn được đánh giá là an toàn, cho hiệu quả cao nhất.
Và điều kỳ diệu đã xảy ra xã Lưu Kỳ, huyện Thuỷ Nguyên. Đó là cứ mỗi đợt Hợp tác xã sản xuất, kinh doanh dịch vụ nông nghiệp xã phát động đánh chuột là bà con nông dân lại náo nức, phấn khởi “hò” nhau cùng đi.
Trước đó, qua các buổi tập huấn, tư vấn của cán bộ Trạm Khuyến nông, hợp tác xã đã nắm chắc và liên tục phổ cập, khuyến cáo tới các hộ dân thời điểm cũng như biện pháp kỹ thuật diệt chuột.
Theo đó, đã thành thông lệ, cứ khi chuyển vụ, kết thúc thu hoạch lúa chuẩn bị cho vụ tiếp theo, theo lịch dâng nước của xã, huyện hay vào thời điểm trước khi cấy từ 7-10 ngày, bà con nông dân trong xã lại í ới gọi nhau.
Đàn ông có, phụ nữ có, trẻ có, già có. Người dân tự lập ra các nhóm nhỏ men theo các tuyến đường đồng lớn, sử dụng mai, cuốc, xẻng, hun khói, cầm rọ, quây lưới, một số khác thì mang các loại bẫy đặt đánh, bắt chuột.
Nhờ có sự tham gia hưởng ứng tích cực, đồng bộ của bà con nên số lượng chuột thu bắt mỗi năm của xã được tính bằng nghìn con.
Mô hình cần nhân rộng
Đáng chú ý, nhằm khích lệ, động viên bà con nông dân tích cực tham gia diệt chuột hiệu quả, an toàn, Hợp tác xã sản xuất, kinh doanh dịch vụ nông nghiệp xã Lưu kỳ đã tổ chức thu mua đuôi chuột của các hộ nông dân trong xã với giá từ 3.000 - 5.000 đồng/đuôi. Kinh phí thu mua do đơn vị và Ủy ban nhân dân xã trích từ nguồn ngân sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp. Năm 2021, toàn xã thu mua được 6.064 đuôi chuột; năm 2022 là 4.224 đuôi.
Được biết, sau khi đánh, bắt chuột xong, để tránh gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường, bà con nông dân xã Lưu kỳ còn tiến hành tiêu huỷ bằng phương pháp chôn lấp, rắc vôi khu vực xung quanh hố chôn.
Với kết quả khả quan kể trên, phong trào “cùng nhau đánh chuột” trên địa bàn xã Lưu Kỳ đã góp phần đáng kể vào việc kiểm soát tình trạng chuột phá đồng ruộng, làm giảm đáng kể số lượng chuột trên địa bàn. Từ đó, giúp bà con nông dân bảo vệ mùa màng, tăng năng suất, chất lượng lúa cũng như các loại hoa màu khác lại tránh được những tai nạn đau lòng khi sử dụng điện bất chuột như ở một số địa phương khác.
Thực tế cho thấy, theo thời gian, chuột đồng ngày càng tinh khôn hơn, có tính đa nghi, đề phòng cao, rất khó để dẫn dụ và tiêu diệt. Chúng có khả năng sinh sản rất nhanh, nên số lượng tăng lên nhanh chóng trong một thời gian ngắn nếu không bị tiêu diệt kịp thời. Chưa kể việc tiêu diệt chúng cũng tốn nhiều sức lực, thời gian và chi phí tốn kém.
Thiết nghĩ, để hạn chế tác hại mà loài chuột gây ra trên địa bàn thành phố, song song với việc sử dụng các biện pháp đánh, bắt chuột ứng dụng tiến bộ của khoa học - kỹ thuật, các địa phương và toàn thành phố cần tham khảo, học hỏi, nhân rộng mô hình phong trào “cùng nhau đánh chuột” cua bà con nông dân xã Lưu Kỳ...
Bình Huệ
16:11 21/11/2024
08:05 13/11/2024